Mới rời nhà hơn 4 ngày sao đã bỏ đi con ơi!
Chiều ngày 26/3 có mặt tại khu nhà xác Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh chúng tôi đã chứng kiến cảnh đau lòng. Đây là nơi các thi thể nạn nhân xấu số được giữ lại nhiều nhất để người nhà đến nhận dạng.
Sáng ngày 26/3, hầu hết thi thể các nạn nhân xấu số đã được người nhà mang về quê mai táng. Khi chúng tôi đến chỉ còn thi thể hai nạn nhân xấu số cuối cùng được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát vào sáng ngày 26/3.
Tại nơi đặt thi thể nạn nhân Trần Công Minh (SN 1995, trú tại thôn Tiên Phan, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) tiếng gào khóc của bố mẹ não nề cả căn nhà xác lạnh lẽo.
Nỗi đau của người bố nạn nhân Minh (ảnh Xuân Hòa) |
Do bố mẹ em nắm thông tin chậm vì ít được xem đài báo nên đến tận trưa ngày 26/3 được lực lượng chức năng báo tin mới hoảng hốt chạy ra Bệnh viện huyện Kỳ Anh để nhận dạng thi thể con trai mình. Bên chiếc quan tài đã lãnh lẽo của người con trai mình ông Trần Ngọc Sáng (bố nạn nhân Minh) gào khóc: “Con ơi! Con mới xa nhà được hơn 4 ngày mà giờ con đã đi xa vậy con. Hôm qua bố ở nhà nóng ruột nhưng không nghĩ đến việc con bỏ bố mà đi vậy con ơi. Làm được 4 ngày chưa được nhận đồng lương nào con đã bỏ mạng nơi xứ người. Con nói không muốn bố mẹ vất vả nhưng giờ con về đi bố mẹ vất vả bao nhiêu bố mẹ cũng chịu được con ơi!”
“Minh còn nhỏ tuổi và mới vào làm được có 4 ngày nhưng được cái chịu khó lại ngoan nên ai cũng quý em nó. Trưa trước lúc đi làm nó còn đùa nghịch với mấy anh vậy mà giờ em nó đã … Do em mới vào làm không ai có số gia đình nên từ tối qua đến nay trong lúc chờ báo tin gia đình chúng tôi lại thay nhau túc trực thi hài em nó. Em nó còn quá nhỏ tuổi mà đã phải bỏ mạng thật là uổng cho em nó:”, anh Lê Viết Tiến (đồng nghiệp nạn nhân Minh) cho biết.
Khi tất cả thủ tục bàn giao thi thể của nạn nhân Minh đã xong nhưng bố mẹ em vẫn không rời khỏi quan tài đứa con trai của mình. Được một lúc người mẹ của em ngất lịm đi các y, bác sĩ tại bệnh viện phải cấp cứu cho nạn nhân. Sau đó, các đồng nghiệp em Minh lại dìu bố em mới chịu rời tay khỏi chiếc quan tài của con mình để đưa lên xe mang về quê an tang.
Người mẹ nạn nhân Minh thất thần bên quan tài con trai mình (ảnh Xuân Hòa) |
Cách đó không xa người nhà nạn nhân Phạm Văn Tân (1951, quê xóm 6, xã Diễn Yên, Diễn Châu,Nghệ An) người nhà cũng đã khóc than trong tiếng ai oán. Cuộc sống bươn chài làm nông nhưng không đủ nuôi những đứa con nhỏ nên ông Tân đã theo những thanh niên trong làng đi làm tại đây để phụ giúp vợ nuôi các con. Mong muốn của ông các con của mình được ăn học đến nơi đến chốn.
“Bố ơi! Bố nói đi làm để phụ mẹ nuôi các em nhưng nay các em đã học xong đâu mà bố bỏ đi vậy bố. Bố thất hứa với các em thế là không được nên bố quay về đi bố ơi. Bố về đi con sẽ cùng với bố nuôi các em học bố nhé. Sao ông trời lại nỡ lấy đi mạng sống của bố tôi vậy ông trời”, anh Phạm Văn Hùng (con trai thứ 3 của ông Tân) gào khóc bên quan tài cha.
Khi hai chiếc xe chở hai nạn nhân cuối cùng rời nhà xác Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh thì những người dân chứng kiến cũng đã đỏ hoe mắt. Chỉ trong một ngày họ phải chứng kiến một lúc 13 con người ở mỗi vùng quê khác nhau ra đi thì quả thật là tang thương.
Vẻ mặt thất thần vì sợ hãi và nỗi buồn của các công nhân trước tai nạn đột ngột đã cướp đi 13 sinh mạng của đồng nghiệp mình (ảnh Xuân Hòa) |
“Chưa bao giờ bệnh viện tôi phải chứng kiến cảnh tang thương tập thể lớn như vậy. Thật là xót xa cho các gia đình nạn nhân, họ hầu như đều đang là thanh niên trai tráng còn độ tuổi đôi mươi. Nhìn cảnh những ông bố, bà mẹ đầu đã bạc trắng hoa râm ôm chặt quan tài những đứa con ai không khỏi xót xa”, bà Phan Thị Xuân Liễu – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh nói trong ngậm ngùi.
Có nạn nhân bị thương vẫn chưa có người nhà đến tiếp nhận
Thông tin từ bà Trần Thị Dung – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, hiện 19 nạn nhân được đưa vào bệnh viện này cấp cứu đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều nạn nhân bị thương nặng vẫn đang được theo dõi đặc biệt.
Đến chiều ngày 26/3 công tác cứu hộ các nạn nhân đã hoàn tất (ảnh Xuân Hòa) |
Điều đáng nói hơn tại bệnh viện này trong số 19 nạn nhân đang được chữa trị tại đây có một bệnh nhân chưa có người nhà đến nhận. Nạn nhân này khoảng 35 tuổi bị đa chấn thương khắp cơ thể và đặc biệt vùng miệng bị thương nặng nên rất khó nói. Theo một ít thông tin nạn nhân có thể nói ra được thì quê nạn nhân này là ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đến chiều ngày 26/3 công tác cứu hộ tại hiện trường cũng đã hoàn thành. Hiện nay các ban ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đang cố gắng chữa trị tốt nhất cho các nạn nhân bị thương. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân bị tử vong 3 triệu đồng, nạn nhân bị thương 2 triệu đồng.
Cũng trong ngày 26/3, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập tổ điều tra nguyên nhân vụ sập giàn giáo trên gồm: Công an tỉnh, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở xây dựng.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam nhiều công nhân bị thương cho biết, trước khi xảy ra vụ sập giàn giáo trên trước đó chỉ khoảng hơn 20 phút giàn giáo này đã 2 lần bị sụt xuống. Hai lần sụt này nhiều công nhân sợ hãi đã bỏ chạy ra ngoài và báo lên cho người có trách nhiệm tại công trình. Nhưng sau khi kiểm tra người có trách nhiệm tại công trình vẫn cho rằng không việc gì nên lại chỉ đạo công nhân tiếp tục vào làm việc.