Các nhân vật yêu ma quỷ quái
Khi nói đến công việc hóa trang phần mặt của những nhân vật yêu ma quỷ quái thì đa phần phải dùng đến mặt nạ cũng như các chất liệu keo dính, cao su để tạo hình. Một cách tối ưu hóa việc hóa trang là trang điểm từng bộ phận, tránh hóa trang toàn bộ gây lãng phí thời gian, công sức cũng như làm ảnh hưởng đến diễn viên vì rất khó chịu dẫn đến khả năng diễn xuất kém hiệu quả.
Tạo hình các nhân vật yêu ma quỷ quái trong "Tây Du Ký". |
Nghệ sĩ hóa trang Vương Hy Chung đồng tình với Dương Khiết về khía cạnh này, thế nhưng cũng có nhân vật phải hóa trang toàn bộ phần mặt như yêu tinh sư tử lông vàng, Ngưu Ma Vương, Hỗn Thế Ma Vương, yêu quái Trâu xanh, yêu tinh Báo, Tứ hải Long Vương, Tứ đại Thiên Vương…
Ngưu Ma Vương- Vương Phu Đường.
Những diễn viên phải mang mặt nạ trong quá trình đóng phim như Vương Phu Đường quả thực là có sức chịu đựng phi thường! Sự hy sinh gian khổ và thầm lặng này có lẽ người xem khó lòng cảm nhận được bởi những loại mặt nạ này không phải ai cũng có thể chịu đựng được khi mang trên mình. Một nam diễn viên nổi tiếng được mời đảm nhiệm hóa thân nhân vật Ngưu Ma Vương trong Thủy Liêm động đã phải thay thế người khác do việc đeo mặt nạ vô cùng khó chịu nên bỏ cuộc.
Tạo hình nhân vật Ngưu Ma Vương ban đầu do nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ thể hiện. |
Trong phân cảnh đó, Diêm Hoài Lễ (người đóng vai Sa Tăng) là người đảm nhận và cứu cả đoàn. Về sau vai diễn này được nam diễn viên nổi tiếng Vương Phu Đường đảm nhiệm. Vương Phu Đường từng thể hiện vai giám đốc Phan trong bộ phim “Mặt trời mọc”, một diễn viên cao lớn, cơ thể tráng kiện vạm vỡ, giọng nói hào sảng, rõng rạc. Khi đã mang mặt nạ hóa trang thì biết chịu đắng nuốt cay.
Nghệ sĩ Vương Phu Đường trong tạo hình Ngưu Ma Vương, bên cạnh vợ bé Ngọc Diện hồ ly (Trịnh Ích Bình đóng). |
Điều để lại ấn tượng cho nữ đạo diễn Dương về Vương Phu Đường là một người yêu ghét rõ ràng, nhiệt tình và hết mình trong công việc, biết sống với tính cách của nhân vật mà vẫn vui vẻ tràn trề, một con người dám nói dám làm. Trên trường quay, ông thường đặt ra những thử thách khó khăn nhất cho chính mình và vui vẻ diễn tròn vai cho đến khi hoàn thành mới thôi. Vương Phu Đường qua đời ngày 1/12/2005, thọ 74 tuổi, nhiều người vẫn còn nhận thấy ông vẫn khỏe chứ không nghĩ lại ra đi vội vàng đến vậy.
Nghệ sĩ Vương Phu Đường trong phim "Tây Du Ký" và ngoài đời. |
Vương Phu Đường chụp chung với đạo diễn Dương Khiết trong tập “Ba lần lấy quạt Ba Tiêu”. |
Diêm Vương – Lưu Giang.
Nhân vật vua âm phủ Diêm Vương là một nhân vật thực sự có ý nghĩa, một con người nắm quyền sinh sát, nắm giữ trong tay không biết bao nhiêu phán quan tiểu quỷ, đầu trâu mặt ngựa, uy phong lẫy lừng. Thế nhưng trước mặt Ngộ Không thì lại nhũn như con chi chi, khi Ngộ Không đại náo điện Diêm La đòi thay sổ sinh tử, Diêm Vương sợ hãi quá chẳng còn cách nào đành chui tọt xuống gầm bàn.
