LTS: Băn khoăn trước câu chuyện nghề giáo, thầy giáo Sơn Quang Huyến không khỏi cảm thấy chạnh lòng khi nghề giáo vẫn không được ưu tiên để học sinh lựa chọn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ trước đến nay ta vẫn nghe câu nói cửa miệng của người Việt khi chọn nghề “…Chuột chạy cùng sào, chui vào sư phạm”. Câu này chỉ có ở miền Bắc, còn ở miền Nam trước giải phóng, không có câu này.
Hiện nay giáo giới cũng đang truyền miệng câu chuyện “Có một thầy giáo chủ nhiệm, đến thăm nhà phụ huynh, phản ánh về tình trạng học tập không tốt của cậu út, con chủ nhà.
Trao đổi xong, nói đến chuyện chọn nghề chủ nhà nói “Thầy à, thằng út học yếu quá, chắc tui phải cho nó đi sư phạm thôi”.
Trong mắt xã hội, phụ huynh học sinh, nghề giáo đã trở nên “đáng thương” quá. Một nghề mà không sống được với nghề, làm đủ nghề tay trái để nuôi nghề tay phải, thật đáng thương biết bao!
Vậy thực chất nghề giáo đang sống thế nào?
Học sinh giỏi có chọn sư phạm không? Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn |
Khách quan mà nói, những giáo viên “dạy thêm được” vẫn “sống khỏe”. Ở một địa phương cụ thể, đời sống vật chất của những giáo viên dạy thêm được vẫn thuộc dạng “thường thường bậc trung”; không ít người thuộc hàng “khá giả”.
Còn những giáo viên chỉ “sống bằng lương”, nói thật, họ thực sự khó khăn, chỉ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”; giáo viên phần đa thuộc đối tượng này, vì thế họ làm thêm đủ thứ nghề khác để nuôi nghề giáo.
Nhìn thầy cô giáo của mình, trong cơ chế thị trường, học sinh vẫn không thích “cách làm kinh tế” của giáo viên “dạy thêm được”; học sinh nhìn cuộc sống thầy cô “không dạy thêm được”, các em đã đánh mất “giấc mơ” nghề giáo.
Thế nhưng, thật bất ngờ, năm nay, không ít học sinh giỏi của tôi tâm sự, chọn nghề giáo!
Tại sao vậy? Có phải do có thông tin sau 2020, sinh viên sư phạm ra trường có việc làm từ 80% trở lên?
Không phải, các em chọn nghề giáo vì “tiềm năng kiếm tiền” ở các đô thị lớn; chọn nhiều nhất vẫn là môn Toán, Ngoại ngữ.
Các em lý luận, không dạy trong trường học thì các em dạy ở trung tâm, mở trung tâm, dạy kèm; đi làm ở các doanh nghiệp cần ngoại ngữ.
Có em còn kể, nhà có hai chị, cả hai chị đều giỏi anh văn; chị học Luật làm cho một công ty nước ngoài, lương cũng chỉ hơn chục triệu đồng; chị học sư phạm Anh, có trung tâm Anh ngữ, kiếm tháng hơn ba chục triệu đồng, nhàn hạ.
Chị học luật buổi tối, thứ bảy, chủ nhật lại “dạy thuê” cho chị sư phạm.
Điều đáng buồn, phần lớn các em học sinh giỏi chọn nghề giáo, không chọn “môn phụ”! Động cơ vào nghề của các em là hình ảnh, cuộc sống của các thầy cô dạy thêm được; chỉ chọn các môn có thể dạy thêm.
Học trò thời 4.0 hiểu biết, biết so sánh, lý luận để chọn nghề; nếu chúng ta cứ tư duy cũ, bám vào nhà nước, bám vào công chức, không còn phù hợp để hướng nghiệp cho học trò.
Chúng ta không thể “lý tưởng hóa” sự hy sinh, cống hiến để học sinh giỏi vào sư phạm.
Muốn học sinh giỏi thực sự vào sư phạm, cần có cải cách tiền lương, đãi ngộ xứng đáng với nghề giáo. Không mơ ước lương cao như quân đội, công an; hãy cho họ mức lương có thể sống được bằng lương của mình.
Khi nghề giáo “sống được” nhờ “xã hội hóa”, nhờ nghề tay trái, hình ảnh người thầy vẫn chưa thể trọn vẹn trong ước mơ của học trò. Giáo dục là quốc sách hàng đầu vẫn chưa có người thực hiện!
Dẫu vậy, học sinh giỏi chọn nghề giáo, là tín hiệu tốt cho giáo dục chúng ta.