Tổng kiểm tra việc xử lý sự cố thủy điện Sông Tranh 2
Người lao động Online đưa tin, ông Nguyễn Quang Thử, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam, cho biết: Ngày 18/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ đến huyện Bắc Trà My tổng kiểm tra, giám sát việc xử lý sự cố của chủ đầu tư ở đập thủy điện Sông Tranh 2.
Từ kết quả đợt tổng kiểm tra, giám sát này, đoàn công tác sẽ có hướng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc xử lý dứt điểm sự cố thấm ở con đập này trước mùa mưa lũ năm nay.
Nứt thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Ảnh: Tiền Phong. |
Dự kiến tuần này, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để đề xuất giải pháp phù hợp xử lý triệt để sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2.
Kỹ sư Hoàng Xuân Hồng, Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD), lo ngại: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng công nghệ nào để xử lý sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn nằm trong vòng bí mật. Trong khi VN COLD là tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu về xây dựng và quản lý đập thì họ chưa đề cập đến việc tham gia xử lý sự cố thấm”.
Đồng Nai: Phạt 11 cơ sở chăn nuôi 153 triệu đồng vì sử dụng chất cấm
Thông tin trên Vietnam+, Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom và Thống Nhất, Đồng Nai đã quyết định xử phạt 11 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn số tiền 153 triệu đồng vì đã vi phạm quy định về sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi lợn.
Theo quyết định, huyện Trảng Bom đã phạt tám cơ sở chăn nuôi, mỗi cơ sở 15 triệu đồng. Một cơ sở có quy mô chăn nuôi nhỏ bị phạt 3 triệu đồng.
Kiểm tra đàn lợn thịt. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN. |
Huyện Thống Nhất cũng đã ra quyết định xử phạt hai cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, mỗi cơ sở 15 triệu đồng vì đã vi phạm quy định về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ngoài việc xử phạt hành chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cũng đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc phối hợp với lực lượng thú y và chính quyền huyện Trảng Bom và Thống Nhất điều tra truy nguồn gốc chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại 11 cơ sở trên.
Phát hiện gần 100 mộc bản thời vua Khải Định
Trên trang Bee.net.vn đưa tin, sáng nay (17/4), lãnh đạo Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết, trong chuyến đi khảo sát các di tích tại địa bàn, Ban quản lý đã phát hiện một bộ mộc bản gồm 95 tấm tại đền Thiện, thuộc xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu).
Cán bộ Ban quản lý nhận định, bộ mộc bản này được khắc vào thời vua Khải Định, ghi lại những phong tục lễ nghi, kinh, kệ và các bài văn cúng cổ.
Bộ mộc bản được khắc tỷ mỷ bằng kỹ thuật chạm thủ công với kiểu chữ Hán viết ngược. Có nhiều tấm điêu khắc hình ảnh hoạt động của con người đạt đến độ tinh xảo.
Một trong những tấm mộc bản. |
Dự kiến, Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Nghệ An sẽ cho dập và dịch ra tiếng Việt toàn bộ 95 tấm mộc bản trên.
Được biết, đây là bộ mộc bản duy nhất còn nguyên vẹn được phát hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay.
Đà Nẵng đổi mũ bảo hiểm đồng loạt cho dân
Tuổi Trẻ Online đưa tin, sáng 16/4, Sở Giao thông vận tải, cảnh sát giao thông và các ngành chức năng TP Đà Nẵng đã ra quân thực hiện đợt kiểm tra đổi mũ bảo hiểm dỏm, trao mũ bảo hiểm mới đạt chất lượng (mũ mang logo Đà Nẵng) cho người dân tại đường 2/9.
Người dân chen lấn, xô đẩy nhau để đổi được mũ bảo hiểm mới hôm 10/4. Ảnh: Dân trí. |
UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Khoa học - công nghệ TP khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý của thiết bị kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm. ký hợp đồng với Trường ĐH Bách khoa tiếp tục sản xuất bổ sung chín máy kiểm tra mũ bảo hiểm và hoàn thành trước ngày 30/5. Sở Công thương TP phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mũ trên địa bàn TP. Nếu phát hiện cửa hàng nào bán mũ có nguồn gốc từ mũ bảo hiểm được trợ giá của TP thì thu hồi giấy phép kinh doanh.
Khởi tố nhà báo “chạy án”
Cũng thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Đoàn Hữu Hậu (sinh 1959, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang) vừa bị khởi tố về hành vi lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân.
Hậu ra giá 70 triệu đồng để lo cho một người thắng kiện trong vụ tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, ở cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, người này đều thua kiện.
Một công ty thua kiện công nhân
Nguồn tin trên Thanh Niên Online cho hay, ngày 16/4, TAND TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã xét xử sơ thẩm và quyết định buộc Công ty CP xây dựng 79 trả cho nguyên đơn là ông Nguyễn Phi Thắng (công nhân hợp đồng của Công ty 79) hơn 350 triệu đồng, vì công ty này đã vi phạm hợp đồng với ông.
Theo đơn khởi kiện của ông Thắng, Công ty 79 có ký 3 hợp đồng kinh tế với ông Thắng để thi công công trình thủy điện Đăk Grét (tại xã Đăk Kôi, H.Kon Rẫy, Kon Tum). Tháng 11/2011, mặc dù đội công nhân của ông Thắng đã hoàn thành một số hạng mục nhất định, nhưng Công ty 79 không cho tạm ứng và không chi trả tiền cho ông; đồng thời thanh toán không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng, khiến ông Thắng không thể chi trả lương cho các công nhân trong đội.
Trước đó, tháng 11/2011, do Công ty 79 không chi trả tiền nên 17 công nhân (đại diện là ông Thắng) đã kéo về trụ sở công ty để ăn ngủ, tập trung đòi trả tiền lương và tiền ăn. Vụ việc đã gây mất trật tự và gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Sudan cắt nguồn cấp cung vũ khí cho Nam Sudan
Cũng thông tin trên Vietnam+, báo chí Sudan ngày 16/4 xác nhận quân đội nước này đã cắt đứt các chiến dịch tiếp vận vũ khí hạng nặng và vũ trang của Israel và Mỹ cho lực lượng Nam Sudan ở Heglig, Nam Kordofan.
Binh sỹ thuộc Lực lượng vũ trang Giải phóng Nhân dân Sudan của Nam Sudan tại mặt trận ở Mufalu, Nam Kordofan. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Các nguồn tin được trích dẫn trên báo chí cho biết lực lượng Sudan đã phá hủy tất cả xe quân sự được Quân đội Giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) của Nam Sudan sử dụng ở Heglig, gồm xe tăng T-72 cũng như các bệ phóng tên lửa của Mỹ và vũ khí tối tân của Israel.
Theo những nguồn tin này, quân đội Sudan có thể kiểm soát toàn bộ khu vực và triệt phá nỗ lực cung cấp cho SPLA bằng đường không để yểm trợ việc rút quân.
Hải Phong (Tổng hợp)