Có lẽ cho tới giờ không còn ai lạ gì câu chuyện thủ tục hành chính ở Việt Nam đã gây ra nhiều phiền toái cho người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù vấn đề này đã nhiều lần được đưa ra mổ xẻ tìm giải pháp, rất nhiều phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng liên tục nhấn mạnh yêu cầu phải tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đó là mấu chốt quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, có thêm nhiều đóng góp thực chất cho kinh tế đất nước.
Và tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra ngày 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng.
Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa.
Để thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng có một thực tế vẫn đang diễn ra đó là nhiều doanh nghiệp phải gánh những khoản phí “bôi trơn”. Điều đó tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng, làm thui chột nỗ lực của doanh nghiệp.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa 13 nói rằng: "Con số tăng trưởng GDP 7,08% của năm 2018 là rất ấn tượng, cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tôi nhận thấy điểm mấu chốt là Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian, giảm chi phí và minh bạch.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng vẫn còn có quá nhiều thủ tục đang tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, cần phải dũng cảm cắt bỏ, cũng có nghĩa là dẹp được chuyện nhũng nhiễu thì kinh tế tư nhân mới thực sự phát triển, các nguồn lực của quốc gia mới thực sự phát triển bền vững".
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần phải có "bàn tay sắt" xử lý những cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp. ảnh: NQ. |
Quả thực, băn khoăn của ông Nguyễn Ngọc Bảo vẫn còn đó giống như một tảng đá khổng lồ chắn ngang con đường phát triển, ít nhiều làm chậm tiến trình đổi mới của đất nước.
Minh chứng rõ nhất là tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thẳng thắn nêu đánh giá, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại.
Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Những quan ngại tiếp theo được Chủ tịch VCCI kể đến là việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.
Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao.
"Bôi trơn, lót tay" ngày càng tinh vi |
Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp
Ngay sau khi nhậm chức không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều phát biểu thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ "kiến tạo, liêm chính, hành động".
Trong các cuộc họp của Chính phủ hay với địa phương, Thủ tướng đều yêu cầu các lãnh đạo phải tập trung tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng yêu cầu: Kiên trì hành động theo phương châm 10 chữ của chủ đề năm 2018; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, chống tình trạng trì trệ, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; Phải thực sự tạo sự chuyển động đồng bộ trong toàn hệ thống, chống bệnh hình thức, bệnh thành tích;
Phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Lãnh đạo các cấp phải tạo được nguồn cảm hứng, tinh thần khát vọng về một Việt Nam phát triển thịnh vượng để mọi cấp, mọi ngành có sức chiến đấu mới.
Bước sang năm 2019, Thủ tướng nêu thông điệp: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; cắt giảm, đơn giản hóa trên1/2 điều kiện kinh doanh và trên 2/3 danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Chiều 17/1/2019, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi, đối thoại về một số vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách.
Ông Vũ Mão: Không thể để cán bộ lạm quyền, làm khổ dân |
Trước câu hỏi đâu là nguyên nhân quan trọng nhất để có kết quả tích cực trong năm 2018, Thủ tướng cho biết, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, giữ ổn định vĩ mô.
Thứ hai là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, từ đó, giải phóng sức sản xuất mạnh mẽ.
Thứ ba là Chính phủ, các cơ quan liên quan đã tháo gỡ các nút thắt, giải phóng các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước tốt nhất.
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính chiều 9/1/2019, Thủ tướng cũng đánh giá: “Các đồng chí có tiến bộ trong việc giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng tỷ lệ chi phí bôi trơn vẫn còn cao. Thử tính toán, 1 container cần bôi trơn 1 triệu đồng thì 1 năm doanh nghiệp mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Chi phí không chính thức này giết doanh nghiệp”. (1)
Thực ra những việc doanh nghiệp bị gây khó dễ cũng từng được các chuyên gia phân tích chính sách, các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều lần trong quá khứ, trong đó phải nhắc đến phát biểu thẳng thắn của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016): "Việc thăm hỏi là thường xuyên, không phải để kiểm tra, xem xét vấn đề gì, mà để xin kinh phí hỗ trợ. Một số người bức xúc gọi đấy là... xin đểu.
Trước thì chỉ xin hỗ trợ dịp Tết nguyên đán, nay thì ngày lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin. Việc cho bao nhiêu là tùy tâm, nhưng nếu không cho thì sẽ phải chuốc lấy sự khó dễ, mặc dù doanh nghiệp chẳng làm gì sai cả, nhưng cũng đành chấp nhận.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì quan tâm hết mức, tìm mọi cách hỗ trợ, tạo điều kiện và cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Đất nước muốn phát triển thì sự đóng góp của doanh nghiệp rất quan trọng. Nhưng sự nhũng nhiễu của chính quyền như vậy thì hiệu quả bị giảm đi rất nhiều”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng băn khoăn: “Điều mà chúng ta dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ lần này đó là tình trạng trên nóng dưới lạnh. Trong khi Chính phủ rất trách nhiệm và quyết liệt, còn bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ, không làm tròn trách nhiệm”.
Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan tại Hải Phòng. ảnh: Báo Lao động. |
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, Thủ tướng trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội cũng đã nhấn mạnh: Nếu cán bộ nào, nhất là những đơn vị làm thủ tục cho dân, cho doanh nghiệp mà chậm trễ, nhũng nhiễu, kéo dài thì phải được thay thế ngay.
Nhưng sự thật là vẫn còn quá nhiều doanh nghiệp phải “bôi trơn”, điều đó cho thấy trong công tác quản lý chính sách vẫn còn nhiều lỗ hổng bị lợi dụng, nhiều cán bộ đang âm thầm làm trái với chỉ đạo “kiến tạo, hành động” của Chính phủ.
Và để xử lý dứt điểm tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Bên cạnh việc hướng dẫn doanh nghiệp và người dân làm kinh doanh tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cần phải có những “bàn tay sắt” xử lý tiêu cực.
Kết quả tăng trưởng năm 2018 đạt được một phần là do Chính phủ tích cực chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính. Qua đó, chúng ta thấy rằng bấy lâu nay hàng vạn thủ tục đẻ ra khiến doanh nghiệp, người dân vô cùng khổ sở. Ấy vậy mà cho tới nay khi công bố khảo sát thì vẫn còn tới 48% doanh nghiệp cho biết phải bôi trơn... đó là con số rất lớn và cứ như thế này sẽ kéo tụt sự phát triển của đất nước.
Cần phải lưu ý rằng, năm 2015 tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ phải “bôi trơn” là 35%, có nghĩa là sau 3 năm thì con số này không giảm mà còn tăng lên. Vì vậy, tôi cho rằng dứt khoát phải tìm mọi biện pháp xử lý rốt ráo vấn đề này, chỉ có như vậy thì kinh tế tư nhân mới thực sự phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp lớn cho quốc gia”.