Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đã thống nhất cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng, Thành phố Huế sau đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Việc làm này được những người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng rằng, nó sẽ góp phần nâng cao về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế cho học sinh.
Tuy nhiên, sau sự việc này đã có rất nhiều quan điểm trái chiều khi bàn luận về việc có nên đưa bộ môn này vào dạy học trong các trường hay không.
Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ Linh. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng:
“Bộ môn nữ công gia chánh nếu nói trong một phạm vi rộng hơn nó chính là những môn về kỹ năng sống. Mà đã là kỹ năng sống thì không chỉ học sinh, mà ngay cả người lớn biết càng nhiều thì càng tốt, việc làm này nên khuyến khích. Nữ sinh mà biết thêm nhiều kỹ năng nữ công gia chánh là tốt, sao không mạnh dạn áp dụng.
Tuy nhiên, tuỳ thực tiễn từng địa phương mà người đứng đầu nên chọn dạy chuyên sâu vào từng kỹ năng, chứ không nên dạy theo kiểu “bổ đầu” nơi nào cũng học giống nhau. Việc này dễ khiến các em khó cảm thụ được hết sự hữu ích của từng môn.
Ví dụ, ở vùng thường xuyên có bão lụt thì cần tập trung vào kỹ năng bơi lội hay vùng đồi núi thì tập trung vào kỹ năng chữa vết thương bằng thảo dược, cách xử lý khi bị động vật, côn trùng cắn…”.
Để có cái nhìn tổng quan hơn về môn học nữ công gia chánh, thầy Phạm Tất Dong cũng nêu ra định nghĩa thế nào mới là đào tạo kỹ năng sống thông qua bộ môn nữ công gia chánh trong học đường và cho rằng:
“Thực ra, định nghĩa về kỹ năng sống thì từ trước tới giờ chưa ai có thể đưa ra lý luận cho thật chính xác, nhưng thông thường chúng ta hay phân ra thành 2 loại cơ bản đó là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Kỹ năng cứng nó chính là những cái mà học sinh học từ những môn học cơ bản. Học sinh học tốt môn nào thì sẽ có sở trường ở những lĩnh vực đó.
Chẳng hạn, học sinh học tốt môn Toán thì sẽ có nhiều kỹ năng về tính toán, số liệu, còn học ngoại ngữ tốt thì sẽ có nhiều kỹ năng viết và nói tiếng nước ngoài tốt…
Còn kỹ năng mềm chính là những thứ có liên quan đến đời sống và xây dựng những mối quan hệ xã hội. Cụ thể đó là: Giao tiếp, ứng xử, nấu nướng, dọn dẹp, nếp ăn ở, đi lại…
Từ những định nghĩa trên có thể đúc kết ra rằng, việc học tập rèn luyện về nữ công gia chánh được những người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế cho thí điểm để phục dựng lại trong thời điểm này là một điều rất tốt và thực sự cần thiết.
Bởi, nếu được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày thì cô gái ấy chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi và được nhiều người yêu quý.
Điều này chỉ thật sự thấy giá trị hữu ích khi những cô gái đó đến tuổi lập gia đình, nhất là lúc ra mắt gia đình nhà người yêu, đó chính là thời điểm thể hiện những kỹ năng ấy ra ngoài.
Có được những kỹ năng này thì trong việc đối nhân, xử thế cô gái ấy cũng thu về rất nhiều điểm cộng.
Không những thế, sau này với cuộc sống tự lập, những cô gái ấy cũng không phải rơi vào trạng thái bị động.
Tôi thấy, nhiều thanh niên hiện nay, kể cả học hết cấp 3 vẫn không thể nấu được một bữa cơm cho thật đàng hoàng, thậm chí là đụng đâu hỏng đấy.
Trong thời buổi hiện nay, khi nhiều gia đình vì nhiều lý do khác nhau không thể bồi dưỡng được hết các kỹ năng sống cho con cái họ thì việc cho phép môn học này có mặt trong nhà trường còn là thể hiện cho tầm nhìn lâu dài của những người đứng đầu địa phương.
Nếu đã thấy được mặt tích cực thì không chỉ các nữ sinh mà cũng nên nghiên cứu mô hình dạy học phù hợp cho cả nam sinh nữa.
Như tôi đã nói, để hoàn thiện một con người thì biết được càng nhiều kỹ năng thì càng tốt, càng có lợi về mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tuy nhiên, phải xem xét đến việc hiện tại ở địa phương đó, kỹ năng ấy có cấp bách hay không, thời điểm đó có nên đưa kỹ năng đó vào ưu tiên giảng dạy chuyên sâu hay không.
Dạy các môn nữ công gia chánh nếu không tính toán, dễ dẫn đến việc học sinh mơ hồ, lan man không biết mình đang cần học cái gì, bổ sung cái gì.
Thậm chí, một số kỹ năng học xong các em chẳng bao giờ được vận dụng vào cuộc sống. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí rất nhiều thời gian và công sức”.
Nêu quan điểm về việc có nên áp dụng đại trà môn học này ngoài phạm vi của Thừa Thiên Huế hay không, thầy Dong cho rằng: “Sở dĩ Huế có thể đi đầu và đưa việc này vào thí điểm bởi nơi đây vốn là đất cố đô, với những nền tảng có sẵn, vì vậy việc cần làm bây giờ chỉ là phục dựng lại thôi.
Không những thế, với nhiều cựu nữ sinh trường Đồng Khánh lúc xưa và nay là cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng thì chúng ta cũng đã nhìn thấy đó là thế mạnh của họ.
Từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng, những kỹ năng này họ vốn dĩ đã ngấm sẵn vào máu.
Vì thế, nếu muốn triển khai đại trà, việc này theo tôi nên cho các trường ở địa phương khác tự chủ động. Làm sao để họ tự đánh giá được mức độ và cách thực hiện.
Đầu tiên là cho họ cái quyền tự quyết là có nên đưa vào áp dụng hay không.
Sau đó, cho các trường đó tự khảo sát nên chuyên sâu về kỹ năng nào có thể phục vụ tốt cho học sinh của địa phương đó.
Nói tóm lại, để việc thí điểm này không để lại những kết quả ngoài mong muốn thì đơn vị nào triển khai việc này nên chú ý đến chuyện địa phương đó có cần thiết phải dạy thêm môn đó trong trường học hay không, có người giảng dạy tốt bộ môn đó hay không và nếu đưa vào áp dụng thì đâu là phương pháp hữu hiệu và tiết kiệm nhất”.