Đó là niềm vinh dự và tự hào chung của hơn 7.651 cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty sau một chặng đường nhiều thử thách, cam go, tiếp tục cuộc hành trình mới thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta là “Điện đi trước một bước”.
Làm cho điện lực thực sự là nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem lại những lợi ích to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế, an ninh và quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sản xuất và sử dụng điện sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân.
Ảnh: TTXVN |
Đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, ổn định
Những kết quả và thành tựu ấy đã chỉ cho chúng ta thấy hết sức rõ ràng bước đầu của một sự chuyển biến lớn trong lịch sử phát triển của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia - đơn vị doanh nghiệp nòng cốt hàng đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ưu tiên hàng đầu của Tổng Công ty là đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, ổn định, phấn đấu đạt sản lượng điện truyền tải mà Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 (Quy hoạch VII).
Để thự hiện mục tiêu này, EVNNPT đang chủ động và tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn Tổng Công ty triển khai thực hiện nhiều công việc, trong đó có việc đổi mới phương thức hoạt động, đẩy nhanh tiến độ và khối lượng đầu tư xây dựng, nhanh chóng đưa vào vận hành các công trình truyền tải điện đã và đang thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2020.
Bên cạnh đó, EVNNPT chú ý giải quyết có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về giá, phí truyền tải điện và phấn đấu tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận; thực hiện công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, nâng cao chất lượng tư vấn của các đơn vị tư vấn và chất lượng thi công của nhà thầu trong việc xây lắp, cung cấp vật tư, thiết bị, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công dự án công trình theo đúng thời hạn của hợp đồng cũng như yêu cầu của Tập đoàn.
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Tổng Công ty đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường điện trong nước và khu vực là hết sức cần thiết.
Trong công tác quản lý, Tổng Công ty thực hiện phương châm “Xây kết hợp với chống, lấy xây làm chính nhưng không xem nhẹ chống”, từ đó cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát, làm cơ sở đánh giá kết quả hoạt động và tạo tiền đề cho việc hoàn thiện công tác quản lý, điều hành.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động và phát triển hoàn thiện hệ thống tổ chức; thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp giảm chi phí, tăng năng suất lao động…
Toàn Tổng Công ty tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin và đoàn kết cao trong nội bộ Tổng Công ty.
EVNNPT ứng dụng flycam kiểm tra đường dây. Ảnh: EVNNPT |
Đổi mới để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), đã và đang thấm sâu, tỏa rộng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Vì thế Tổng Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện, như: Lưới điện thông minh (Smart Grid), Trung tâm điều khiển từ xa, Trạm biến áp không người trực, vệ sinh sứ online, sửa chữa điện nóng, định vị sự cố, giám sát dầu online; triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát và thiết kế 3D, tăng cường giải pháp đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để giảm diện tích chiếm đất, để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy và ổn định của hệ thống truyền tải điện và cũng là để nâng cao năng suất lao động.
Xây dựng và thực hiện Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2018 - 2020 của EVNNPT, trong đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý đo đếm giao nhận điện năng; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý vật tư, thiết bị, thu hồi công nợ, giải quyết tranh chấp...
Tổng Công ty quyết tâm khai thác và phát huy tốt Đường dây 500kV ba mạch, trong đó mạch 2 và mạch 3 đã và đang đóng vai trò tích cực truyền tải điện không những suốt mấy chục năm qua, mà cả hiện nay và những năm tới.
Đường truyền này vẫn là “xa lộ” truyền tải điện có hiệu quả cao từ Bắc vào Nam và ngược lại, qua đó khai thác hợp lý các nguồn điện trong hệ thống.
Cùng với những công việc đó, Tổng Công ty chú ý đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư các công trình lưới truyền tải điện, đặc biệt là các dự án cấp điện cho miền Nam; các dự án chống quá tải và đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác tư vấn thiết kế...
Tổng Công ty tiếp tục có nhiều giải pháp thực hiện chủ đề năm 2018 là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tham gia tích cực lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các yêu cầu tại Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cũng như triển khai Đề án sắp xếp, tái cơ cấu EVNNPT giai đoạn 2017 - 2020, theo Kế hoạch thực hiện ban hành kèm theo Quyết định số 1526/QĐ-EVNNPT ngày 24/8/2017 của Tổng Công ty.
