Những vụ kiện "đeo đẳng" Vietnam Airlines

21/10/2014 07:23
NGUYỄN QUÂN
(GDVN) - Thời gian qua, Vietnam Airlines vướng phải một số vụ kiện mà chính doanh nghiệp này cũng chưa biết sẽ thắng hay thua kiện.
Vụ kiện 10 năm của Luật sư Liberati
Đây là vụ kiện do Tòa sơ thẩm Roma – Ý xem xét diễn ra từ năm 1994 đến năm 2000 giữa nguyên đơn là ông Maurizio Liberati (một luật sư tại Ý) với các bị đơn gồm Công ty Falcomar.Ltd (Đại lý bán vé của Vietnam Airlines tại Ý - đã giải thể trong quá trình Tòa sơ thẩm Roma xem xét vụ kiện) và Vietnam Airlines liên quan đến việc thanh toán các chi phí đối với các công việc do ông Liberati đã thực hiện cho Công ty Falcomar.Ltd. 
Vụ kiện có nguồn gốc từ năm 1991, khi Tổng Công ty hàng không Việt Nam có hợp đồng chỉ định Falcomar là đại lý tại thị trường Italia.
Tháng 11/1994, Vietnam Airlines nhận được giấy triệu tập của Tòa sơ thẩm Roma và theo giấy triệu tập, ngày 30/11/1995 đại diện Vietnam Airlines phải có mặt tại Tòa án Roma (Italia) để tham dự phiên tòa do một luật sư người Italia mang tên Maurizio Liberati khởi kiện.

Đến thời điểm trên, Tòa án Rome mở phiên tòa xét xử vụ kiện giữa luật sư với Công ty Falcomar, yêu cầu công ty này phải thanh toán chi phí cho các công việc mà luật sư Liberati thực hiện. Do Falcomar là đại lý của Vietnam Airlines nên tòa đã triệu tập đại diện Vietnam Airlines tham dự tòa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phiên tòa vắng mặt đại diện của Vietnam Airlines bởi phía Vietnam Airlines cho rằng không có ràng buộc pháp lý gì. Ngày 07/03/2000, Tòa sơ thẩm Roma đã ban hành Bản án số 8395/2000 tuyên bố Vietnam Airlines phải bồi thường khoản tiền 4.851.891.000 Lia và thuế, phía luật sư liên quan cho ông Liberati. Vietnam Airlines cũng không kháng cáo bản án này.

Năm 2002, phía nguyên đơn là luật sư Liberati yêu cầu Vietnam Airlines phải thanh toán số tiền trên nhưng Vietnam Airlines không chấp nhận do những dấu hiệu khuất tất của vụ kiện và đang tiến hành các thủ tục kháng án.

Phía nguyên đơn đã đề nghị thi hành án và tháng 8/2004, Ủy ban đòi nợ và Tịch biên Pháp tiến hành phong tỏa số tiền 1,3 triệu Euro của Vietnam Airlines trong tài khoản tại Pháp.

Vietnam Airlines khởi kiện, yêu cầu Tòa án Paris giải tỏa lệnh kê biên nhưng bản án sơ thẩm ngày 28/5/2004 của Tòa án Paris đã tuyên bác yêu cầu của Vietnam Airlines.

