“Mái nhà” của những người chết trôi
Còn nhớ cách đây vài năm, từng có người dân phát hiện một bộ hài cốt đã khô nằm vùi sâu dưới lớp đất lở ven sông Hồng, khu vực xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Sau đó, các cơ quan chức năng đã xác định được rằng đó là xác chết của một người chết trôi bị trôi dạt vào bờ…
Từ câu chuyện này, chúng tôi chợt nhớ đến câu chuyện của người đàn ông vớt xác “đặc dị” nhất bãi giữa sông Hồng là ông Được “đen”. Nhiều khả năng có thể bộ hài cốt khô nằm vùi dưới lớp đất lở ở khu vực Gia Lâm, Hà Nội chính là một trong những bộ hài cốt sau những đợt lụt đã bị kéo trôi từ bãi giữa sông Hồng.
Theo lời kể của ông Được, chúng tôi giật mình khi hay biết rằng, ngay đoạn cầu sắt đi xuống bãi giữa sông Hồng cách đây không lâu chính là “mái nhà” của rất nhiều xác chết trôi không người thân thích. Trong ánh chiều đã xế tà, gió sông Hồng lành lạnh, ông Được ngồi dưới chiếc thuyền nhỏ của mình chỉ cho chúng tôi biết nơi chôn cất những người chết trôi ông từng vớt.
Địa điểm ông Được "đen" cho biết là nơi chôn cất hài cốt những người chết trôi khi xưa. |
“Tí nữa các chú quay về sẽ phải đi qua “chỗ đó” (bãi tha ma - PV). Hiện giờ ở đó chỉ còn lại cỏ dại và những đống rác thải mà người dân ném xuống thôi. Chẳng còn nấm mồ nào ở đó nữa đâu”, ông Được kể.
Vậy những xác người chết trôi ông từng vớt rồi qui tập ở đó nay đâu??? Câu hỏi của chúng tôi đã được “kình ngư” vớt xác trên sông Hồng giải thích khi bãi giữa sông Hồng đã bắt đầu tối thui.
Trong cái màn đen mịt mùng ấy, câu chuyện của ông Được “đen” về bãi tha ma của những người chết trôi ngay dưới chân cầu Long Biên khiến chúng tôi “lành lạnh”.
Thì ra, từ khi cái “nghề” vớt xác “bám” lấy cuộc đời của ông thì cũng là lúc bãi tha ma dành cho những người chết trôi không người thân thích ra đời.
Mỗi lần ông vớt được xác đều đem đến chỗ chân cầu Long Biên để chôn cất. Thông thường, ông Được “đen” chỉ dùng chiếu cũ hoặc nilon để bọc xác nạn nhân lại rồi chôn cất.
“Vớt xác người lên đến nơi, tôi thường mệt lử. Đa phần tôi chỉ dùng chiếu hoặc nilon để bọc xác người chết trôi rồi mai táng. Làm gì có tiền mà mua quan tài hả chú. Có những người đã khuất may mắn được người thân đến nhận lại thì còn đỡ. Nếu không thì tôi lại làm nhiệm vụ còn lại. Biết là mệt mỏi nhưng tôi vẫn thấy mình làm việc nghĩa thì chẳng việc gì phải so đo. Thi thoảng tôi vẫn ra thắp nén hương cho linh hồn người đã khuất bớt tủi…”, ông Được xót xa kể lại 'lịch sử' của “bãi tha ma” dưới chân cầu Long Biên.
Trong bóng tối mịt mùng, chúng tôi ngồi cách ông Được chỉ vài bước chân nhưng nhìn không rõ lắm vì xung quanh toàn một bóng tối đen kịt. Trong tâm trạng buồn rầu hòa cùng với màu đen của màn đêm, câu chuyện của ông Được càng làm chúng tôi cảm thấy xót xa cho những số phận hẩm hiu tội nghiệp mãi mãi nằm lại nơi đất khách quê người.
Do sự bồi, lở của sông Hồng, những nấm mồ vô chủ đã bị cuốn trôi hết. |
Nửa đời người mưu sinh tại bãi giữa, "Robinson" Được “đen” đã vớt biết bao nhiêu cái xác chết trôi rồi mai táng nhưng cuối cùng thiên nhiên cũng lại đẩy những con người không ai biết tên ấy ra đi lần nữa dưới lòng sông Hồng khắc nghiệt.
“Ở bãi tha ma bất đắc dĩ dưới chân cầu Long Biên, tôi từng chôn khoảng 50 hay 60 người gì đó. Nghĩ cũng tội lắm các chú ạ. Cũng có những gia đình vì ở quá xa mà xác chết đó không còn nguyên vẹn không thể mang đi mang lại nên đành chôn ở đây. Từ đó, tôi bỗng kiêm luôn cả công việc của một người quản trang bất đắc dĩ. Không thân thích cũng chẳng họ hàng với những người chết trôi sông Hồng, tôi chỉ tâm niệm rằng, tôi trông nom phần mộ của họ là làm phúc, cho linh hồn họ bớt tủi”, ông Được “đen” ngậm ngùi kể lại.