Quá trình hoạt động, Tổng Công ty đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt của Nhà nước, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.
3 kiến nghị của EVNNPT với Chính phủ, Bộ, ngành
Để tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, Tổng Công ty tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ban, ngành giúp giải quyết một số việc cần kíp ngoài tầm giải quyết của Tổng Công ty:
1) Chính phủ cần sớm có quy định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2414/QĐ-TTg trong đó quy định cụ thể cơ chế đặc thù, qua đó tạo điều kiện cho EVNNPT triển khai các dự án cấp bách, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, tránh tình trạng kéo dài thời gian và đội mức kinh phí đầu tư so với ban đầu được duyệt.
2) Chính phủ và Bộ Công thương cần sớm phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các dự án trọng điểm Tập đoàn giao cho EVNNPT trong các năm 2017, 2018, như dự án lắp máy biến áp số 2 trạm biến áp 220kV Than Uyên, dự án Trạm biến áp 220kV Tương Dương... để Tổng Công ty triển khai, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Tập đoàn giao.
3) Đối với các dự án điện bên ngoài Tập đoàn, do nhiều lúc bị chậm tiến độ, Tổng Công ty kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương có sự chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư các dự án nguồn điện này, nhất là các dự án nguồn điện tại khu vực phía Nam, cần đảm bảo tiến độ thi công, để tránh gây áp lực cho việc vận hành căng thẳng lưới điện Bắc - Nam, giảm nguy cơ tiềm ẩn sự cố và giảm tổn thất điện năng.
Hiện nay, từ thực tiễn hoạt động hết sức sôi động của Tổng Công ty và các đơn vị thành viên, cùng với những thuận lợi, ưu điểm là cơ bản, đã bộc lộ không ít vấn đề được Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty nghiên cứu xem xét, đưa vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước giải quyết các vấn đề ấy, cả trước mắt cũng như lâu dài.
Những vấn đề khó khăn được đặt ra cho Tổng Công ty là công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời gian tới của Tổng Công ty.
Đặc biệt, những hạn chế về kỹ thuật trong công tác quản lý vận hành, đầu tư xây dựng đường dây (ĐZ) mà EVNNPT cần tập trung giải quyết trong thời gian tới như: tình trạng vận hành đầy tải, quá tải, lệch điện áp ngoài ngưỡng chuẩn...
Vệ sinh sứ cách điện. Ảnh: P.L |
Việc đầu tư xây dựng mới cũng như cải tạo đường dây tải điện gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn đầu tư xây mới trạm biến áp truyền tải.
Tốc độ gia tăng khối lượng ĐZ truyền tải trong 8 năm gần đây đạt trung bình 8,7%/năm, thấp hơn đáng kể so với tốc độ gia tăng khối lượng TBA (12%/năm).
EVNNPT phải đối diện với khó khăn trong việc đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp. Đặc điểm của các máy biến áp (MBA) truyền tải do EVNNPT quản lý là sự khác biệt về nguồn gốc xuất xứ (khoảng hơn 20 nhà cấp hàng, đặt trên khoảng 16 quốc gia).
Hệ thống nhị thứ trạm biến áp (TBA) hiện nay còn nhiều nhược điểm và được coi là một trong những nguyên nhân chính đóng góp vào số sự cố trên lưới truyền tải.
EVNNPT đã dày công khảo sát tình hình sự cố lưới truyền tải 8 năm gần đây, nhận thấy số sự cố gây ra bởi thiết bị nhị thứ xếp thứ hai, chiếm 12,8% tổng số sự cố (chỉ đứng sau sự cố do sét đánh chiếm 48,8%).
Nếu tách riêng tổng số sự cố của TBA thì nguyên nhân do thiết bị nhị thứ chiếm 54,1%. Do đó, có thể nhận thấy để giảm số sự cố TBA, thì cần ưu tiên tìm cách khắc phục, giảm sự cố do nguyên nhân thiết bị nhị thứ.
