Tiền không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển qua lại từ túi của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay nhà nước và doanh nghiệp đều thiếu tiền thì chắc chắn lượng tiền mặt đó đã chuyển vào túi người dân - Đó là quan điểm của nhiều người khi trả lời cho câu hỏi tiền mặt đang ở đâu.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần huy động được lượng tiền "chết" trong dân là có thể vực dậy được nền kinh tế.
Theo ý kiến của tôi thì đó là một cách nhìn nhận không toàn diện và thiếu chính xác. Bởi vì nền kinh tế sôi động trở lại hay không thì hiện tại nhà nước cũng không thể thực hiện được nếu chỉ dựa vào nội lực của chúng ta bao gồm: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mà còn một sự tác động lớn đang nằm trong tay các tập đoàn tài chính quốc tế.
Chính những nhận thức thiếu chính xác trên đã đem đến những thất bại thảm hại cho những nhà đầu tư tài chính của Việt Nam.
Tháng 4/2009, N.M Rothschild & Sons Limited (Singapore), có trụ sở chính tại Singapore, đã mở văn phòng đại diện tại thành phố Hà Nội. Đây là một thông tin quan trọng để Chính phủ cũng như các nhà đầu tư chuẩn bị kế hoạch cho một sự biến động lớn của thị trường tài chính Việt Nam. Sau đó là 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, đầu tư vào Việt Nam (tính đến ngày 31/12/2011).
Doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị những kiến thức để thích ứng khi những tập đoàn tài chính quốc tế với tiềm lực tài chính khủng khiếp lũng đoạn thị trường nước ta. Ảnh minh họa: Internet |
Các tập đoàn tài chính quốc tế đã có mặt và bằng nguồn tài chính hùng mạnh của họ, họ sẽ đẩy một dòng tiền lớn mạnh vào thị trường Việt Nam. Trong đó có những tập đoàn muốn "thổi bong bóng" tài chính để tạo ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế, để rồi "xén lông cừu" chúng ta.
Nó như một dòng lũ và chúng ta đã phải chấp nhận. Và chắc chắn tương lai sẽ là một loạt những tính toán và những bước đi của họ sẽ còn tiếp tục tác động mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam nhằm thu lợi nhuận cho chính họ.
Hậu quả là tình trạng lạm phát cao hiện nay sẽ kéo theo tài sản của chúng ta bị bốc hơi nhanh chóng theo thời gian. Khoản bốc hơi đó sẽ chảy vào túi của những tập đoàn tài chính quốc tế. Và như chúng ta đã thấy, bất động sản mất giá, cổ phiếu rẻ bèo và các tập đoàn tài chính quốc tế nhảy vào thu mua, "xâu xé" chúng ta.
Bởi vậy khi chúng ta đã chấp nhận (và phải chấp nhận) tham gia cuộc chơi kinh tế hội nhập toàn cầu thì sự biến động của thị trường tài chính, chúng ta sẽ không thể chủ động hoàn toàn được. Nền kinh tế có sôi động hay không cũng không phải chỉ chúng ta là có thể tạo dựng được. Mà chúng ta chỉ có thể chấp nhận sống cùng với những sự biến động có tính toán đó.
Vậy những nhà đầu tư trong nước cần phải biết rõ vấn đề này để có cách đầu tư hợp lý sao cho thu được lợi nhuận, hoặc ít nhất đảm bảo được tài sản không bị bốc hơi do lạm phát gây ra. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì chúng ta luôn luôn phải theo sát những bước đi của những dòng tiền lớn đổ vào đầu tư của các tập đoàn tài chính quốc tế.
Yêu cầu đầu tiên là chúng ta phải phân tích được những dòng tiền lớn mà các tập đoàn tài chính quốc tế đổ vào thị trường bắt đầu vào thời điểm nào? Dòng tiền đó sẽ sinh ra được những lợi ích gì cho họ? Chúng ta phải phân tích được trước khi quyết định nên đầu tư vào cái gì? Thời điểm nào? Và lúc nào cần rút lui.
Sự phân tích phải dựa vào sự hiểu biết sâu sắc về tài chính, tiền tệ, thông tin kinh tế cập nhật thường xuyên từ báo chí, và sự hiểu biết về pháp luật của chúng ta. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể có cơ hội chiến thắng và thu được lợi nhuận.