Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 được công bố một lần nữa cho thấy những con số giật mình phản ánh tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh, phải bôi trơn một khoản khá lớn.
Với con số 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn như Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức không khiến các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật kinh tế bất ngờ.
Thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng doanh nghiệp Việt phải chung chi, phải lobby để giải quyết công việc cho nhanh, cho được việc trở thành một căn bệnh nan y khó chữa.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng bày tỏ sự quan ngại trước con số trên 50% doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phải bôi trơn, lót tay.
Dù bức xúc, doanh nghiệp vẫn phải chi đậm để "bôi trơn, lót tay" cho được việc.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Doanh nghiệp Việt phải chi rất nhiều khoản phi chính thức là thực tế xảy ra nhiều năm nay mà chưa giảm được. Con số này vẫn ở ngưỡng hơn 50% là thực tế rất đáng lo ngại.
Gần như cứ khi làm giấy phép hay thủ tục gì đó là doanh nghiệp phải chi một khoản để bôi trơn cho nhanh được việc.
Doanh nghiệp chấp nhận bôi trơn để được việc, nếu không thì doanh nghiệp khác họ làm và mình mất cơ hội.
Bởi vậy phí lót tay bây giờ còn nhiều hơn trước vì hầu hết doanh nghiệp cùng lao vào cuộc chạy đua này.
Hơn nữa, cách thức bôi trơn, lót tay bây giờ cũng tinh vi hơn. Đây chính là rào cản khiến doanh nghiệp Việt rất khó bứt phá, môi trường kinh doanh ít nhiều đang bị ảnh hưởng tiêu cực".
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, hiện nay hình thức nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp tinh vi hơn và đòi hỏi doanh nghiệp phải bôi trơn nhiều hơn. Ảnh: T.L. |
Phó Chủ tịch VAFI lấy ví dụ, chỉ đơn giản là mở một quán ăn cũng đã phải lo đủ thứ giấy tờ, nếu lập doanh nghiệp thì phức tạp hơn rất nhiều.
“Lâu nay, chúng ta nói quá nhiều về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, phát triển, nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn phải khổ sở vì bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh?
Báo cáo năm nào cũng chỉ ra thực trạng này, nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để, doanh nghiệp vẫn cứ âm thầm chịu đựng.
Rào cản về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chỉ một phần, nhưng con người thực thi rất quan trọng. Vấn đề ở đây là con người, chúng ta chưa giải quyết được”, ông Hải nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: “Các cơ quan nhà nước cần thực sự lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, bức xúc để tháo gỡ một cách thực chất chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu.
Chính phủ cần hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa sẽ thúc đẩy được doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Đây là mấu chốt quan trọng để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế".
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh vừa qua chủ yếu để lấy thành tích chứ chưa vì doanh nghiệp. Ảnh: V.P. |
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn bị gây khó và bị vòi vĩnh. Đáng chú ý, hình thức vòi vĩnh, gây khó để doanh nghiệp phải lót tay, bôi trơn đã phát triển lên mức tinh vi hơn rất nhiều.
Như Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được cho là nhiều nhất, nhưng mới là hình thức chứ chưa thực chất. Bởi có những điều kiện cắt hay không cắt vẫn thế. Việc cắt đó chỉ để lấy thành tích chứ không vì doanh nghiệp.
Tiếp xúc và gỡ khó cho nhiều doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức Đơn cho hay: “Doanh nghiệp rất mong muốn cởi mở, kinh doanh tự do, đồng nghĩa doanh nghiệp không phải đăng ký, không kê khai ngành nghề mình làm, trừ ngành nghề có điều kiện.
Thực tế, hiện nay doanh nghiệp kê khai cả nghìn ngành nghề, nhưng cơ quan quản lý không theo dõi, không quản lý thì không có ý nghĩa gì.
Vấn đề cơ quan quản lý cần quan tâm đó là đơn giản hóa vấn đề thuế, quản lý thị trường để dễ thực hiện, dễ báo cáo, thống kê. Đó mới là vấn đề quan trọng cần phải tháo gỡ, còn những điều kiện cắt giảm như vừa qua chỉ là hình thức, là phụ không có ý nghĩa”.