Nhược điểm lớn của lưới truyền tải Việt Nam so với các nước phát triển khác có quy mô lưới điện tương đương hoặc lớn hơn Việt Nam nhiều lần, đó là sơ đồ một sợi các TBA truyền tải. Trong thời gian tới, việc tìm ra các giải pháp tăng độ linh hoạt vận hành hệ thống truyền tải, trong đó có việc cải tiến các sơ đồ thanh cái TBA cần được xem là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của EVNNPT.
Xét về các chỉ tiêu kinh tế - tài chính, trong 10 năm qua, tình hình tài chính của EVNNPT luôn ở mức ổn định, doanh thu truyền tải điện có xu hướng ngày càng tăng, dòng tiền thu luôn ổn định và có thể được lượng hóa được khá chính xác. Doanh thu tăng bình quân 18,9%/năm.
Tuy nhiên, giá truyền tải điện chỉ đảm bảo đủ bù đắp chi phí sản xuất tối thiểu (chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá) do ngành Điện phải chịu sự điều tiết của Nhà nước, vì vậy lợi nhuận còn thấp nên ảnh hưởng tới đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.
Mặt khác, nhu cầu đầu tư xây dựng cho các dự án truyền tải điện ngày càng lớn, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng đầu tư thuần bình quân là 12,9%/năm, tài sản chủ yếu hình thành từ vốn vay nên nhiệm vụ đảm bảo cân bằng tài chính và thu xếp vốn vay là rất khó khăn đối với đơn vị.
EVNNPT đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng về quy mô lưới truyền tải (trên 12,7%/năm đối với TBA và 8,7%/năm đối với ĐZ), và chưa có dấu hiệu chững lại, nhưng vấn đề chất lượng tăng trưởng dường như chưa được quan tâm thỏa đáng.
Khoảng 3 năm gần đây đã nảy sinh một số vấn đề về chất lượng thiết bị, sự đồng bộ, mức độ “thông minh” - linh hoạt của lưới điện, khả năng tự động hóa, điều khiển, bảo vệ lưới điện trước các sự cố...
Đó là những dấu hiệu manh nha cho thấy chất lượng tăng trưởng lưới truyền tải cần phải được nhìn nhận thấu đáo hơn so với những gì đã làm trước đây. EVNNPT đang phải đối mặt với việc không kiểm soát được toàn diện khâu điều độ hệ thống điện, không chủ động được phương thức vận hành và cắt điện cho công tác sửa chữa bảo dưỡng và xây dựng mới, không chủ động được chỉ tiêu tổn thất.
Trong điều kiện yêu cầu về chất lượng dịch vụ truyền tải ngày càng cao và đáp ứng các điều kiện vận hành linh hoạt của thị trường điện tự do, cần thiết phải hình thành một trung tâm điều phối độc lập để đảm bảo vận hành nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo lợi ích chung cho toàn hệ thống và các chủ thể tham gia thị trường
Thêm nữa, những thách thức trong hai lĩnh vực tài chính và đầu tư cũng cần EVNNPT tập trung giải quyết. Nhằm đáp ứng tốc độ phát triền nhanh của đất nước trong giai đoạn 2016-2025, EVNNPT phải huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn trong bối cảnh có nhiều yếu tố biến động khách quan dẫn tới khó huy động vồn đầu tư; các thủ tục chuẩn bị đầu tư hiện nay bị kéo dài do nhiều yếu tố khách quan, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến đội vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án...
Từ những phân tích về hiện trạng và xu thế phát triển của ngành Điện Việt Nam và hiện trạng của Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia, bên cạnh niềm tin, niềm tự hào chính đáng về những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, chúng ta cũng đã hình dung được rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước đối với sự phát triển của EVNNPT.
Làm cho EVNNPT có thể phát huy tối đa những lợi thế và điểm mạnh của mình, cùng với việc tận dụng những cơ hội để phát triển vững mạnh, vượt qua mọi thách thức, đòi hỏi phải xây dựng một “Chiến lược phát triển” cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia trong giai đoạn sắp tới.