LTS: Sau 2 bài viết nói về hiểm họa từ hiện tượng NHŨNG, hôm nay, trong bài viết cuối cùng của chủ đề này, tác giả phiêu thạch ba chỉ ra nguyên nhân và cách phòng, chống hành vi này với mong muốn đất nước ta nhanh chóng tiến kịp với bạn bè năm châu.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
1. Nguyên nhân của NHŨNG:
Có nhiều nguyên nhân để một cán bộ, viên chức NHŨNG, có thể liệt kê những nguyên nhân tiêu biểu sau:
- Nguyên nhân cá nhân:
Các nguyên nhân cá nhân gồm: Thiếu năng lực phụ trách công việc (ngồi nhầm ghế), thiếu chuyên môn (cất cử không đúng ngành nghề), các động cơ vị kỷ (ý đồ tham, muốn thể hiện uy quyền), chưa thấm nhuần ý thức, đạo đức hành chính.
Đáng kể nhất là sự lạm quyền, lộng quyền: Mỗi vị trí trong guồng máy quản lý Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ xác định vì vậy phải có quyền hạn để và chỉ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó.
Khi người dân khiếu kiện một vụ NHŨNG lên cấp trên thì cấp trên lại NHŨNG (Ảnh: tuoitre.vn) |
Tuy nhiên một số cán bộ, viên chức lại lạm quyền, lộng quyền, cho mình có quyền sinh sát . . . dẫn đến NHŨNG và NHIỄU.
- Nguyên nhân của bộ máy Nhà nước:
Các nguyên nhân của bộ máy Nhà nước có thể gồm: Cơ chế hành chính lỏng lẻo, cơ cấu chế tài chưa hiệu quả. Để cho cán bộ, công chức dựa dẫm vào quan hệ, lý lịch . . .
Đặc biệt quan trọng là nguyên nhân NHŨNG sinh NHŨNG: Khi người dân khiếu kiện một vụ NHŨNG lên cấp trên thì cấp trên lại NHŨNG; cái NHŨNG không được giải quyết thì không ai sợ, thế là NHŨNG lây lan như bệnh truyền nhiễm, bất trị.
Khi guồng máy quản lý nhà nước có đa số là nhũng viên thì hành chính trì trệ, đất nước dậm chân tại chỗ hoặc đi lùi.
2. Phòng NHŨNG
Để tránh hiện tượng NHŨNG, cần có những biện pháp giúp cán bộ, công chức nâng cao năng lực làm việc, cải thiện chất lượng công việc và giúp các cơ quan đơn vị kiểm soát được chất lượng và số lượng công việc hoàn thành.
Chính phủ quyết tâm minh bạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi họp Chính phủ diễn ra chiều ngày 4/5. |
Theo tác giả, để đề phòng hiện tượng NHŨNG, cần tiến hành hai mặt sau:
- Quản lý hiệu quả công việc cả số lượng lẫn chất lượng:
Ở các nước tiên tiến, chỉ là các công ty tư nhân cũng có thể lượng hóa công việc để nhân viên có thể làm việc tại nhà (home work).
Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể lượng hóa các công việc hành chính để quy định một cách định lượng thời gian hoàn thành một công việc cụ thể nào đó. Khi đó, hành vi NHŨNG sẽ giảm dần và bị triệt tiêu.
Các bước tiến hành có thể gồm:
+ Thành lập bộ phận nghiên cứu lượng hóa công sức và thời gian các việc và khối việc hành chính. Bộ phận này có thể trực thuộc Bộ, Sở, Phòng Kế hoạch – Đầu tư.
Khi guồng máy hành chính đã hoạt động ổn định ở mức tương cao, bộ phận này sẽ giảm dần số lượng chuyên viên để trở thành bộ phận giám sát và hiệu chỉnh các chỉ tiêu theo sự thay đổi do thời cuộc hoặc sự tiến bộ của phương tiện hành chính.
Động tác này giúp kiểm soát thời giờ hoạt động đối với cán bộ, công chức cấp chuyên viên; giúp tiết giảm nhân sự tối ưu đối với cán bộ, công chức làm việc theo giờ hành chính; và đặc biệt quan trọng là giúp các cơ quan nhà nước chủ động thiết kế các lộ trình, các kế hoạch mà không sợ bị động, vỡ kế hoạch.
+ Hình thành quy chuẩn hoạt động hành chính và ban hành Luật phòng, chống NHŨNG.
- Chuyên môn hóa hoạt động của cán bộ công chức:
Bao gồm các vấn đề: Đào tạo kiến thức - kỹ năng chuyên ngành và đạo đức hành chính; phân công đúng chuyên ngành và khi cần luân chuyển cán bộ cũng phải đúng chuyên ngành; Liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng cho theo kịp với sự tiến bộ của trang thiết bị và các phương tiện hoạt động khác.
