Nhiều thầy cô tạm quên chiếc dạ dày rỗng, hết lòng vì học sinh

29/10/2019 06:42
Phan Tuyết
(GDVN) - Cô M. giáo viên dạy Lý cho biết môn của mình cũng có thể dạy thêm. Nhưng khu phố thường xuyên ập vào nhà bắt dạy thêm như bắt tội phạm, cảm thấy bị sỉ nhục...

Trước hết chúng tôi khẳng định rằng, về lý thuyết không có môn học nào là môn phụ, cũng không có quy định nào phải phân biệt như thế.

Nhiều giáo viên làm nghề tay trái bằng việc bán hàng qua mạng. (Ảnh nguồn minh họa: baobinhthuan.com.vn).
Nhiều giáo viên làm nghề tay trái bằng việc bán hàng qua mạng. (Ảnh nguồn minh họa: baobinhthuan.com.vn).

Nhưng trong thực tế, trong nhận thức của bao người (cả giáo viên cũng không ngoại lệ) thì ngoài những môn học như Toán, Văn, Anh văn, Lý, Hóa thì những môn học còn lại đều được gọi tên 2 tiếng môn phụ.

Môn chính đương nhiên học sinh sẽ đi học thêm khá nhiều. Ngoài những môn học “vua” như Toán, Anh văn nhu cầu học thêm cao nên những giáo viên này thường có thu nhập khủng.

Những môn còn lại như Hóa, Lý, Văn… học sinh đi học thêm ít hơn nhưng nếu chịu khó dạy thì một tháng, giáo viên cũng có thêm thu nhập ít nhất bằng lương.

Với số tiền ấy cùng với khoản lương cố định cũng được xem là tạm đủ cho những chi tiêu trong tháng.

Tội và thương nhất là những thầy cô giáo dạy môn phụ, những môn học sinh không bao giờ đi học thêm hoặc các thầy cô không bao giờ dạy thêm.

Với đồng lương chỉ vài ba triệu hơn tí là dăm triệu đồng/tháng, những giáo viên này sẽ phải bươn chải thế nào mới có thể trụ được ở thành phố “gạo châu củi quế?”

Thầy giáo T. một giáo viên dạy Tin học ở một trường trung học cơ sở tại quận 8 thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Em dạy gần 8 năm mà lương có 4 triệu 500 ngàn đồng, em nản quá.

Nhiều thầy cô tạm quên chiếc dạ dày rỗng, hết lòng vì học sinh ảnh 2
Ngoài dạy thêm, giáo viên còn có thể làm thêm việc gì?

Cũng có một số học sinh xin đi học thêm nhưng em cũng không muốn dạy, vì dạy thêm, mình sẽ không công bằng được.

Em đành ra ngoài kiếm thêm việc làm. Nhưng giáo viên tụi em thì làm thêm được gì?

Em chọn chạy grab, làm nghề giao đồ ăn nữa, mệt mỏi, phiền toán  đủ điều. Thời gian làm thêm từ 6 giờ tối đến 11giờ khuya.

Nhưng bù lại hàng tháng em có thêm 6 triệu đồng cao hơn lương đi dạy.

Em thế còn hạnh phúc, mấy giáo viên đồng nghiệp của em, có người làm phụ hồ, người làm bán vé rạp chiếu phim.

Nhiều thầy cô kể nghe mà buốt lòng. Không ít lần ngồi bán vé xem phim, học trò nhìn thấy la lên: “ Cô (thầy) cũng phải đi bán vé nữa hả?”

Thầy H. một giáo viên dạy thể dục đã lận lưng khá nhiều giải thưởng cá nhân và học sinh từ cấp quận đến cấp thành phố.

Thế nhưng với 6 triệu lương một tháng (tiền thuê nhà ngốn hết 3 triệu đồng) không thể không làm thêm.

Thầy H. buộc phải làm thêm ngoài giờ. Mỗi ngày sau giờ dạy ở trường, thầy H.  nhận chạy now (giao đồ ăn) và chạy grab đến khuya mới về.

Giáo viên nam chạy xe, giao đồ ăn. Một số giáo viên nữ phụ bán trái cây với bạn bè, hoặc bán trên mạng.

Vì là giáo viên nên khách mua hàng chủ yếu là học sinh, phụ huynh và một số đồng nghiệp quanh vùng.

Thôi thì các cô bán đủ các mặt hàng như sầu riêng, bán bơ, bán măng cụt, bán bánh tráng trộn, bán trà sữa…

Người may mắn hơn được hiệu trưởng cho làm thêm một số công việc vặt trong trường như chống thấm, chống dột lớp học, cắt tỉa cây trong trường, tưới cây......mỗi tháng thêm được thêm tầm 2 triệu đồng đã là vui rồi.

Thầy T. chua chát: “Chạy xe, giao đồ ăn thường vào giờ trưa, khuya nên nắng táp, mưa sa người giống ngợm đen đúa trông xấu xí quá chừng”.

Thầy không quên chia sẻ sự chua chát, có đồng nghiệp cho biết bán hàng mà học sinh là khách ruột nên trong khi dạy cũng chẳng thể nghiêm khắc như bình thường.

Đây cũng chính là nỗi đau, sự tủi hổ của không ít nhà giáo luôn phải nhờ công việc phụ làm kế sinh nhai.

Cô M. một giáo viên dạy Lý cho biết môn của mình cũng có thể dạy thêm (phụ huynh tình nguyện gửi chứ không dùng áp lực để bắt buộc).

Nhiều thầy cô tạm quên chiếc dạ dày rỗng, hết lòng vì học sinh ảnh 3
Nghề giáo, những lượm lặt... buồn

Thế nhưng khu phố thường xuyên ập vào nhà bắt dạy thêm như bắt tội phạm, cảm thấy bị sỉ nhục nên xin đi bán vé ở rạp chiếu phim từ 18 giờ đến 24 giờ mới xong ca.

Đêm nào về đến nhà, tắm, ăn uống qua loa đồng hồ cũng đã bước sang ngày mới từ khá lâu rồi.

Tạm quên chiếc dạ dày rỗng vẫn hết lòng vì học sinh

Không chọn dạy thêm dù cũng có cơ hội, một số giáo viên dạy Tin, dạy Lý vẫn thường xuyên dạy thêm giờ cho những học sinh yếu, học sinh giỏi muốn đi thi Tin học.

Có điều lạ, dạy miễn phí nhưng vẫn lén lút như tội phạm.

Lý giải điều này, thầy T. cho biết, một số em học sinh lười, gia đình li dị, tụi em bắt ở lại vào phòng giám thị học bài, giảng lại những kiến thức mà các em chưa hiểu.

Nhưng tụi em không cho Ban giám hiệu biết mình làm vậy. Cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình giúp được ai thì mình giúp thôi.

Mình tuy khó khăn, nhưng có những người khó khăn hơn mình nên mình ráng giúp đỡ các em.

Tụi em còn hùn tiền lại, cho tiền một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn đóng tiền học.

Nói rồi thầy T. cho biết, mình đang dạy miễn phí cho một đội tuyển học sinh giỏi. Với quyết tâm, em sẽ dốc hết sức đào tạo một lứa học sinh giỏi cho bộ môn Tin mong các em sẽ giành được giải cấp thành phố ở lĩnh vực lập trình.

Thế nên, có bỏ thêm chút thời gian cho các em cũng thấy thật hạnh phúc.

Phan Tuyết