Nữ tiến sĩ người Việt tìm ra chức năng mới của protein giúp ức chế ung thư

20/02/2023 09:04
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau hơn 5 năm nghiên cứu với đầy thách thức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly đã trở thành một nhà khoa học Việt tại Mỹ với nhiều thành tựu đáng nể.

Khoảng hơn 5 năm về trước, chị Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993, đến từ Đà Nẵng) từng là cái tên gây ấn tượng mạnh với nhiều người trẻ Việt bởi thành tích cùng lúc được 8 trường đại học danh tiếng của Mỹ là MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University cấp học bổng tiến sĩ.

Trong đó có học bổng trị giá 410.000 USD cho 5 năm học (tương đương khoảng 9,3 tỷ đồng) của Đại học Johns Hopkins - ngôi trường trong top 5 thế giới về nghiên cứu Y học, có bệnh viện Johns Hopkins nổi tiếng toàn thế giới (theo bảng xếp hạng THE - Times Higher Education).

Không những vậy, chị Sao Ly còn được biết đến là một trong những thành viên đại diện tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019, với sứ mệnh lan tỏa và là người kết nối mô hình giáo dục SARE – dự án nhằm kích thích sự ham học của học sinh yếu kém thông qua việc tham gia và thực hành nghiên cứu khoa học.

Sau khi giành học bổng du học, trong quá trình học tập tại Đại học Johns Hopkins, chị đã nghiên cứu về những protein đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành bộ máy cơ học của tế bào cũng như vai trò của bộ máy này trong ung thư, đặc biệt là ung thư tụy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly tại buổi bảo vệ luận án của mình về nghiên cứu chức năng mới của protein - Discoidin I. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly tại buổi bảo vệ luận án của mình về nghiên cứu chức năng mới của protein - Discoidin I. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo nữ tiến sĩ trẻ, nếu bộ máy cơ học của tế bào không hoạt động ổn định, có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư tuỵ.

Do đó, chị đã tập trung nghiên cứu sâu vấn đề này với mong muốn tìm ra được cách ngăn chặn các bệnh về ung thư khi bộ máy cơ học của tế bào không hoạt động tốt.

“Tháng 5/2022, sau 5 năm, tôi tìm ra chức năng mới của protein mang tên Discoidin I trong bộ máy này. Hy vọng rằng khi khoa học biết về nó thì sẽ đến một ngày có thuốc hoặc liệu trình dựa vào chức năng đó để ức chế các căn bệnh nguy hiểm của con người.

Đây là một chủ đề hay và còn nhiều câu hỏi cần có lời giải đáp, hơn nữa, trước đó cũng chưa có nghiên cứu nào được công bố rõ ràng về chức năng của protein này nên tôi quyết định chọn nghiên cứu sâu hơn về nó”.

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, trong quá trình làm nghiên cứu của mình, nữ tiến sĩ trẻ đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức để có được thành quả cho khoa học như hiện tại.

Theo chị Sao Ly chia sẻ, khi chị nộp bài nghiên cứu chính của mình lên Tạp chí Journal of Cell Biology (tạp chí khoa học về tế bào sinh học), thì khoảng hơn 1 tháng sau, tạp chí này đã phản hồi và yêu cầu chị phải chỉnh sửa cũng như bổ sung thêm rất nhiều để có một công trình tốt hơn.

Thời điểm đó, chị chỉ còn khoảng 6 tuần nghiên cứu trước khi phải tham gia thực tập tại công ty dược Novartis (một trong những công ty sản xuất thuốc và liệu trình chữa bệnh lớn nhất thế giới) vào mùa hè.

Do vậy, nữ tiến sĩ trẻ đã phải dồn hết toàn bộ công sức để làm việc cho kịp thời. Thậm chí, có thời gian, chị phải ăn ngủ luôn ở phòng lab suốt 2, 3 ngày liên tiếp không về nhà, cả những đêm thức trắng để làm thí nghiệm.

Đó là khoảng thời gian khá mệt mỏi và khó khăn nhưng may mắn là cố gắng của chị cuối cùng cũng được đền đáp. Bởi sau đó, khi nộp bản thảo nghiên cứu, tạp chí khoa học uy tín đã chấp thuận (sau khi họ đã đánh giá về mức độ nghiên cứu) và vài tuần sau khi nộp bản thảo, bài báo khoa học của chị đã được xuất bản vào tháng 11/2022.

“Làm nghiên cứu thì giai đoạn nào cũng có khó khăn, nhất là khoảng thời gian ngày nào cũng phải làm rất nhiều thí nghiệm, nhưng những thí nghiệm đó lại không thể mang đến cho tôi kết quả như mong đợi trong định hướng nghiên cứu.

Tuy nhiên tôi cũng biết rằng, nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn và lạc quan cao. Do đó, tôi luôn biết ơn vì những trải nghiệm khó khăn này đã giúp bản thân trưởng thành hơn nhiều trong môi trường khoa học", chị Ly cho biết.

Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly là nhà khoa học thuộc công ty Intellia Therapeutics. Chị cũng cho biết, dự định trước mắt của bản thân là sẽ cố gắng làm thật tốt công việc của một nhà nghiên cứu khoa học để xây dựng được nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng, từ kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào việc giúp đỡ cho tất cả mọi người trên toàn cầu.

Tiến sĩ Ly chia sẻ, trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, câu nói của một vị giáo sư khiến chị ghi nhớ đến tận bây giờ là: Nếu chính mình không tin vào nghiên cứu khoa học của bản thân thì không một ai có thể tin được nó.

Do vậy, chị cũng hy vọng những ai đang làm nghiên cứu sẽ luôn cố gắng tập trung và đặt niềm tin, hy vọng của bản thân vào các dự án khoa học mà mình đã dày công thực hiện, tìm được ý nghĩa trong công việc của mình.

“Mỗi người đều có hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau trong quá trình đào tạo tiến sĩ của mình. Những bài báo công bố khoa học quốc tế hay giải thưởng không phải là tất cả và chúng ta cũng không cần thiết phải có chúng để chứng minh bản thân là nhà khoa học giỏi.

Bất cứ ai cũng đều trưởng thành mỗi ngày và học được nhiều kĩ năng quan trọng, hữu ích - điều này khó có thể đong đếm bằng những con số. Tôi mong rằng, tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang trong quá trình học sau đại học, nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ sẽ có được sự kiên nhẫn để đạt được thành quả tốt nhất cho bản thân”, chị Ly nói.

Khánh An