Trên mỗi con “chiến mã” ấy là những ngư dân can trường, từng bao năm lăn lộn trên các vùng biển xa, vừa đánh bắt vừa tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
Khi mặt trời vừa ló rạng, cảng cá Thọ Quang đã tấp nập tàu thuyền ra vào cập bến. Những con tàu xuôi ngược tìm nơi đỗ để tiếp dầu, tiếp đá và nhu yếu phẩm, chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân trên tàu vỏ thép Đna – 90777 TS của ngư dân Trần Văn Mười may vá lại ngư lưới cụ, chuẩn bị ra khơi. Ảnh: An Nguyên |
Nghe tiếng nổ chát chúa vang lên từ hầm máy mới cảm nhận được khí thế vươn khơi của ngư dân miền trung.
"Ngư dân Lý Sơn vẫn quyết tâm đạp sóng vươn khơi bám biển Hoàng Sa" |
Từng con tàu mang số hiệu của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Bình Định dũng mãnh vượt sóng ra khơi với lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên bong tàu.
Ai cũng mang trong mình niềm hy vọng biển sẽ “hồi sinh” để mang lại cá tôm cho những ngư dân quanh năm đối mặt với hiểm nguy, bão tố.
“Sói biển” thẳng tiến ra Hoàng Sa
Gặp “công dân tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng”, ngư dân Trần Văn Mười (quận Sơn Trà) trên cầu cảng, anh đang cùng mọi người đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, thực phẩm, đá, thuốc men... để khởi hành chuyến biển đầu năm.
Trên con tàu vỏ thép Đna – 90777 TS của anh Mười, có 5-6 ngư dân cặm cụi vá lưới, kết lại dây, giàn đèn.
Sinh ra trong gia đình nhiều đời bám biển, từ ngày nhỏ, anh Mười đã theo cha ra khơi thả lưới, giăng đèn câu mực. Anh thuộc nằm lòng từng lạch nước, bãi cạn, dãi đá ngầm ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Khi con tàu gỗ công suất hơn 800CV không còn đủ cho vị thuyền trưởng trẻ tung hoành trên những vùng biển xa, anh vay vốn đóng thêm chiếc tàu vỏ thép trị giá gần 18 tỷ đồng để bám biển.
Cùng với những ngư dân can trường, suốt mấy năm qua, đội tàu “sói biển” Trần Văn Mười đã có mặt khắp các vùng biển từ Hoàng Sa xuống tận Trường Sa.
Tàu cá ngư dân Việt vừa tham gia đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh chụp năm 2014 trong sự kiện Trung Quốc kéo dàn khoan HD-981 xuống vùng biển Việt Nam. |
“Vài ngày nữa, tàu sẽ xuất bến trực chỉ Hoàng Sa. Đó là vùng đánh bắt truyền thống của chúng tôi từ lâu” anh Mười cho biết.
Đang đánh bắt ở ngư trường phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Trương Văn Hay, thuyền trưởng tàu Đna – 90357 cho biết, tàu xuất bến gần ba ngày nay và đang chuẩn bị cất những mẻ lưới đầu tiên.
“Thời tiết đầu năm khá thuận lợi nên nhiều tàu xuất bến sớm. Ngoài này, tàu cá của ngư dân Việt ra đánh bắt đông lắm” ông Hay nói.
Ông Hay là một trong 15 thuyền trưởng của Đà Nẵng được tặng bằng khen vì có “thành tích xuất sắc tham gia bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam năm 2014” khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD-981 cùng đội tàu hộ tống xuống vùng biển Việt Nam.
Hơn nửa cuộc đời ngang dọc trên sóng nước Hoàng Sa, từng đối mặt với hàng trăm lượt tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc bao vây, tấn công, dồn ép nhưng chưa bao giờ ông run sợ.
Có lần tàu bị tấn công, phá hoại hết ngư lưới cụ nhưng ông và bạn thuyền chạy vay khắp nơi để vay mượn, sửa lại tàu, tiếp tục vươn khơi.
Mong ước một năm biển bội thu, yên bình
Trải qua năm 2016 với nhiều biến động. Sự cố môi trường biển ở miền Trung (Famosa xả thải) đã khiến hàng ngàn tàu cá phải nằm bờ.
Ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay vì hải sản đánh bắt về không ai thu mua. Nhiều người phải bán cả tàu bè, ngư lưới cụ để trả nợ.
Bước sang năm mới, với ngư dân miền Trung, ước vọng lớn nhất là biển sẽ êm ả, bình yên để cho họ những vụ mùa bội thu.
Sắp xếp những thùng nước ngọt lên khoang chứa, ngư dân Nguyễn Văn Liền (tàu QNg – 94561 TS) chia sẻ, tàu chúng tôi chuẩn bị ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.
Câu chuyện về người 17 lần bị bắt, vẫn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa |
“Thời gian qua, ngư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nên hy vọng chuyến biển đầu năm sẽ thuận lợi để khởi đầu một năm đánh bắt suôn sẻ, bình an”.
Còn ngư dân Trần Ngọc Lý (quê Quảng Nam) mong ước, mùa biển mới sẽ mang về nhiều cá tôm, đủ tiền trả hết khoản nợ vay ngân hàng của gia đình.
“Những chuyến biển sẽ bình yên và tốt đẹp hơn khi những con tàu hải giám, hải cảnh của Trung Quốc không còn quấy phá, tấn công chúng tôi.
Nhiều năm qua, những tàu này đã gây ra nhiều đau thương cho ngư dân miền Trung. Nhưng dù có bị tấn công, hù dọa hay khủng bố đến mấy thì chúng tôi vẫn ra khơi.
Bởi đó là vùng biển của cha ông từ bao đời truyền lại, là chén gạo, bát cơm của hàng triệu ngư dân. Không thể bỏ được” anh Lý nói.
Còn thuyền trưởng Hay thì tâm sự: “Ngoài biển tàu Trung Quốc rất đông. Có tàu hải cảnh, hải giám và cả tàu gỗ, tàu sắt của ngư dân Trung Quốc.
Chúng tôi chỉ mong các lực lượng chấp pháp Việt Nam như: Cảnh sát biển, Kiểm ngư tiếp tục sát cánh với bà con ngư dân.
Bảo vệ cho chúng tôi yên tâm đánh bắt trên chính vùng biển quê hương mình”.