“Nông thôn” đâu mà về?

20/06/2015 05:58
Phan Tuyết
(GDVN) - Hè đến, nhiều người nơi chốn thị thành ao ước, lên kế hoạch cho con về quê để gần gũi thiên nhiên, chơi với ruộng đồng. Nhưng nay nông thôn thực sự còn đâu?

LTS: Câu hỏi này của cô giáo Phan Tuyết bây giờ chắc chắn khiến cho không chỉ người thành phố, mà "người nông thôn" chắc cũng không dễ trả lời.

Đúng dịp trẻ nghỉ hè, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này và mong rằng quý vị độc giả sẽ cùng đi tìm câu trả lời toàn diện nhất.

Trẻ nhỏ sẽ tung tăng chạy nhảy, thả diều trên những cánh đồng lúa xanh non, được chăn trâu, đuổi gà, bắt dế, rồi cùng ông làm vườn, cùng bà nhặt rau chuẩn bị bữa cơm…

Thông qua những chuyến đi thực tế về với nông thôn như thế, các mẹ muốn trang bị cho những đứa con của mình vốn sống cần thiết, những kĩ năng sống thực tế mà nhà trường và gia đình chưa dạy được. Liệu rồi những ước muốn, những khát khao tưởng như bình thường ấy có được thỏa mãn hay không?

Ảnh chụp đường làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. ảnh minh họa của vovworld
Ảnh chụp đường làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. ảnh minh họa của vovworld

Có người xa quê vài năm, nay trở về không khỏi hụt hẫng, chơi vơi…Đâu rồi hình ảnh nông thôn ngày xưa với những cánh đồng lúa mướt xanh trải dài tít tắp, những ruộng ngô, những nương dâu ngút ngàn, những cánh đồng khoai xanh mơn mởn, những bãi cỏ với đàn trâu bò thung thăng gặm cỏ…

Chiều chiều, khi ánh hoàng hôn dần buông xuống, lũ trẻ trong thôn cùng nhau thả diều, cùng cưỡi trâu chơi đùa, đánh trận giả…

“Nông thôn” đâu mà về? ảnh 2

Có nên chọn trường học cho con đang ở bậc tiểu học?

(GDVN) - Sự dạy dỗ ân cần của thầy cô giáo cùng với sự chăm chỉ siêng năng của trò thì các em học trường nào cũng tiến bộ.

Vài năm trở lại đây, thôn quê cũng dần được đô thị hóa. Những cánh đồng lúa, bãi ngô, nương dâu ấy đã biến thành khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị, những quán internet…hoặc được phân lô bán đất nền cho những căn nhà ống mọc lên san sát. 

Trẻ nhỏ thôn quê trước đây vốn được thỏa thích vui chơi trên những cánh đồng với bao trò chơi dân gian gần gũi, thân thiện…khi mệt rồi cùng nhau nhảy ào xuống dòng sông mát xanh, hiền hòa, tắm táp và nô đùa. 

Giờ đây, vẫn dòng sông ấy, dòng sông quê hương với làn nước trong mát ngọt lành nhưng chỉ toàn nước thải và rác khắp nơi đổ về bốc mùi khăm khẳm. Sân chơi dành cho trẻ nhỏ cũng dần bị thu hẹp. 

Cuộc sống thôn quê còn nghèo khó, ba mẹ vật lộn với miếng cơm manh áo tối ngày. Trẻ tự do vui chơi theo sở thích của mình. Nên nhiều đứa trẻ tìm về với quán internet miệt mài, mê mãi suốt ngày đêm. 

Nhiều đứa trẻ khác tập trung xem phim hết tập này đến tập khác hay tụ tập đầu làng, cuối xóm, cà khịa, gây lộn đánh nhau…Một số sân chơi, nhà văn hóa thiếu nhi phải có tiền mới vào được. 

Thế là để tìm kiếm nơi trông trẻ an toàn và tiện lợi, nhiều cha mẹ đã mang con đến gởi ở các lớp dạy thêm ở trường, các trung tâm, câu lạc bộ, thậm chí là nhà thầy cô giáo. Thi thoảng có những gia đình gởi cho con theo học lớp học kỳ quân đội với hy vọng thay đổi trẻ qua vài tuần huấn luyện.

Trẻ nông thôn nhưng cũng mù mờ kĩ năng sống chẳng khác gì chốn thị thành. Có em chưa từng thấy con trâu, nhìn con ngựa mà tưởng con bò, chưa biết con gà có mấy chân hay con thú nào nuôi con bằng sữa mẹ…

Trẻ thành phố muốn về nông thôn nhưng nông thôn giờ đây chẳng khác gì thành phố. Vậy trẻ biết học những điều đơn giản ấy nơi nào? 

Chính gia đình mới là môi trường quan trọng nhất để giúp trẻ hình thành và trang bị những vốn sống cần thiết. Chính các mẹ chứ không ai khác phải dạy cho con mỗi ngày từ những điều nhỏ nhất. 

Tuyệt đối không chăm bẵm, làm thay…hãy kéo trẻ vào với các hoạt động của gia đình để con có thời gian trải nghiệm thực tế nhất mà không cần phải đi nơi nào khác.

Phan Tuyết