Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 6/6, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Thành phố Hà Nội) đặt câu hỏi: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt. Xin Phó Thủ tướng cho biết, thái độ ứng xử của chúng ta, hành động của chúng ta nên như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, tác động của cạnh tranh thương mại của Mỹ, Trung Quốc đã tác động đến kinh tế thế giới và khu vực. Giám đốc Quỹ tiền tệ thế giới đã nêu một trong bốn đám mây bao phủ cho nền kinh tế đó là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các tổ chức tài chính tiền tệ hay các tổ chức khác đánh giá nếu cuộc cạnh tranh thương mại này tiếp tục kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm tới đang từ 3,5% xuống còn 3,2%, tiếp tục kéo dài cung cầu về thương mại sẽ ảnh hưởng.
Đối với chúng ta, một nền kinh tế độ mở rất lớn gần 200% tổng giá trị xuất nhập khẩu với tổng GDP cả nước, bất cứ một tác động, ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế của chúng ta.
Khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này, đã thành lập ban chỉ đạo, nghiên cứu đánh giá tình hình, kiến nghị chính sách để thể hiện rõ chúng ta rất quan tâm đến sự cạnh tranh này vì sự ảnh hưởng của nó.
"Chúng ta cũng đánh giá về ngắn hạn có thể cạnh tranh hiện nay thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của chúng ta, đồng thời có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Về ngắn hạn có thể tăng lên nhưng về dài hạn có thể tác động. Có những đánh giá của chúng ta cho thấy là hiện nay có thể giảm 0,2 - 0,3% điểm. Trong 5 năm tới có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỷ đồng.
Có thể nói cạnh tranh thương mại hiện nay đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, thương mại thế giới và lâu dài sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam", ông Minh cho hay.
Quần áo Trung Quốc dễ dàng gắn mác made in Viet nam. ảnh: Báo Tin tức. |
Trước tình hình này, Việt Nam sẽ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ cho nền kinh tế:
Thứ nhất, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Hai là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá bởi tác động của cạnh tranh thương mại sẽ tác động đến tỷ giá.
Ba là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chúng ta trong xuất, nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư để đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Bốn là rất quan trọng đó là tình hiện nay đã đang mở ra xu hướng chuyển dịch các đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trong 5 tháng đầu năm nay thì xu hướng đầu tư này có tăng lên. Cần có sự lựa chọn, chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển chất lượng cũng như đảm bảo thân thiện môi trường và công nghệ.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cơ hội cho Việt Nam? |
Năm là phải hết sức cảnh giác với việc có thể các hàng hóa thông qua Việt Nam, xuất khẩu qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu vào những thị trường đánh thuế cao để tránh thuế. Biện pháp phải phòng vệ, tránh, ngăn ngừa gian lận thương mại.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) cũng nêu thực trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc nhưng lại gắn nhãn mác Việt Nam, lấy xuất xứ Việt Nam như nước mắm, nông sản, may mặc, da giầy và hàng hóa khác.
Việc này làm nhiều doanh nghiệp của Việt Nam lao đao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, hình ảnh và thương hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới, cũng như ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước băn khoăn của đại biểu, Phó Thủ tướng chỉ rõ, thời gian vừa qua, báo chí phản ánh nhiều và lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài và đối tượng đặt hàng hóa giả mạo về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam tại nước ngoài dán sẵn tem nhãn tại nước ngoài sau đó thông qua các hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước.
Đến nay, các hiện tượng, hành vi nêu trên đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng. Nguy cơ một số hàng hóa Việt Nam có thương hiệu có thể bị nước ngoài xem xét khi nhập khẩu, vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và nền kinh tế của chúng ta.
Nguyên nhân có lẽ là thương hiệu hàng hóa Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, đạt được sự tin dùng của thị trường bên ngoài, do đó, một số đối tượng sử dụng việc này để sản xuất, bán hàng hóa kém chất lượng.
Giải pháp trong thời gian tới, thứ nhất, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu biên giới, không để hàng hóa nước ngoài gắn mác Việt Nam thẩm lậu, tăng cường điều tra cơ bản, kiểm tra các kho, bến bãi, địa điểm kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh, phân phối các hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp Việt Nam không bao che, tiếp tay, chủ động tham gia tố giác các hành vi vi phạm, xâm phạm đến thương hiệu Việt Nam và người tiêu dùng.
Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương xây dựng đề án chống gian lận xuất xứ để đánh giá toàn diện và đề xuất với Chính phủ các biện pháp, xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 185 năm 2013 và Nghị định số 154 sửa đổi, bổ sung Nghị định 185, trong đó có quy định xử lý hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa, xuất, nhập khẩu theo hướng tăng nặng các hình thức phạt và răn đe để đảm bảo ngăn chặn các hàng hóa lấy danh nghĩa hàng hóa Việt Nam để xuất ra các thị trường khác.