Tạo hình nhân vật Diêm Vương của nghệ sĩ Lưu Giang trong phần 1 (trái) quay năm 1986 và phần 2 năm 2000. |
Theo lời giới thiệu thì nam diễn viên nôi tiếng Lưu Giang của xưởng phim Bát Nhất, Bắc Kinh là người rất phù hợp cho vai diễn này. Lưu Giang từng thể hiện thành công nhân vật Hồ Hán Tam trong bộ phim “Lấp lánh sao đỏ” với câu nói nổi tiếng: “Tôi, Hồ Hán Tam đã trở lại!”. Ông có diễn xuất thành thạo lại khá hài hước nên thực sự là rất phù hợp với vai Diêm Vương. Dưới bàn tay phù thủy của nghệ sĩ hóa trang Vương Hy Chung thì Lưu Giang đã biến thành một nhân vật biến hóa khôn lường: khi thì là một hung thần dữ tợn lúc thì lại trở thành một Diêm Vương nghe lời dạ dạ vâng vâng.
Nghệ sĩ Lưu Giang (phải) ngoài đời. |
Trong phim có phân cảnh Diêm Vương khi bò trên nền điện Diêm La, trong lúc Ngộ Không đứng chễm trệ trên bàn xử án, vung giày quăng ngay vào cổ Diêm Vương. Khi đó tuổi của nghệ sĩ Lưu Giang cũng đã cao, Dương Khiết thì e ông bị thương thì không đành nên định sửa kịch bản một chút cho phù hợp khi bỏ cảnh đó thì Lưu Giang nói: “Không sao, cứ làm tới đi!”. Sau khi cảnh quay đó hoàn tất, thật may là nghệ sĩ Lưu không hề hấn gì, Dương Khiết vui vừa cảm kích trước tinh thần làm việc nghiêm túc và biết hy sinh vì công việc của Lưu Giang.
Hoàng My đại vương – Tào Phong.
Ông vốn là nghệ sĩ gạo cội của đoàn phim Thượng Hải, trong “Tây Du Ký”, Tào Phong vào vai yêu quái Hoàng My, con sư tử lông vàng thân cận của phật Di Lặc đã trốn xuống phàm trần làm yêu quái. Vì còn nhỏ nhưng lại muốn gây chuyện lớn nên đã tự phong mình là “Đại vương” hay “Lão yêu”, vì vậy Tào Phong sẽ phải biểu đạt được tính cách của một đứa trẻ.
Nghệ sĩ Tào Phong trong tạo hình nhân vật yêu quái Hoàng My. |
Tào Phong trên trường quay phim "Tây Du Ký" khi lăn lộn trên ruộng dưa hấu. |
Trên phim, khán giả có thể nhận thấy một lão yêu Hoàng My nhưng luôn tỏ ra là một đứa trẻ tự cao tự đại, hống hách và kiêu ngạo nhưng thi thoảng vẫn có hành động lấy tay chùi mũi y như của một thằng nhóc lên 3. Thời gian gắn bó của Tào Phong với đoàn phim có thể coi là không dài, ngoài vai Hoàng My lão quái ra, ông còn thể hiện vai diễn tiên cây Cô Trực Công ở Mộc Tiên Am trong tập “Tiểu Lôi Âm”.
Hải Trãi đại vương – Vương Nhân.
Từng là diễn viên của đoàn nghệ thuật không quân thuộc Bộ Chính trị, vai diễn để đời của ông là vai chủ tịch Mao, còn trong “Tây Du Ky”, nghệ sĩ Vương Nhân thể hiện vai một yêu vương đa tình trong tập phim “Tôn hầu xảo hành y”, đó chính là yêu quái Hải Trãi, chính là hóa thân của Kim Mao Hống, con sư tử vàng của Quan Âm Bồ Tát, một trong tứ bảo vật của ngài gồm bình Cam Lộ, đài hoa sen, con hạc lớn và sư tử vàng.
Nghệ sĩ Vương Nhân trong tạo hình nhân vật Hải Trãi đại vương. |
Nghệ sĩ Vương Nhân (tóc đỏ, thứ ba từ trái sang) bên đang trao đổi kịch bản với đạo diễn Dương Khiết (đeo kính râm ngồi đối diện). |
Khi trốn xuống trần gian, nó đã bắt vương hậu Kim Thánh nương nương của nước Châu Tử khiến cho đức vua sinh bệnh tương tư. Khi thầy trò Đường Tăng đi qua, sau khi biết sự tình, Tôn Ngộ Không đã giúp quốc vương tìm lại hoàng hậu, thế nhưng khi đã khống chế được 3 chiếc chuông Tử Kim bảo bối của Hải Trãi thì Quan Âm xuất hiện và xin Tôn Ngộ Không nương tay tha mạng.
Yêu quái Hoàng Bào – Nhậm Phong Pha.