Bãi giữa nằm giữa dòng chảy khổng lồ của con sông Hồng, những ngày bình thường êm ả bao nhiêu thì đến mùa mưa lũ lại dữ dội bấy nhiêu. Cả bãi giữa sông Hồng với hơn hai chục nóc nhà cũng phải lao đao trôi nổi thì huống chi mấy nấm mồ sơ sài. Cứ mỗi lần nước lên mạnh thì một vài nấm mồ những người chết trôi do ông Được “đen” và những người dân ở bãi giữa đắp lên lại… trôi đi. Có khi đất cát sụt lún còn trơ… cả xương ra ngoài.
“Những lần mộ của những người chết trôi bị sụt lún do nước lên, tôi phải chạy ngược chạy xuôi, ăn không ngon ngủ không yên, đau đầu suy nghĩ xem có cách nào để nước không cuốn phăng những ngôi mộ được đắp chủ yếu bằng đất. Khổ nỗi ở cái bãi này, làm gì có nấm mồ nào được xây kiên cố đâu. Lúc mai táng cũng chỉ cuốn chiếu hoặc nilon nên dù tôi cũng đã làm đủ mọi cách có thể như đào đất đắp bồi vào, hay đi mua cót ép về đóng cọc nhưng không ăn thua. Mỗi năm lại có vài nấm mồ bị cuốn đi mất. Tôi đau lòng lắm nhưng không biết phải làm sao. Chính mình đã vớt họ lên bờ rồi lại đứng nhìn họ bị dòng nước cuốn đi mất. Như thế thà đừng vớt họ lên còn hơn…”, ông Được chua xót kể.
Hiện nay, chỉ có ông Được và rất ít người dân trong bãi mới biết được rằng ở dưới chân cầu Long Biên từng tồn tại một bãi tha ma thu nhỏ. Sau nhiều lần lũ lụt, những ngôi mộ cuối cùng của bãi tha ma ngay dưới chân cầu Long Biên đã bị cuốn phăng hết. Tuy nhiên, vẫn có không chỉ một mà đến hai nấm mồ người chết trôi được chính tay ông Được vớt lên bờ hiện vẫn chưa bị cuốn…
Miếu hoang thờ “hai cô đồng trinh”
Trong hơi gió lành lạnh của buổi chập tối ở bãi giữa sông Hồng, chúng tôi bỗng thấy lạnh dọc sống lưng khi ông Được kể về hai nấm mồ người chết trôi rất thiêng đặt tên là Miếu hai cô.
“Hai người con gái ấy xinh lắm, nhưng không chết cùng nhau đâu… Khi tôi vớt xác cô gái thứ hai đưa lên bờ thì người đã thấm mệt, bế trên tay mà sao nặng trĩu cảm tưởng như không tài nào đi nổi nữa. Cố gắng lên đến mộ cô gái thứ nhất đang nằm, thì kiệt sức đặt cô gái xuống đất. Trong đầu tính nghỉ một lát rồi đưa về khu nghĩa trang chôn cất nhưng không hiểu sao lúc đó tôi như người mất hồn, không làm được theo ý mình rồi cứ thế đào tạm một cái hố và chôn xác cô gái thứ hai luôn ở đó. Hiện nay, chỗ hai cô gái ấy nằm, những người thường xuyên đi bơi ở sông Hồng đã xây khá khang trang”, ông Được cất giọng kể chậm rãi trong bóng tối mịt mùng.
Ông Được cho biết, hiện nay Miếu hai cô được khang trang như vậy không phải do ông xây dựng mà do một người đã từng cầu xin ở Miếu hai cô “làm công đức”.
Miếu hai cô ở bãi giữa sông Hồng. |
Trước đó, chính ông Được là người đã quyết định dùng thuyền đi vào bờ mua gạch để xây mộ tạm cho hai cô gái chết trôi khi trên người có đúng 200 ngàn đồng. Bà chủ quán vật liệu cũng tốt bụng, sau khi nghe xong câu chuyện ông kể, bà quyết định tặng ông một kiêu và chỉ lấy tiền một kiêu gạch. Ông hì hục xây mất hai ngày trời mới xong được ngôi mộ. Gọi là mộ thôi chứ thực ra chỉ là mấy viên gạch xếp lên nhau chạy vòng quanh cái hố để đỡ bị nước xói lở.
Tuy nhiên, không hiểu từ bao giờ những câu chuyện về Miếu hai cô – thực chất là mộ của hai cô gái chết trẻ, được truyền miệng. Thậm chí vào những ngày rằm, mùng 1 đầu tháng, người ta còn đến đây làm lễ rất đông.
Nhắc đến Miếu hai cô, ông Được “đen” không quên nhắc đến những câu chuyện đầy chất bí ẩn được người dân ở bãi giữa và những người đi bơi kể lại. Là người trực tiếp chôn cất hai cô gái và xây mộ, ông Được "đen" hơn ai hết là người hiểu rõ nhất những câu chuyện này. Mời độc giả đón đọc kỳ tới.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hoàng Lâm - Trọng Trinh