Theo Văn bản số 209/BNV-TCBC V/v lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, dự thảo Nghị định căn cứ số liệu báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong 4 năm theo Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, dự kiến sau 6 năm thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100 nghìn người, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Chính phủ nghiên cứu đề án tinh giản biên chế (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn) |
Theo lộ trình cải cách tiền lương thì dự kiến mức lương tối thiểu sẽ tăng hàng năm, do vậy dự kiến phí bình quân cho 01 người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong sáu năm khoảng 8.000 tỉ đồng.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thời gian áp dụng chính sách tinh giản biên chế là đến 31.12.2020. Thời hạn này phù hợp với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2012-2020 và Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ.
Dự thảo Nghị định cũng đánh giá việc tinh giản biên chế theo nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 và các quy định pháp luật trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tinh giản biên chế trước đây còn nhiều hạn chế, trong đó có việc chưa thật sự giảm được những người cần giảm; tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được khắc phục. Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế.
Kế thừa những quy định tại nghị định 132/2007/NĐ-CP, Dự thảo nghị định lần này bổ sung một số quy định về trường hợp tinh giản biên chế:
Một là, những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác. Quy định này nhằm giúp việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng ngành, nghề đào tạo.
Hai là, những người có hai năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho việc đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp có năng lực yếu qua việc đánh giá, phân loại hằng năm để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới. Quy định này rất cần thiết nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho một số cán bộ, công chức trước đây được cử sang làm đại diện quyền sở hữu phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nay cổ phần của Nhà nước đã bán hết, những đối tượng này không thể bố trí công việc khác tại cơ quan cũ.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bác bỏ đối tượng áp dụng chính sách tinh giản biên chế là: “Cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được vào vị trí công tác khác” vì trường hợp này đang được điều chỉnh bởi Nghị định 67/2010/NĐ-CP ngày 15.6.2010 của Chính phủ.
Trước đó, Bộ Nội vụ tổng kết báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ An Giang, Vĩnh Long), tính đến 31/12/2011 đã giải quyết tinh giản biên chế được 67.449 người, trong đó có 61.069 người hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi; 6.278 người hưởng chính sách thôi việc ngay; 79 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, 23 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học.
Bộ Nội vụ đề nghị các cơ quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 20.2.2014 để nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ ban hành.