Dự án FLC Hoàng Long (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân vì dự án đã để hoang hóa nhiều nằm liền.
Không ít người dân mỗi lần đi qua cổng chào của dự án FLC Hoàng Long vô cùng xót xa vì cả dự án hơn 286 héc-ta, nhiều nơi cỏ mọc um tùm, hoang hóa. Người dân thiếu tư liệu sản xuất, doanh nghiệp đắp chiếu dự án, còn chính quyền chỉ hứa hẹn.
Đáng nói, người dân có đất nằm trong quy hoạch được thông báo phải nhường những tấc đất bao năm gắn bó để Tập đoàn FLC thực hiện dự án FLC Hoàng Long vẫn chưa nhận được một đồng nào từ chủ đầu tư.
Bao giờ thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá giải quyết được bức xúc của dân? |
Ngoài bức xúc về việc triển khai dự án theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” của Tập đoàn FLC đối với dự án FLC Hoàng Long mà cách làm ăn của chủ đầu tư này cũng khiến người dân phát ngán.
FLC có tiếp tục đầu tư, triển khai dự án FLC cần trả lời để người dân rõ, cũng như kế hoạch đền bù ra sao để người dân chủ động công việc. Còn FLC không thực hiện dự án thì trả lại đất cho người dân tiếp tục canh tác.
Đáng nói, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa biết dự án “treo” FLC Hoàng Long khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu trả lời mà lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.
Quá bức xúc, nhiều người dân của huyện Hoằng Hóa không ít lần kéo lên huyện, xã, đề nghị chính quyền địa phương trả lời người dân về dự án này. Câu trả lời quen thuộc mà người dân nghe đó là chờ mà không biết chờ đến bao giờ.
Không chỉ nhiều hộ dân mà chính quyền sở tại cũng phản ứng gay gắt với kiểu làm ăn thiếu khoa học của chủ đầu tư như một lãnh đạo huyện Hoằng Hóa gọi đó "cách làm ăn láo nháo của FLC", khiến cán bộ bị dân mắng lây.
Dự án khu công nghiệp FLC Hoàng Long được kỳ vọng trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người dân, nhưng đến nay đã hơn 3 năm vẫn bỏ hoang. Ảnh: Hữu Chí. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Trách nhiệm của chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm những dự án "treo", dự án "đắp chiếu" quá thời hạn theo quy định trên địa bàn.
Khi cho phép chủ trương đầu tư và cấp phép cho một doanh nghiệp thực hiện dự án, khu công nghiệp anh phải áp thời hạn doanh nghiệp thực hiện dự án.
Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc theo tiến độ dự án đã được cấp phép, đặc biệt việc đền bù cho người dân phải thực hiện đúng và đủ theo cam kết để người dân chủ động”.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Việc để doanh nghiệp chây ì, đắp chiếu dự án, không thực hiện đúng tiến độ là lỗi của chính quyền địa phương.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư tại địa phương là cần thiết và tốt, nhưng cũng cần có những chính sách đối với người dân trong diện quy hoạch, bị thu hồi đất.
Người dân đã nhường đất cho doanh nghiệp làm dự án mà bị ảnh hưởng như mất thu nhập, không còn đất canh tác thì phải có chính sách đền bù cho người dân hợp lý, thỏa đáng.
Không thể vì lợi ích của doanh nghiệp mà quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng.
Nếu nhiều tỉnh thành có tình trạng dự án lấy đất mà không đền bù cho người dân thỏa đáng, hợp lý mà chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm để người dân bức xúc thì Trung ương cũng cần có những chỉ đạo để giải quyết vấn đề bằng cách yêu cầu địa phương, doanh nghiệp thực hiện”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, chính quyền địa phương phải quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của dân. Ảnh: Vũ Phương |
Cũng theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, những dự án đắp chiếu, dự án treo gây bức xúc dư luận, quá quy định cần phải thu hồi trả lại đất cho người dân. Nhưng dù trả lại đất cho bà con vẫn phải đền bù phần nào đó vì họ phải khôi phục đất hoang hóa, đất bạc màu sau nhiều năm giao đất cho dự án.
“Có hay không sự quan hệ “không trong sáng giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương mới để dự án “treo” nhiều năm như vậy mà không bị thu hồi. Việc này phải làm rõ”, ông Thành đặt vấn đề.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Luật sư Mai Tiến Dũng (Thành viên câu lạc Luật sư Thương mại Quốc tế - Liên Đoàn Luật sư Việt Nam) phân tích: “Luật đầu tư 2014 quy định về các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
Dân khốn khổ vì FLC Hoàng Long, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá sao chưa "nâng đỡ"? |
Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư.
Luật Đất đai đã chỉ rõ, sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ đầu tư dự án”.
Luật sư Mai Tiến Dũng cho rằng: “Người dân nằm trong vùng quy hoạch hoàn toàn có thể khiếu nại lên cơ quan cấp phép cho doanh nghiệp đề nghị thu hồi dự án để không gây thiệt hại cho người dân.
Dự án quá hạn mà dự án không bị thu hồi, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa quyết định cấp phép của chính quyền địa phương nếu dự án “treo” gây thiệt hại về kinh tế cho người dân”.
Thông tin về chủ đầu tư dự án FLC Hoàng Long trên cổng dự án này do lâu ngày "treo" chữ đã mờ và gần như không còn thấy rõ chủ đầu tư là Tập đoàn FLC. Ảnh: Hữu Chí. |
Được biết, theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án FLC Hoàng Long, ngày 31/3/2015 (chứng nhận thay đổi lần 1 ngày 28/3/2016) nêu rõ về tiến độ thực hiện các giai đoạn của dự án FLC Hoàng Long... Giai đoạn 1, từ 1/2016 đến tháng 12/2016; giai đoạn 2 từ 1/2017 đến tháng 3/2018).
Đến nay, sau hơn 3 năm dự án chưa thực hiện, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân gặp ảnh hưởng vì chưa nhận được tiền đền bù.
Thực tế, từ khi chủ đầu tư có ý định đầu tư đến khi dự án được khởi công, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng về một sự thay đổi về đời sống của người dân ở những vùng quê nghèo, vốn chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Theo lý thuyết, dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động... Nhưng sau 3 năm, thay đổi theo hướng tích cực, đổi mới chưa thấy đâu chỉ thấy hậu quả từ dự án "treo" FLC Hoàng Long đã hiện hữu.