Nhiều kiến nghị, góp ý của Hiệp hội đã được tiếp nhận, sử dụng

19/07/2019 14:35
TẤN TÀI
(GDVN) - Nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bỏ thi ba chung, bỏ điểm sàn... được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận.

Ngày 19/7, tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị Ban thường vụ nhiệm kỳ I (2014-2019) và phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ II (2019-2024).

Nhiều đóng góp được tiếp nhận

Tại hội nghị, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội công bố dự thảo đề cương “báo cáo tổng kết tình hình hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ I (2014-2019) và phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ II (2019-2024)” do tiểu ban văn kiện chuẩn bị.

Hiệp hội các Trường Đại học Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị Ban thường vụ nhiệm kỳ I (2014-2019). Ảnh: TT
Hiệp hội các Trường Đại học Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội nghị Ban thường vụ nhiệm kỳ I (2014-2019). Ảnh: TT

Trong đó có đánh giá lại hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua.

“Hiệp hội đã có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện quan trọng. Đây là hoạt động cơ bản nhất được Hiệp hội tập trung công sức nghiên cứu thực hiện với mục đích:

Thông tin, động viên các nhà trường hội viên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ủng hộ nguyện vọng chính đáng và bảo vệ quyền lợi của các trường hội viên và của Hiệp hội.

Đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để các chính sách đi vào cuộc sống đạt hiệu quả.

Hiệp hội đại học và cao đẳng Việt Nam thăm và làm việc tại Đại học Tôn Đức Thắng
Hiệp hội đại học và cao đẳng Việt Nam thăm và làm việc tại Đại học Tôn Đức Thắng

Hiệp hội tham gia phản biện các chính sách theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Đảng và Nhà nước”, Phó Giáo sư Nhĩ cho hay.

Cụ thể như việc Hiệp hội nghị kiến nghị, góp ý về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh bỏ thi ba chung, bỏ điểm sàn, các trường đại học, cao đẳng tự chủ thực hiện tuyển sinh;

Kiến nghị về sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, về định hướng củng cố, thực hiện tự chủ của các trường cao đẳng y tế, sư phạm...

Tất cả những kiến nghị, góp ý của Hiệp hội đã được các cấp quản lý Đảng và Nhà nước lắng nghe, tiếp nhận và sử dụng.

Ngoài ra, Hiệp hội còn tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm mang tính quốc gia đạt cả về quy mô lẫn chất lượng.

Các hội thảo lớn đều có sự tham gia đồng chủ trì tổ chức của một số bộ, ban ngành trung ương có liên quan, được Phó Thủ tướng đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Kết quả hội thảo và tọa đàm là cơ sở cho nội dung ý kiến đóng góp, đề xuất kiến nghị chung của Hiệp hội đạt chất lượng.

Điển hình như năm 2017, Hiệp hội phối hợp với Trường Đại học Hòa Bình, Viện Đánh giá đo lường chất lượng giáo dục trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tham gia đấu thầu đề tài khoa học cấp quốc gia.

Hiện nay đã và đang triển khai, phấn đấu đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng theo yêu cầu.

Tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho giáo dục

Hội nghị cũng đặt ra phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của nhiệm kỳ tới. “Trên cơ sở phát huy những thành tích đã có và khắc phục những hạn chế trong nhiệm kỳ I vừa qua.

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ về định hướng phát triển của Hiệp hội thời gian đến. Ảnh: TT
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ về định hướng phát triển của Hiệp hội thời gian đến. Ảnh: TT

Kế hoạch, chương trình hoạt động của Hiệp hội cần được xây dựng một cách thiết thực, vừa sức, lựa chọn một số vấn đề mấu chốt của giáo dục đại học, tập trung nguồn lực để nghiên cứu đề xuất giải pháp thực hiện.

Động viên các hội viên tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tập trung vào giải pháp cơ bản và quan trọng để tiếp tục đổi mới giáo dục đạt hiệu quả cao, đó là đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học”, Phó Giáo sư Nhĩ nói.

Hiệp hội gửi Thủ tướng văn bản kiến nghị về hệ thống trường sư phạm địa phương
Hiệp hội gửi Thủ tướng văn bản kiến nghị về hệ thống trường sư phạm địa phương

Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi các điều khoảntrong các văn bản luật, dưới luật hiện tại có liên quan, đang là những rào cản, làm chậm bước tiến thực hiện tự chủ đại học.

Cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nhân sự phù hợp, gọn nhẹ của lãnh đạo, của các phòng ban chức năng gồm những người có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm cao, kinh nghiệm về quản lý giáo dục, có ý thức đổi mới và có thời gian trực tiếp làm việc để có thể hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tổ chức các hội thảo khoa học, các buổi tọa đàm trao đổi, lấy ý kiến đóng góp vào các văn bản luật và dưới luật liên quan như:

Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định hướng dẫn thực hiện vấn đề thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục...

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, trong nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ lựa chọn những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục để tham gia Hiệp hội và xem đây như là một diễn đàn quan trọng để đóng góp cho giáo dục.

Bên cạnh đó cũng cần bổ sung sức trẻ cho Hiệp hội để hoạt động hiệu quả hơn, đạt vị thế cao hơn. Thời gian đến, Hiệp hội sẽ phát huy vai trò phản biện các chính sách về giáo dục một cách xây dựng.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cũng đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội trong sự phát triển của các trường Đại học, Cao đẳng, đồng thời, chia sẻ những phương án để phát triển tài chính cho cho Hiệp hội.

TẤN TÀI