Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bộ nêu thực trạng quy mô đào tạo thời gian qua.
Cụ thể, quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học trên 1 vạn dân trong những năm đã tăng dần qua từng năm nhưng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có sự tương đồng về phát triển kinh tế - xã hội; sinh viên đại học công lập vẫn chiếm tỉ lệ cao nhưng tỉ lệ sinh viên đại học tư thục ngày càng tăng; tỉ lệ nữ sinh viên đại học khá cao.
Nếu quy mô đào tạo đại học năm 1997 là 715.231 và năm 2009 là 1.719.499 (bao gồm 1.243.198 sinh viên đại học và 476.301 sinh viên cao đẳng) thì đến năm học 2021 - 2022 có 2.145.426 sinh viên đại học; tỉ lệ sinh viên nhập học (đăng ký học) so với tổng số người trong độ tuổi học đại học, cao đẳng (GER) năm 2021 của Việt Nam là 35,4%, thấp hơn Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%). Tỉ lệ nữ sinh viên đại học của Việt Nam cao hơn so với nam sinh viên đại học, chiếm 54,25%, nằm trong mức trung bình của thế giới.
Số lượng sinh viên tại các trường đại học ngoài công lập tăng so với những năm trước đây nhưng chỉ xấp xỉ 20% sinh viên đang học trong các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Trong khi tại một số quốc gia, tỉ lệ sinh viên đại học ngoài công lập cao hơn khá nhiều.
Ảnh minh họa: Hà An |
Quy mô sinh viên tăng nhưng phân bổ không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; sự khác biệt về quy mô sinh viên giữa các vùng khá lớn; quy mô mô dân số không hoàn toàn tương quan với quy mô sinh viên trong khi quy mô sinh viên có sự tương quan khá mạnh với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Cơ cấu quy mô theo trình độ phát triển không đồng đều, quy mô đào tạo đại học có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm những năm gần đây, tỉ lệ thấp khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trung bình của các nước OECD; đào tạo tiến sĩ phân tán, hiệu quả không cao, chưa đáp ứng yêu cầu cân đối và đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đặt ra đến năm 2020, số nhân lực đào tạo ở bậc đại học: khoảng 5 triệu người (khoảng 11%) và bậc trên đại học khoảng 300 nghìn người (chiếm khoảng 0,7%).
Theo Tổng cục thống kê, năm 2020 cả nước có hơn 6,13 triệu lao động qua đào tạo trình độ đại học, chiếm tỉ lệ 11,12% tổng số lao động trong độ tuổi, năm 2022 khoảng gần 6,14 triệu, tương ứng 11,87%, như vậy, đã đạt được mục tiêu này trong Quy hoạch phát triển nhân lực.
Cơ cấu quy mô theo lĩnh vực đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học ở Việt Nam khá đa dạng, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng tăng cường, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, tích cực mở các ngành mới theo nhu cầu xã hội; tuy nhiên, phát triển không đồng đều cũng như chưa đạt được so với định hướng tại Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Quy mô đào tạo có sự tập trung khá cao vào các ngành khối kinh doanh và quản lý (gần 24%), máy tính và công nghệ thông tin, pháp luật, trong khi một số ngành (rất cần cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước như khoa học tự nhiên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.
Quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu, nhất là tỉ lệ nữ sinh theo học và đặc biệt thấp đối với các ngành khoa học và toán. Số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và Châu Âu.
Tỉ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên đại học của Việt Nam trong những năm gần đây dao động trong khoảng từ 27% đến 30% và năm 2021 đạt xấp xỉ 28%, tương đương với Isreal và mức trung bình trong khối EU, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và Châu Âu.
Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỉ lệ sinh viên theo học ở Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.
Tỉ lệ sinh viên chọn học khối STEM, tính theo tính theo địa phương có sinh viên đi học cũng như theo địa phương nơi đặt cơ sở đào tạo, có tương quan mạnh với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng.
Cơ cấu quy mô theo lĩnh đào tạo đối với trình độ sau đại học cũng có sự khác biệt tương tự với đào tạo trình độ đại học.
Về cơ cấu của các lĩnh vực STEM, đáng chú ý là các cơ sở giáo dục đại học thuộc vùng Đông Nam Bộ lại có tỉ lệ sinh viên chọn học Khoa học tự nhiên, toán và thống kê đạt 3,5%, gấp đôi so với vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong khi đó nếu tính theo địa phương có sinh viên đi học, trong 10 địa phương có tỉ lệ sinh viên chọn học Khoa học tự nhiên, toán và thống kê cao nhất thì có 9 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và 1 thành phố thuộc Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh), không có tỉnh, thành phố nào nằm ở miền Bắc hoặc miền Trung nơi tập trung hầu hết các giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế về Toán và các môn khoa học cơ bản.
Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường lao động có tính quyết định tới việc thu hút thí sinh chọn ngành học, nếu không có sự can thiệp của Nhà nước.
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số học viên cao học tại các cơ sở giáo dục đại học trong năm học 2020, số học viên các ngành kinh doanh, quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất (27,7%), tiếp theo là Khoa học xã hội và hành vi (15,1%) và Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (10,9%).
Các lĩnh vực có ít học viên nhất là Công nghệ kỹ thuật (0,28%), Thú y (0,32%) và dịch vụ vận tải (0,34%). Các lĩnh vực khoa học cơ bản cũng có tỉ trọng không quá 2% tổng số học viên.
Tương tự, ở đào tạo trình độ tiến sĩ, trong tổng số nghiên cứu sịnh theo học tập và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học trong năm học 2020, số nghiên cứu sinh các ngành Kinh doanh, Quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất (18,8%), tiếp theo là Khoa học xã hội và hành vi (11,01%) và Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (8,02%). Các lĩnh vực có ít học viên nhất là Công nghệ kỹ thuật (0,1%), Du lịch khách sạn, thể thao (0,17%), Thú y (0,38%) và dịch vụ vận tải (0,56%). Các lĩnh vực khoa học cơ bản cũng có tỉ trọng thấp trong tổng số học viên.