Nhìn lại 5 vấn đề quốc tế nổi bật năm 2018 và dự báo năm 2019

31/12/2018 08:08
Thanh Bình
(GDVN) - Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Năm 2019, cục diện thế giới và khu vực sẽ ra sao?

Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Viễn cảnh hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã có những bước đột phá ngoạn mục nhưng vẫn để lại nhiều dấu hỏi.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm chao đảo nền kinh tế thế giới, viễn cảnh chính trị u ám ở châu Âu và chiến lược cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông được dự báo có thể là ngòi nổ cho những xung đột vũ trang trong thời gian tới.

Dưới đây, chúng tôi xin được tổng hợp lại 05 vấn đề quốc tế nổi bật trong năm 2018 và đưa ra một số dự báo năm 2019 để chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày cuối năm 2018.

1. Đột phá về ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên


Năm 2018 được cho là một năm thành công đối với tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.

Từ việc liên tục thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã chuyển sang thử nghiệm các triển vọng ngoại giao.

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ, Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) tại Singapore ngày 12/6/2018 (Ảnh: CNN).
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ, Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un (trái) tại Singapore ngày 12/6/2018 (Ảnh: CNN).

Sau khi tuyên bố chuyển từ việc cùng phát triển kinh tế và hạt nhân sang việc chỉ tập trung duy nhất vào phát triển kinh tế tại phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên, cộng đồng quốc tế đã được chứng kiến một loạt các Hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un:

3 lần với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in; 3 lần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6/2018 tại Singapore.

Bằng cách giảm bớt sự thù địch với Mỹ và Hàn Quốc, 2 quốc gia mà Triều Tiên coi là mối đe dọa lớn nhất đối với họ, Triều Tiên dường như cho thấy nỗ lực thay đổi môi trường an ninh bên ngoài.

Mỹ và Triều Tiên đống vai trò chủ chốt về trạng thái khủng hoảng của bán đảo Triều Tiên.

Cho nên việc hai nước quay trở lại quỹ đạo đối thoại không những đánh dấu điểm cao nhất về chuyển biến tốt của tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm nay, mà còn là điểm cao nhất trong quan hệ Mỹ-Triều sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un đã có 03 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2018. (Ảnh: AP).
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un đã có 03 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2018. (Ảnh: AP).

Từ đầu năm 2018 đến nay, sự hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ hai miền Bắc-Nam nhưng nhìn từ lịch sử, bàn cờ nước lớn luôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hòa bình và phát triển của bán đảo này.

Việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn là nhiệm vụ khó khăn nặng nề và lâu dài.

Dự báo trong thời gian tới, sự tương tác xoay quanh bán đảo Triều Tiên của các nước lớn có tạo ra động lực thống nhất phương hướng hay không vẫn cần phải tiếp tục theo dõi.

2. Căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2018 khởi đầu vào ngày 22/3/2018.

Đó là ngày Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Ngày 6/7/2018 được xem là phát súng đầu tiên khai hỏa cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đúng 0h sáng ngày 6/7, Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.

Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng.

Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD. Trọng tâm trong đợt đánh thuế đáp trả của Trung Quốc là các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng quốc tế (Ảnh: TTXVN).
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng quốc tế (Ảnh: TTXVN).

Bất chấp việc thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 01/12/2018, các mâu thuẫn chồng chất giữa hai bên sẽ không thể hóa giải được bởi sự khác biệt quá lớn.

Những biến động đã khiến năm 2018 trở thành một năm vô cùng khó khăn cho các nhà đầu tư.

Theo khảo sát của tờ The Wall Street Journal, đến 85% các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ cho rằng rủi ro đến với nền kinh tế Mỹ được đánh giá là nặng nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là một yếu tố rủi ro rất lớn với các nhà đầu tư vì nó ảnh hưởng và đe dọa đến dự báo kinh tế của rất nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ngày 26/12/2018, tạp chí Nikkei Asian Review cho biết các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến cho nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 thập niên tới.

Trước đó, Sách xanh về kinh tế của Trung Quốc năm 2019 do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố đã thừa nhận, mặc dù bất đồng có thể cản trở tăng trưởng kinh tế tại cả 2 nước, song Trung Quốc sẽ bị tác động lớn hơn nhiều so với Mỹ. 

Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Argentina (Ảnh: Reuters).
Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Argentina (Ảnh: Reuters).

Dự báo năm 2019, Mỹ sẽ tăng sức ép về thương mại, đầu tư và nói chung là kinh tế đối với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ.

Mỹ cũng sẽ tiếp tục tranh thủ các bạn hàng và đồng minh chiến lược như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ để dựng lên rào cản chung cho các hoạt động đầu tư của Bắc Kinh, nhất là trong các lĩnh vực tiên tiến là trí tuệ nhân tạo và mạng công nghệ 5G.

3. Biển Đông vẫn là nơi cạnh tranh chiến lược của các nước lớn

Tàu khu trục Benfold (ảnh) vừa cùng một chiếc Mustin ngang qua eo biển Đài Loan - Ảnh: US Navy
Tàu khu trục Benfold (ảnh) vừa cùng một chiếc Mustin ngang qua eo biển Đài Loan - Ảnh: US Navy

Năm 2018, cộng đồng quốc tế tiếp tục chứng kiến sự can dự của các nước lớn tại vùng biển được cho là nhộn nhịp nhất thế giới này.

Mặc dù ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về  “Văn bản Đàm phán Dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” nhưng nhìn lại năm 2018, ông Greg Poling, giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington mới đây đã nhấn mạnh:

2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một “giai đoạn” mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa vấn đề Biển Đông thành một trong ba vấn đề mấu chốt của xung đột Mỹ-Trung, phối hợp với vấn đề Đài Loan và đối đầu thương mại.

