Trong cuộc trò chuyện riêng với phóng viên báo Zing.vn xoay quanh chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Washington, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink, nhấn mạnh rằng chiến lược của Mỹ tại Biển Đông là đã rõ như gương; bao gồm 3 mũi nhọn:
Thứ nhất, Mỹ rất chủ động về mặt ngoại giao với các đối tác như Việt Nam và những quốc gia có cùng tư duy trong khu vực.
Các nước trong khu vực muốn tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.
Tuyên bố chủ quyền của các nước cần dựa trên luật pháp quốc tế. Tất cả các nước cần được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không.
Có thể thấy, về mặt ngoại giao, những hoạt động Hoa Kỳ đang làm rất mạnh mẽ và thông điệp của Washington rất rõ ràng.
Tham vọng Tập Cận Bình trên Biển Đông, làm những gì người khác chưa từng làm |
Thứ hai, Mỹ rất chủ động trong việc xây dựng năng lực an ninh và quốc phòng của các đối tác trên toàn khu vực, trong đó có Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã chi gần 100 triệu USD để nâng cao năng lực quốc phòng, đặc biệt là phương diện hàng hải, cụ thể là lực lượng cảnh sát biển.
Dư luận sẽ tiếp tục nhìn thấy sự chủ động của Mỹ trong khía cạnh này, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với nhiều đối tác khác như Philippines, Malaysia và Indonesia.
Thứ ba, Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động và năng lực của mình. Washington thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hiện diện để chứng tỏ rằng Mỹ, cũng như mọi quốc gia, dưới luật pháp quốc tế, đều được hưởng một số quyền nhất định và Washington sẽ thực hiện các quyền này.
Mỹ cũng tiếp tục đầu tư phát triển năng lực quốc phòng để thực thi và bảo vệ các quyền của mình.
Về quan điểm của Mỹ đối với những tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng tuyên bố của các nước cần phải dựa trên luật quốc tế, tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình theo luật quốc tế, tất cả quốc gia phải tuân thủ luật quốc tế khi tiến hành các hoạt động.
Tất cả các bên, bao gồm Mỹ, đều có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép.
Vì vậy, những tranh chấp chủ quyền Biển Đông không có ảnh hưởng đến những dự án hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, chẳng hạn như các Dự án khai thác dầu khí trong các vùng biển và thềm lục địa cuả Việt Nam vẫn tiếp tục được triển khai trên thực tế.
Nghiên cứu kỹ nội dung nói trên, chúng tôi thấy rằng đây là những nội dung đã được phía Mỹ bày tỏ nhiều lần, từ trước.
Tuy nhiên, lần này, ngài Đại sứ Mỹ đã trình bày lại một cách có hệ thống, rõ ràng hơn và đặc biệt, nó bao hàm một thông điệp của Mỹ nhằm trấn an đồng minh, đối tác trong khu vực và dư luận đang hoài nghi;
Thậm chí dư luận đã có những phản ứng tiêu cực về vai trò và cách hành xử của chính quyền Mỹ trước tình trạng các quyền và lợi ích chính đáng của họ trong Biển Đông vẫn tiếp tục bị xâm phạm, hoặc bị đe dọa nghiêm trọng.
Tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp và đang đứng trước nguy cơ xảy ra xung đột chiến tranh…
Liệu thông điệp của phía Mỹ được nhà ngoại giao chuyên nghiệp truyền đi lúc này có đủ sức thuyết phục và có tác dụng xóa đi những hoài nghi đang tồn tại trong dư luận khu vực và quốc tế về lập trường và cách hành xử của Mỹ trong quan hệ quốc tế đầy biến động đã và đang diễn ra không?
Đó là câu hỏi mà chúng tôi muốn cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam suy nghĩ để tìm được câu trả lời thích hợp nhất.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Theo chúng tôi, để có thể trả lời được câu hỏi này, trước hết, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân nào là chủ yếu khiến dư luận khu vực và quốc tế luôn luôn hoài nghi về lập trường và cách ứng xử của phía Mỹ trước những tranh chấp phức tạp đang diễn ra trong Biển Đông?
Theo chúng tôi, có thể có những nguyên nhân cơ bản sau đây:
Lo ngại tranh chấp Mỹ - Trung có thể đẩy nhân loại đến bên bờ vực của cuộc chiến tranh hủy diệt
Trong bài phát biểu gần 30.000 từ tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 19 trình bày về chiến lược tranh giành vị trí siêu cường hàng đầu thế giới, Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không còn tránh né vị thế dẫn đầu thế giới:
"Đã đến lúc chúng ta phải lên sân khấu trung tâm thế giới và đóng góp nhiều hơn cho nhân loại", Trung Quốc "sẽ đứng ở vị trí cao và vững chắc ở phía Đông"; trở thành "siêu cường hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21".
Sáng kiến Vành đai và Con đường do ông Tập Cận Bình đề xướng từ năm 2013 cũng được coi là cơ hội để Trung Quốc triển khai "quyền lực mềm" của mình tới những khu vực rộng lớn ở châu Á và châu Phi, đồng thời gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trên toàn cầu.
Trung Quốc còn có những động thái quyết liệt trong việc theo đuổi thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh kế hoạch cải cách, hiện đại hóa cấu trúc chỉ huy và mạnh tay đầu tư hiện đại hóa quân đội.
