Có nhà khoa học giỏi nhưng không “mặn mà” với chức danh GS, PGS

14/10/2022 06:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nhiều nhà khoa học giỏi, có nhiều công bố quốc tế nhưng họ không “mặn mà” với chức danh GS, PGS và không tham gia xét duyệt.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ giảng viên chức danh giáo sư hiện đang ở mức thấp, chưa đến 1% (tính đến tháng 12/2021), trong khi đó, tỷ lệ giảng viên chức danh phó giáo sư cũng chỉ chiếm 6,21%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần quan tâm, đầu tư vào đội ngũ này để cải thiện chất lượng giáo dục đại học.

Các trường cần được tự chủ trong việc phong giáo sư, phó giáo sư

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, có nhiều công bố quốc tế cho biết, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư giảm không phải là hiện tượng lạ và điều này đã được dự báo từ trước.

Khi tiêu chuẩn xét duyệt ngày càng được nâng cao, số lượng nhà khoa học được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ bị hạn chế.

Hơn nữa, trong những năm qua, quy mô giáo dục đại học không ngừng được mở rộng, số giảng viên tăng lên thì tỷ lệ giáo sư, phó giáo trên tổng số giảng viên giảm cũng là điều dễ hiểu.

Quy mô giáo dục đại học không ngừng được mở rộng, số giảng viên tăng lên thì tỷ lệ giáo sư, phó giáo giảm là điều dễ hiểu. (Ảnh minh hoạ: ND)

Quy mô giáo dục đại học không ngừng được mở rộng, số giảng viên tăng lên thì tỷ lệ giáo sư, phó giáo giảm là điều dễ hiểu. (Ảnh minh hoạ: ND)

Chuyên gia này cho rằng, hiện nay, tiêu chuẩn để xét duyệt giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 37/2018 vẫn còn khắt khe, vừa yêu cầu ứng viên phải có bài báo khoa học công bố quốc tế, vừa phải đủ giờ giảng dạy, tham gia viết sách khoa học,...

Có nhà khoa học dù đủ số lượng bài báo quốc tế nhưng lại không đủ giờ giảng dạy trong nước, họ đạt được tiêu chí này lại mất tiêu chí kia. Vì vậy có nhà khoa học giỏi, có nhiều công bố quốc tế nhưng họ không “mặn mà”, không tha thiết với chức danh giáo sư, phó giáo sư và họ cũng không tham gia xét duyệt.

Bởi lẽ, mong ước của họ là được làm việc, được cống hiến cho khoa học chứ không phải vì bất cứ một chức danh nào.

Và dù không có học hàm giáo sư, phó giáo sư, với trình độ và năng lực của mình, họ vẫn được mời giảng dạy tại những trường đại học danh tiếng hay được mời làm việc trong các tổ chức khoa học uy tín trong nước và trên thế giới.

Nhà khoa học này cũng đề xuất: khi các trường đại học bước vào cơ chế tự chủ, nên để các trường được tự phong chức danh giáo sư, phó giáo sư, đây cũng là xu hướng chung của các trường đại học trên thế giới. Khi có thêm quyền thì các trường sẽ có thêm trách nhiệm.

Đặc biệt với các trường tư thục, nhà trường cần có quyền thực hiện việc này theo nhu cầu và mục tiêu, chiến lược phát triển hoạt động đào tạo của mình.

Đây cũng chính là một giải pháp nếu chúng ta muốn tăng tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư.

Bên cạnh quan tâm đến số lượng các giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư thì càng cần phải lưu tâm về chất lượng đội ngũ này.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư không phải là yếu tố quyết định chất lượng toàn đội ngũ, điều quan trọng là các giảng viên, các nhà khoa học có thể đóng góp cho hoạt động khoa học cũng như hoạt động đào tạo, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học.

“Thực tế, cách xét duyệt, phong chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay đã khá chặt chẽ, hiệu quả. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng ngày càng làm tốt công tác này.

Tuy nhiên, nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay, thực hiện theo quy định hiện hành, thì chúng ta phải bằng lòng với số lượng giáo sư, phó giáo sư hiện có”, nhà nghiên cứu này khẳng định.

Có nhiều tiêu chí khi xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung cho biết, hiện nay, quy định để xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đã rất rõ ràng theo các tiêu chí đánh giá.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung. (Ảnh: MUCE)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung. (Ảnh: MUCE)

Làm nghiên cứu sinh để trở thành tiến sĩ là việc mang tính cá nhân, có thể học trong nước hoặc ngoài nước. Nhưng để xét duyệt phó giáo sư, giáo sư thì có rất nhiều tiêu chuẩn, ví dụ như giờ giảng; các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp bộ; bài báo khoa học trong nước và quốc tế; là tác giả sách; yêu cầu về ngoại ngữ và phải có sự tích lũy trong một khoảng thời gian dài.

Với những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, có cơ hội học tập, làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì sẽ dễ đạt các tiêu chí trên hơn những người chỉ học trong nước.

Như vậy, cá nhân nhà khoa học phải nỗ lực, có lộ trình và kế hoạch cho bản thân để hoàn thiện đủ các tiêu chí đánh giá xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Thầy Phương cũng cho rằng, quy định về số lượng bài báo quốc tế theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg là cần thiết và phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay.

Tuy nhiên, đăng bài báo quốc tế cũng tùy từng lĩnh vực, có lĩnh vực sẽ khó thực hiện. Với các cơ sở đào tạo có nhiều hợp tác quốc tế, cá nhân nhà khoa học cũng tham gia nhiều vào hoạt động đó thì sẽ dễ dàng để có bài báo khoa học công bố quốc tế hơn.

Song, tiêu chuẩn ngày càng cao, tiếp cận đến chuẩn quốc tế cũng là điều cần thiết trong việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư.

Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Phương cho biết, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung là một trường đại học còn khá non trẻ, hiện có số lượng nghiên cứu sinh đang làm việc trong nước và nước ngoài tương đối cao, số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ cũng đang tăng lên.

Đối với những giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ, để có thể xét duyệt lên phó giáo sư, tiếp sau đó là giáo sư thì cần nhiều nỗ lực, kiên trì và cần xác định thực hiện được đủ yêu cầu đặt ra.

Trong nhiều năm qua, các giảng viên của trường luôn có ý thức phấn đấu đạt chức danh phó giáo sư, giáo sư. Nhà trường cũng có kinh phí hỗ trợ khi các nhà khoa học đạt được các chức danh này.

Việc tuyển dụng đối với trường công còn nhiều khó khăn vì liên quan đến vấn đề biên chế, chỉ khi các ngành đào tạo đang có nhu cầu thì nhà trường sẽ có chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ, các giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên.

Phạm Minh