Ông Trương Thanh Đức cũng ví dụ như như Hà Nội khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới sẽ hỗ trợ khắc con dấu, nhưng hỗ trợ cái này lại thu cái khác.
Về thủ tục thành lập doanh nghiệp như ở Hà Nội tưởng được hỗ trợ khi thành lập doanh nghiệp (nhiều tỉnh khác vẫn thu tiền 200 ngàn đồng), nhưng vẫn hồ sơ đó phải đưa lên cổng thông tin với mức phí 300 ngàn đồng.
Hay như luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng vậy, một số cái gốc gác gây khó cho doanh nghiệp gần như không sửa.
Ông Đức chỉ rõ: “Như nước ngoài, anh muốn ban hành văn bản, quy định nào đó dù bất cập, chồng chéo cũng được nhưng đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, còn doanh nghiệp, người dân không phải chịu.
Doanh nghiệp, người dân thấy cái nào đúng hay, gần thì thực hiện, còn cơ quan nhà nước ban hành văn bản pháp luật mâu thuẫn thì cơ quan nhà nước phải tự giải quyết.
Hoặc ít nhất cũng phải đặt ra nguyên tắc văn bản riêng, văn bản chung. Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng chẳng hạn, cứ thông tư của Thống đốc ngân hàng ban hành như thế nào doanh nghiệp, người dân thực hiện theo còn không cần biết văn bản pháp luật như thế nào.
Nếu thông tư của thống đốc ngân hàng sai là do phía ngân hàng, chứ không thể bắt doanh nghiệp, người dân phải biết hết văn bản pháp luật.
Doanh nghiệp không thể ngồi so sánh, đối chiếu tất cả các văn bản, như thế rất khó khăn và mất thời gian.
Những nguyên tắc thiếu tính khoa học đang buộc doanh nghiệp phải thực hiện đang vô tình khiến doanh nghiệp làm ăn khó hơn”.
Bà Phạm Chi Lan: Hãy đứng trên đôi chân của mình, đừng dựa vào đầu tư nước ngoài |
Ông Trương Thanh Đức cũng thông tin: “Doanh nghiệp vẫn bị hành dù nhiều hồ sơ, giấy tờ chỉ phải nộp qua cổng thông tin điện tử, nhưng thực chất vẫn phải nộp cả hồ sơ giấy.
Như đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cũng vậy, nói là nộp trực tuyến, nộp qua mạng, nhưng đó chỉ là hình thức đặt gạch, xếp hàng thôi, còn doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy.
Nếu như trước đó chưa sửa đổi, doanh nghiệp chỉ phải nộp một lần bằng giấy là xong, nhưng cải cách rồi doanh nghiệp lại phải vừa nộp hồ sơ điện tử vừa nộp hồ sơ giấy. Như thế vừa mất thời gian và gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Cuối cung vẫn hồ sơ giấy là chính, hồ sơ giấy quyết định. Như vậy, còn gì là khái niệm chính phủ điện tử, cải cách hành chính bằng việc nộp hồ sơ trực tuyến nữa. Từ quy định đến thực tế có một khoảng cách xa. Đây là cách làm nửa vời”.
Về việc quyền lợi của doanh nghiệp khi bị xâm phạm buộc phải kiện tụng, đòi lại quyền lợi, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Rất mất thời gian, tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức.
Quyền lợi của doanh nghiệp bị xâm hại có kiện ra tòa thì cũng rất mất thời gian, công tác xử án tranh chấp kinh tế cũng còn nhiều vấn đề hạn chế. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp quyền lợi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng họ cũng ngại kiện ra tòa vì những lý do trên.
Hơn nữa, kể cả kiện ra tòa, xử án rồi, khâu thi hành án cũng nhiều vấn đề, thậm chí có tiêu cực.
Có thể nói hệ thống pháp luật hiện nay cũng khá phức tạp, doanh nghiệp không am hiểm sẽ khó phát triển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp vẫn phải chi, phải lót tay, bị nhũng nhiễu.
Cần phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất, đi vào những vấn đề doanh nghiệp cần để doanh nghiệp phát triển, hoạt động".