Washington ngày càng chỉ trích gay gắt đối với các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đặc biệt, Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence thẳng thừng lên án hành vi hung hãn của Bắc Kinh trong vụ chạm trán nguy hiểm giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ hôm 30/9/2018.

Thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Mỹ làm hạt nhân, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng bắt đầu can dự vào các hoạt động có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Đây cũng được cho là chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng liên minh 4 bên Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia có tính trình tự và tổ chức chặt chẽ nhằm tăng cường gây sức ép với Trung Quốc trên mọi mặt, trong đó có vấn đề về Biển Đông

Tại Diễn đàn An ninh châu Á (Shangri-La) 2018 ngày 3/6/2018, 2 vị Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp và Anh tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để thách thức hành vi tăng cường hiện diện quân sự của Bắc Kinh.

Đây là lần đầu tiên hai cường quốc hàng hải, đồng thời là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cử tàu chiến tới Biển Đông tuần tra, khẳng định nguyên tắc tự do hàng hải và chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Chiến hạm USS Chancellorsville, Hoa Kỳ (Ảnh:Reuters).
Chiến hạm USS Chancellorsville, Hoa Kỳ (Ảnh:Reuters).

Dự báo năm 2019, khu vực Biển Đông sẽ tiếp tục chứng kiến sự đo sức gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các nước đồng minh.

Theo đó, biện pháp xây dựng lòng tin là điều cần thiết để các bên giảm bớt sự thù địch, tăng cường nhận thức chung và ngăn ngừa xung đột quân sự có thể xảy ra.

4. Dấu hỏi cho tiến trình Brexit

Ngày 25/11/2018, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Anh diễn ra ở Brussels, Bỉ đã đạt được thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit).

Một bản “ly hôn” dài 585 trang với một tuyên bố chính trị kèm theo các phụ lục là kết quả của các cuộc đàm phán chật vật kéo dài 1,5 năm giữa các bên.

Ảnh minh họa (British Vetenary Association).
Ảnh minh họa (British Vetenary Association).

Với EU, thỏa thuận Brexit này là minh chứng cho sự đoàn kết giữa 27 nước thành viên, ngay từ những thời điểm đầu tiên của cuộc đàm phán.

Với London, dù chưa thể coi thỏa thuận Brexit này là “thắng lợi” nếu so sánh với các đòi hỏi và quan điểm cứng rắn ban đầu của Thủ tướng Anh, Theresa May, nhưng việc có được thỏa thuận này cũng tránh cho nước Anh một điều tồi tệ nhất là ra đi trong hỗn loạn.

Tuy nhiên, trở ngại phía trước vẫn còn rất nan giải cho cả EU và Anh khi hai bên cần phải đảm bảo được sự chấp thuận cần thiết từ Nghị viện châu Âu và một Nghị viện Anh ngoan cố.

Thực tế là, Thủ tướng Anh, Theresa May đã phải hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Nghị viện, dự kiến tổ chức vào ngày 11/12/2018 với lý do có mối quan ngại về vấn đề “chốt chặn” ở Bắc Ireland.

Thủ tướng Anh, bà Theresa May tại buổi họp báo ngày 26/11/2018 (Ảnh: BBC).
Thủ tướng Anh, bà Theresa May tại buổi họp báo ngày 26/11/2018 (Ảnh: BBC).

Dự báo năm 2019, tiến trình Brexit sẽ tiếp tục tạo nên sự hỗn loạn chính trị và ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của London.

Theo đó, tham vọng về các cuộc triển khai quân sự ở nước ngoài có thể sẽ bị suy giảm khi chính phủ Anh bị “bội thực” bởi các vấn đề nội bộ cũng như vấn đề châu Âu.

5. Làn sóng biểu tình “Áo ghi-lê vàng” tại châu Âu chưa có hồi kết

Từ ngày 17/11, các cuộc biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu do phong trào “Áo ghi-lê vàng” tổ chức diễn ra liên tục vào các ngày cuối tuần ở Pháp.

Cuộc biểu tình hàng loạt, được cho là tồi tệ nhất ở Pháp, biến thành bạo động làm gần 10 người chết, 500 người bị thương, hàng ngàn người bị bắt, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ euro.

Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi chính sách tăng thuê nhiên liệu được chính phủ Pháp công bố (Ảnh: Le Monde).
Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi chính sách tăng thuê nhiên liệu được chính phủ Pháp công bố (Ảnh: Le Monde).

Trong khi phong trào biểu tình “Áo ghi-lê vàng” ở Pháp còn đang tiếp diễn, biểu tình ở Brussles (Bỉ) cũng chưa có dấu hiệu dừng lại, thì người dân Hungary cũng xuống đường bất chấp mùa đông giá rét để phản đối chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban.

Ở Italia và Áo, hàng vạn người cũng đã đổ xuống các con phố ở Rome và Vienna để phản đối chính sách nhập cư và di cư.

Tổng thống Pháp, Emanuel Macron đang đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: Washingtonpost).
Tổng thống Pháp, Emanuel Macron đang đối mặt với nhiều thách thức (Ảnh: Washingtonpost).

Tuy chính quyền các nước có cách xử trí khác nhau, nhưng các cuộc biểu tình tương đồng ở chỗ: các chính sách của chính phủ không hợp lòng dân.

Nếu như chất xúc tác cho phong trào nổi dậy “Áo ghi-lê vàng” nằm ở vấn đề thuế nhiên liệu thì những yêu sách đã nhanh chóng mở rộng sang vấn đề thuế khóa, sức mua và các điều kiện sống trong một xã hội ngày càng chia rẽ.

Trong thời gian tới, tìm kiếm một sự thỏa hiệp nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng là điều rất khó đạt được một cách nhanh chóng.

Thanh Bình