Chất độc màu da cam hành hạ từng đứa con ông Nguyễn Văn Đính, xóm Hậu Thành 1, xã Tây Thành, Yên Thành (Nghệ An). Ông Đính sinh 12 người con thì 5 người con lần lượt bị chất độc này cướp mất. Nhìn chúng chúng chết mòn ông như đứt từng khúc ruột.
12 lần sinh, 6 lần tự tay chôn con
Năm 1974, như bao chàng trai khỏe mạnh khác nghe tổ quốc kêu gọi, người thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết Nguyễn Văn Đính đã tình nguyện xin gia nhập Đại đội 7, Quân Đoàn 463, Quân đoàn 2 chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, sau này là chiến trường miền Bắc. Khi rời chiến trường ông kết hôn với bà Hoàng Thị Điểm (SN 1962) cùng làng. Trớ trêu thay, những người con của ông bà sinh ra đều lần lượt chết đi một cách đau đớn do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Họ đều bị các di chứng như: Điếc, xuất huyết tiểu cầu, tràn dịch màng bụng, bầm tím da, lở loét toàn thân, phù toàn thân không đi lại được, vỡ u ở đầu, hoại thận nặng và đái ra màng. Còn một người vừa sinh ra chưa kịp đặt tên thì cũng ra đi mãi mãi.
ông Đính đau đớn khi nhìn những những đứa con xấu số của mình |
Bà Điệp vừa khóc vừa kể: “Hai vợ chồng tôi có biết những đứa con mất là do di chứng của chất độc da cam từ anh Đính đâu nên cố gắng sinh thêm. Ai ngờ những đứa sau sống được mấy năm cũng lặng lẽ bỏ vợ chồng tôi ra đi. Sinh được 12 người con thế nhưng 6 người con đã ra đi”. Sinh - mất - chôn, cái vòng oan nghiệp đó cứ bám lấy khiến anh chị khóc hết nước mắt.
Chỉ trong vòng 1 năm 10 tháng mà ông bà phải rời xa ba đứa con là Thiệu, Điều, Đạt. Kể từ đó, bà đã mắc chứng bệnh sầu tâm, suốt ngày chỉ khóc nên mù cả hai mắt. ông đã đưa bà đi chữa trị nơi này đến nơi khác cũng không chữa được. Đến khi sinh người con thứ tám ra đời thì mắt bà mới từ từ sáng trở lại. Nhưng bi kịch cũng chưa dừng lại ở đó, học hết lớp 8 thì Nguyễn Văn Đạt cũng bị chất độc đioxin hành hạ cho đến chết.
ông còn nhớ những giây phút kinh hoàng của cuộc đời mình: “Những đứa con đều chết trước mặt tôi, nhớ nhất là cái chết của thằng Tạo. Do thời đó nghèo không có quan tài, tôi đã phải lấy màn trắng của bệnh viện để quấn lên người con và ôm con đi bộ gần 20 cây số để về nhà. Đặt con lên giường rồi ngất lịm khi nào không hay. Lúc tỉnh dậy thì con đã được hàng xóm, họ hàng đưa đi chôn. Tôi khóc không ra được nước mắt” ông Đính nhớ lại. Cả 6 đứa con của mình ông đều tự tay đào hố chôn gần nhau trên mép núi.
Đến thế hệ thứ ba vẫn ảnh hưởng
Niềm hi vọng để gia đình có người nối dõi tông đường là khi cậu con trai út Nguyễn Văn Đoàn ra đời. Thế nhưng càng lớn lên trên cơ thể cậu càng nhiều bệnh tật. “Nó vốn là một đứa trẻ thông minh nhưng do sức khỏe suy kiệt nghiêm trọng nên máu không đông, thân hình ngày càng tiều tụy, đầy những vết lở loét, bầm tím. Mỗi khi lên cơn sốc nó hay bị hộc máu tươi. Mặc cảm, Đoàn thường xuyên bỏ học, vứt sách vở, nhiều lúc còn bỏ nhà đi mấy ngày", bà Điểm nghẹn ngào.
Bữa cơm hàng ngày của gia đình sắn nhiều hơn cơm, có khi ăn cháo trắng cả tháng trời. Được bao nhiêu tiền bán trâu bò, lợn gà ông bà đều gom đi để chữa bệnh. Sáu người con còn sống thì không một ai được lành lặn, mỗi người mắc một chứng bệnh lạ. “Nhìn con vô tư chơi mà lòng tôi quặn đau không biết khi nào nó sẽ lại lặp lại hoàn cảnh giống anh chị của nó”, ông Đính nhìn những đứa con đang chơi ngoài sân nói mà nước mắt rơi.
Người con trai đầu của ông Đính là Nguyên Văn Đào đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh của anh cũng éo le không kém. Anh bị chứng tủy sống chết từ đốt sống cổ tới ngang lưng không còn cảm giác. Đứa con trai kháu khỉnh do anh Đào sinh ra cũng bị u não nghiêm trọng phải điều trị trong bệnh viện. Hai người con gái xinh đẹp đã đi lấy chồng mà chất độc đioxin cũng không buông tha. Chị Nguyễn Thị Na lấy chồng ở Bình Định bị suy tim cấp độ 2. Chị Nguyễn Thị Thìn sau khi vào Sài Gòn lập nghiệp và lấy chồng cũng bị bệnh suốt ngày nhập viện.
Người lính xông pha trên chiến trường một thời hứng chịu biết bao bom đạn thì nay trở về cuộc sống trong thời hòa bình còn bị đau khổ hơn gấp trăm ngàn lần. Không chỉ chịu đựng nỗi đau về tinh thần, ông Đính còn phải hứng chịu nỗi đau về thể xác. ông cho biết: “Mới đây, khi đi khám ở bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành mới biết mình bị viêm gan nặng. Trước đó tôi đã bị đau thần kinh toạ, giảm trí nhớ, bại liệt nửa người, thị lực giảm 50% nên cũng chẳng làm được việc gì để nuôi sống gia đình”.
Cả nhà chỉ dựa vào hai sào ruộng và những ngày rảnh thì ông theo mấy anh em trong xóm đi phụ hồ. Kiếm được đồng nào đều tích góp để mua thuốc thang cho con cái. Đến năm 2010 cái nhà mục nát là chỗ chui ra chui vào của 8 người cũng bị mối mọt ăn sập hết. Cả nhà phải ra chuồng bò ở một thời gian. Sau đó được bà con, những người hảo tâm góp tiền mới xây được ngôi nhà nhỏ để chui ra chui vào.
Những ngôi mộ của con được ông chôn gần nhau trên mép núi. Hằng ngày lúc rảnh việc ông lại lặng lẽ lên đó thắp nén nhang và thầm cầu nguyện cho 6 người con của mình. “Tôi chôn các con gần nhau cũng để các con đỡ hiu quạnh nơi núi rừng”, người đàn ông khắc khổ lặng lẽ nhìn những nấm mồ.
Hà Hằng - Kim Long/Người đưa tin