Ông cũng đồng thời là một trong những phó đạo diễn của đoàn, nghệ sĩ 'mặt hoa' nổi tiếng của đoàn kinh kịch Trung Quốc. Vai nhân vật yêu quái Hoàng Bào là một con yêu đa tình, vì tin yêu hết mực công chúa Bách Hoa mà hắn bắt cóc mà răm rắp nghe theo lời của công chúa, về sau đã bị mắc mưu của công chúa và Tôn Ngộ Không. Phong Pha đóng kịch cũng đã nhiều, nếm trải nỗi gian truân trong nghề cũng không ít. Với vai diễn Hoàng Bào quái có phép thuật là tung khói vàng, nghệ sĩ sương khói Lưu Lễ đã dùng riêng một loại hỗn hợp khói có màu vàng cho nhân vật Hoàng Bào.
Hoàng Bào lão quái của Nhậm Phong Pha. |
Trước khi đối mặt với Tôn Ngộ Không, máy tạo khói được cột chặt dưới lớp áo choàng của Hoàng Bào, đến lúc xuất hiện thì Pha Phong chỉ cần hất áo là khói liền phụt ra một đám lớn và khiến cho nhân vật dễ dàng trốn hoặc ẩn nấp, khi khói nhạt dần thì yêu vương cũng dần xuất hiện trở lại. Hiệu ứng này khá thành công nhưng Nhậm Phong Pha thì hứng đủ khi hít phải khói thì cũng đủ bị sặc, khi tắm phải gột rửa cho bằng sạch những bụi vàng từ khói dính trên cơ thể.
Yêu tinh rết – Lý Hồng Xương (phó chủ nhiệm sản xuất đoàn phim “Tây Du Ký”): Ông là diễn viên của đoàn kịch nói Sơn Đông (SN 1930), một diễn viên kỳ cựu và có nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất. Trong tập phim “Vào nhầm động bàn tơ” quay năm 1982, Lý Hồng Xương năm đó 52 tuổi thủ vai sư huynh của 7 yêu nữ nhện tinh, đó chính là yêu tinh rết. Trong vai diễn này, nghệ sĩ Lý đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh một tên yêu tinh âm mưu hiểm ác và vô cùng tàn độc.
Nghệ sĩ Lý Hồng Xương trong tạo nhân vật yêu tinh rết bên cạnh 7 đệ tử yêu tinh nhện trong tập "Mắc bẫy động bàn tơ". |
Tuy vai diễn của ông khá thuận lợi là không phải đeo mặt nạ hóa trang, thế nhưng trong tập này lại có khá nhiều cảnh đánh đấm nên Lý Hồng Xương chịu không nổi, người đóng thế ông trong những cảnh này là diễn viên Diệp Dĩ Manh, hai người cùng có tướng tá và chiều cao tương đương nhau, nhìn từ xa khó mà nhận ra, còn ở những cảnh quay gần thì Lý Hồng Xương vẫn phải đảm nhiệm vai diễn của mình.
Nhắc đến nghệ sĩ Lý Hồng Xương, đạo diễn Dương Khiết vẫn còn bồi hồi cảm kích, đó là đóng góp to lớn của ông cho đoàn phim “Tây Du Ký”. Nhờ có Lý Hồng Xương mới có số tiền tài trợ 3 triệu tệ (9,9 tỷ đồng) cho đoàn phim tiếp tục thực hiện những tập còn lại. Nếu không có sự trợ giúp của ông thì đoàn phim cũng chỉ làm được đến tập “Đại chiến Hồng Hài Nhi” vì không còn kinh phí làm tiếp. Nghệ sĩ Lý Hồng Xương qua đời năm 2009 thọ 82 tuổi.
Nghệ sĩ Lý Hồng Xương. |
Trong Tây Du Ký, thầy trò Đường Tăng đã vượt qua trăm ngàn núi sông hiểm trở, đi qua biết bao quốc gia, diện kiến không biết bao nhiêu quốc vương, hoàng hậu. Những ông vua bà chúa này cũng muôn người muôn mặt và muôn hình vạn trạng, tính cách mỗi người một khác, có người ác người thiện, có người hiểu biết có người khù khờ… Vì tất cả họ đều là người phàm nên không cần phải sử dụng đến mặt nạ dán keo, do đó việc tuyển chọn diễn viên chủ yếu cần nhận biết được những sự khác biệt của mỗi người.
* Đón đọc kỳ 12 vào sáng thứ Ba, 27/11