Ngày 9/3/2006, Tòa án Paris đã mở phiên phúc thẩm tuyên bố bác yêu cầu giải tỏa kê biên của Vietnam Airlines, đồng thời buộc Vietnam Airlines phải nộp vào tài khoản cho đủ số tiền 5,2 triệu Euro để thi hành bản án do Tòa án Rome xét xử.
Từ năm 2004 đến nay, Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và luật sư tại Pháp, Ý để thực hiện song song các thủ tục kháng án, yêu cầu hủy bỏ Bản án số 8395/2000 tại các tòa án có thẩm quyền của Ý cùng với việc thực hiện các thủ tục để chống lại việc ông Liberati đang tiến hành các vụ kiện tại Ý và Pháp nhằm buộc Vietnam Airlines thi hành Bản án số 8395/2000. 
Tổng số tiền  đã chuyển khoản và bị phong tỏa là 5.468.287 EUR, tương đương 155,9 tỷ đồng (số tiền này đang được ghi nhận là khoản ký cược, ký quỹ dài hạn trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2013). 
Hiện Vietnam Airlines vẫn đang theo đuổi vụ kiện và quá trình tố tụng đang được tiếp diễn nên việc xử lý số tiền 5.468.287 EUR sẽ căn cứ theo phán quyết của các Tòa án có thẩm quyền. 
Tuy nhiên chưa có khoản dự phòng nào được phản ánh trong Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines liên quan đến vụ kiện này. Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về số liệu khoản mục nêu trên và ảnh hưởng nếu có đến tình hình tài chính của Vietnam Airlines do “không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không”. 
Vụ kiện Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex - PJICO
Vụ việc thứ hai liên quan đến tài sản bị tổn thất do găp sự cố thiên tai tại Kho Liên Chiểu, Đà Nẵng và vụ kiện liên quan Công ty TNHH MTV Xăng dầu hàng không Việt Nam – VINAPCO, là công ty con do Vietnam Airlines đầu tư 100 vốn điều lệ. 
Ngày 16/10/2008, kho xăng dầu hàng không Liên Chiểu tại Thành phố Đà Nẵng của Xí nghiệp xăng dầu hàng không Miền Trung (đơn vị trực thuộcVINAPCO) bị sạt lở. VINAPCO đã có đơn khởi kiện Công ty cổ phần Bảo hiểm xăng dầu PJICO (nay là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex -  PJICO) lên Tòa kinh tế - Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội yêu cầu PJICO bồi thường thiệt hại và chi phí khắc phục hậu quả tại kho xăng dầu hàng không Liên Chiểu. 

Đến nay, sau khi đã thực hiện các thủ tục tố tụng ở các cấp tòa án có thẩm quyền, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Gần đây nhất, Tòa Phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hà Nội đã có Thông báo số 1513/TBTL-VA về việc “thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm” sau khi PJICO có Đơn kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm lần 2 số 05/2014/KDTM-ST. 

Tòa án cũng đang xem xét giải quyết vụ kiện theo quy định pháp luật. Khi có quyết định của Tòa án, VINAPCO sẽ thực hiện xử lý tài chính đối với các vấn đề liên quan tới sự cố tại kho xăng dầu hàng không Liên Chiểu theo quyết định của Tòa án nên giá trị vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines và giá cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể bị ảnh hưởng. 

Hiện Công ty VINAPCO đang phản ánh giá trị hàng tồn kho của Công ty VINAPCO bị thất thoát do sự cố sạt lở Kho xăng dầu hàng không Liên Chiểu trên mục “Các khoản phải thu khác” với số tiền 8,6 tỷ đồng trên Bảng cân đối kế toán của Công ty tại ngày 31/12/2013 và chưa phản ánh bất kỳ khoản công nợ nào đối với Tổng công ty Xăng dầu quân đội. 

Theo ý kiến của Kiểm toán viên, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam “không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản công nợ phải thu và nghĩa vụ của Công ty VINAPCO liên quan đến vụ tranh chấp này hay không”. 
Vấn đề tiếp theo liên quan đến các vướng mắc, tồn đọng trong bàn giao phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng không, là doanh nghiệp được hình thành từ việc cổ phần hóa Công ty Nhựa cao cấp Hàng không năm 2006 trong đó, Vietnam Airlines hiện đang nắm giữ 30,41% cổ phần. 
Năm 2011, căn  cứ  vào các quy  định pháp luật và tài liệu có liên quan Vietnam Airlines đã tổ chức bàn giao tài sản, tiền vốn và lao động từ Công ty Nhựa cao cấp Hàng không sang Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng không với giá trị phần vốn nhà nước tại Biên bản bàn giao là 17.787.801.179 đồng. 
Đại diện các bên đã ký Biên bản bàn giao, tuy nhiên, nguyên Giám đốc Công ty Nhựa cao cấp Hàng không, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng không chỉ  nhất trí với giá trị phần vốn Nhà nước số vốn nhà nước tại thời điểm chuyển đổi từ Công ty Nhựa cao cấp hàng không thành Công ty cổ phần với số tiền là 14.977.114.195 đồng (thấp hơn 2.810.686.984 đồng so với giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty Nhựa cao cấp Hàng không do Vietnam Airlines quyết định theo ủy quyền của Bộ Giao thông vận tải). 

Hiện nay, với tư cách là đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Nhựa cao cấp Hàng không, Vietnam Airlines đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc, tồn đọng nêu trên. 

Kết quả của việc giải quyết các vướng mắc, tồn đọng nêu trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Vietnam Airlines.
NGUYỄN QUÂN