Ông đặt ra tầm nhìn đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có quân đội "đẳng cấp thế giới". Quân đội được xây dựng để chiến đấu. Quân đội chúng ta phải coi sẵn sàng chiến đấu là mục tiêu và tập trung vào việc làm thế nào để giành chiến thắng khi được điều động"…
Theo đánh giá của giới phân tích, Trung Quốc đã dứt khoát giã từ chính sách kéo dài ba thập kỷ được dẫn dắt bởi triết lý của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1990: "Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế. Duy trì ẩn mình và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu", được tóm tắt trong 4 chữ "thao quang dưỡng hối".
Trung Quốc chìa nhành ô liu trước cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình |
Ông Nguyễn Quang Dy, trong bài viết “Việt Nam và đối đầu Mỹ - Trung”, đăng trên The Observer, ngày 09/12/2018 đã nhận xét:
“Trung Quốc đã trỗi dậy và vượt Nhật về kinh tế (2010), trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nay họ muốn vượt Mỹ bằng sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” và “Made in China 2025” đầy tham vọng vì “Giấc mộng Trung Hoa”.
Với tham vọng đó, Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp luật quốc tế (UNCLOS và phán quyết PCA).
Trong khi đó, họ thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà họ đã chiếm tại Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988).
Trước kia, Đặng Tiểu Bình chủ trương “lãnh đạo tập thể” (về đối nội), và “giấu mình chờ thời” (về đối ngoại), nhưng nay Tập Cận Bình đã bỏ qua lời răn của Đặng, thách thức Mỹ với tham vọng đứng đầu thế giới.”
Như vậy, có thể thấy rằng Trung Quốc đã chính thức nhảy lên võ đài để “so găng” với Mỹ.
Thực hiện chiến lược này, thông tin của chính quyền Mỹ nói rằng, trên lĩnh vực kinh tế, trong thời gian qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng một loạt các chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng; trong đó có thuế quan, hạn ngạch, thao túng tiền tệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp...
Những chính sách này đã xây dựng cơ sở sản xuất của Bắc Kinh, với hậu quả là gây tổn thất cho các đối thủ cạnh tranh – đặc biệt là Mỹ.
Hành động của Trung Quốc góp phần vào thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, năm ngoái đã lên đến 375 tỷ USD – gần một nửa thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ.
Bây giờ, thông qua kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đã đặt mục tiêu kiểm soát 90% các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, bao gồm robot, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
Để giành được những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế thế kỷ 21, Bắc Kinh đã chỉ đạo các quan chức và doanh nghiệp của mình thâu tóm tài sản trí tuệ Mỹ bằng mọi phương tiện cần thiết.
Bắc Kinh hiện yêu cầu nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển giao bí mật thương mại của họ để đổi lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
Họ cũng phối hợp và tài trợ cho việc mua lại các công ty Mỹ để giành quyền sở hữu sáng tạo của những công ty này.
Về an ninh, quốc phòng, các cơ quan an ninh Trung Quốc đã chủ mưu đánh cắp trọn gói công nghệ Mỹ – bao gồm các bản thiết kế quân sự tối tân.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc hiện bằng toàn thể phần còn lại của châu Á gộp lại và Bắc Kinh đã ưu tiên khả năng làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ – trên đất liền, trên biển, trên không và trong không gian.
Sự chuyển hướng trong chính sách Biển Đông của chính quyền Donald Trump |
Trung Quốc khăng khăng đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Tây Thái Bình Dương và cố gắng ngăn cản Mỹ hỗ trợ các đồng minh của mình.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại sử dụng sức mạnh của mình nhiều hơn bao giờ hết.
Tàu Trung Quốc thường xuyên tuần tra quanh quần đảo Senkaku, được quản lý bởi Nhật Bản.
Bắc Kinh đã triển khai tên lửa chống hạm và phòng không trên một chuỗi căn cứ quân sự được xây dựng trên các đảo nhân tạo.
Sự hung hăng của Trung Quốc được dịp phô bày khi một tàu hải quân Trung Quốc áp sát tàu USS Decatur ở khoảng cách 41 mét khi nó tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, buộc tàu của Mỹ phải nhanh chóng cơ động để tránh va chạm.
Về ngoại giao, Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ riêng của mình với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, sử dụng cái gọi là “ngoại giao bẫy nợ” để mở rộng ảnh hưởng của họ.
Hiện nay, Trung Quốc đang cung cấp hàng trăm tỷ đô la các khoản vay cơ sở hạ tầng cho các chính phủ từ châu Á, đến châu Phi, đến châu Âu, đến cả Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, các điều khoản của các khoản vay đó dù có hay ho đến chừng nào thì cũng luôn mơ hồ và lợi ích luôn tuôn đổ về Bắc Kinh.
Sri Lanka, nước vay một khoản nợ khổng lồ để các công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng một cảng biển với giá trị thương mại đáng ngờ là một ví dụ điển hình.
Hai năm trước, quốc gia đó không còn đủ khả năng thanh toán món nợ của mình nên Bắc Kinh đã gây áp lực để Sri Lanka chuyển giao cảng mới trực tiếp vào tay Trung Quốc.
Nó có thể sớm trở thành căn cứ quân sự tiền phương cho lực lượng hải quân biển xanh đang ngày càng phát triển của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đã giang tay cứu chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro ở Venezuela, cam kết 5 tỉ đô la trong các khoản vay đáng ngờ có thể được hoàn trả bằng dầu.
Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của quốc gia này, tạo gánh nặng cho người dân Venezuela với hơn 50 tỷ đô la nợ nần…
Phần tiếp theo của bài viết, xin mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi vào ngày mai 18/12.