3. Chống NHŨNG
Nói chung, việc chống NHŨNG cũng tương tự với việc chống THAM. Các biện pháp đề xuất gồm:
Xử lý nghiêm hành vi bao che tham nhũng(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ thị về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. |
- Khuyến khích dân phát hiện và báo cáo các hiện tượng NHŨNG trong chính quyền:
Cần thành lập những đơn vị tiếp nhận thông tin về NHŨNG, quảng bá chủ trương chống NHŨNG đến người dân, khuyến khích và có thể có chế độ đãi ngộ với người dân tích cực tham gia phong trào chống NHŨNG.
- Xử kịp thời và lý thích đáng các hành vi NHŨNG, dù là nhỏ nhất để tạo niềm tin cho người dân. Khi đó người dân mới tích cực cung cấp thông tin và tham gia phong trào chống NHŨNG.
- Luật hóa hành vi NHŨNG: Ban hành luật hoặc nghị định; nghị quyết hoặc quyết định đặc biệt chống NHŨNG với những mức kỷ luật thích đáng. Tác giả đề xuất sửa “Luật phòng, chống tham nhũng” hiện nay thành “Luật phòng, chống THAM LẠM”.
Đồng thời ban hành một luật tương tự cho hành vi NHŨNG. Nếu không có luật phòng chống NHŨNG thì khi người dân bị NHŨNG không biết dựa vào đâu kêu cứu, khiếu nại; các thiệt hại của người dân không biết dựa vào đâu để khắc phục.
- Trong Luật phòng chống NHŨNG cần quy rõ trách nhiệm đối với NHŨNG:
+ Khi có vụ việc NHŨNG thì NHŨNG VIÊN chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với vụ việc, không được đổ lỗi cho những đối tượng, nguyên cớ bên ngoài.
Đặc biệt cấm tuyệt đối việc đổ lỗi cho sự phân công của Đảng, của cấp trên: Khi được phân công, bản thân cán bộ, công chức phải tự đánh giá khả năng của mình có đảm đương được nhiệm vụ hay không trước khi nhận, đã nhận thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
+ Ngoài ra, cơ quan và cá nhân người quyết định bổ nhiệm NHŨNG VIÊN cũng phải liên đới chịu trách nhiệm vì đã không chu toàn trong việc tuyển, bổ nhân sự.
- Áp dụng triệt để các văn bản quy phạm pháp luật để bài trừ hành vi NHŨNG, trong đó có Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Nhà nước phải bồi thường các thiệt hại do NHŨNG gây ra và các cá nhân NHŨNG trực tiếp chịu trách nhiệm với nhà nước).
Móng tay quyền lực to hay bé?(GDVN) - Biến Nhà nước thành công cụ trấn áp là hành động chống lại Nhà nước chứ không phải bảo vệ Nhà nước, hành động đó cần bị nghiêm trị. |
Tránh trường hợp làm sai thì nhận sai rồi cười toe toét nhận hoa về hưu (có khi là về hưu non), gọi là “hạ cánh an toàn”, huề cả làng; thiệt hại thì dân và nhà nước (cũng là nhân dân, xét về mặt quyền lợi) chịu.
- Mở phong trào chống NHŨNG rầm rộ và cần xử lý một số vụ việc tiêu biểu để mở đầu cho chiến dịch chống nhũng.
4. Để có một chính quyền không NHŨNG:
Các biện pháp đề xuất:
- Thực hiện các biện pháp chống NHŨNG hiệu quả, triệt để. Nếu cần, có thể ban hành Luật, Nghị định chống NHŨNG.
- Tạo ra cơ chế tuyển chọn lãnh đạo, công chức thích hợp với vị trí công tác.
- Chuyên nghiệp hóa các vị trí lãnh đạo, công chức; tránh việc điều chuyển cán bộ sang lĩnh vực trái với ngành nghề đào tạo. Hãy “vì công việc chọn người”, tránh trường hợp “vì người chọn ghế”.
- Tạo cơ chế không cho cán bộ, công chức có thể ỷ vào thế lực gia đình hoặc các mối quan hệ để được bổ nhiệm, luân chuyển theo ý đồ của mình.
- Giáo dục đạo đức và tác phong hành chính cho cán bộ - công chức.
5. Lời kết:
THAM, LẠM về tài chính gây tác hại rất lớn cho đất nước, đã được đưa vào bộ luật hình sự với khung án cao nhất là tử hình.
Nhưng các hành vi NHŨNG mà không THAM hoặc chưa THAM cũng gây tác hại không kém nhưng chưa được phân tích, định hình, định lượng tác hại.
Do đó, hành vi này vẫn đang tồn tại phổ biến và đang làm chậm đà phát triển đất nước và mục ruỗng niềm tin vào Đảng và nhà nước ta.
Rất mong rằng, trong thời gian tới đây hành vi này sẽ được nghiên cứu, chế tài và triệt bỏ vĩnh viễn để toàn dân làm việc trong khí thế hồ hởi, đất nước nhanh chóng tiến lên theo kịp bè bạn năm châu.
Các bài viết này còn ở dạng sơ khai, rất mong nó sẽ đóng góp chút ý tưởng để các cấp hữu quan triển khai thành luật để xây dựng một chính quyền khỏe mạnh, vì sự nghiệp phát triển đất nước.