Ông Dương Trung Quốc: “68 năm nữa chúng ta mới theo kịp thế giới"

30/05/2013 08:57
Mai Nguyễn - Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - “Việt Nam đang phải cạnh tranh, và cạnh tranh ngày càng ở thế bất lợi. Ai cũng thấy rõ điều đó mà chúng ta vẫn còn dè dặt lộ trình ấy. Phải chăng 68 năm nữa chúng ta mới theo kịp được? Tôi sợ lúc đó không còn doanh nghiệp Việt Nam nữa, chúng ta chỉ thu thuế của doanh nghiệp nước ngoài”.

"Phải chăng 68 năm nữa chúng ta mới theo kịp được"

ĐBQH Dương Trung Quốc
ĐBQH Dương Trung Quốc

ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nêu quan điểm khi đề cập đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN ngày 29/5.

Đề cập đến vấn đề phí quảng cáo, ĐBQH Dương Trung Quốc – người tham gia xây dựng Luật quảng cáo đề nghị chuyển sang tính theo doanh thu cho hợp lý. Tuy nhiên ông cũng đề nghị phải sớm vạch ra một “lộ trình hội nhập với thế giới”, trong đó có việc xóa bỏ phí này.

Với tỷ lệ khống chế cho chi phí quảng cáo và khuyến mại, việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15%, ĐB gọi mức 15% để dành cho “những doanh nghiệp tạm gọi là sơ sinh”, tức 3 năm đầu. Như thế chúng ta chỉ có một sự thay đổi là “biến tiêu chuẩn của sơ sinh thành người trưởng thành”.

Theo ông Quốc con số này cần phải bàn tới trên thực tế. Nếu sau 4 năm nhích lên được 5% thì phải 68 năm nữa chúng ta mới lên được 100%. Tức là mới hội nhập, mới hoàn thiện lộ trình đưa ra.

“Trong khi thế giới thay đổi rất lâu rồi còn chúng ta vẫn nói là hội nhập với thế giới. Nhưng trên thế giới hiện chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc mà Trung Quốc đi trước chúng ta ở chỗ tính theo doanh thu”.

ĐB phân tích, Trung Quốc là thị trường rất lớn, một quốc gia có truyền thống về kinh tế. Ngược lại Việt Nam ai cũng biết “non trẻ”.

“Vì thế tôi cho rằng cần phải xem xét cả con số 5%. Tại sao không phải là 20%, 25%? Phải chăng chỉ vì chúng ta có tâm trạng chung là cảnh giác, dè chừng chứ không phải tin cậy các doanh nghiệp? Chúng ta không phải mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp phát triển, không thấy rằng chính doanh nghiệp phát triển sẽ mang được nguồn thu bền vững mới là quan trọng” – ông Quốc nói.

Ngoài ra theo ĐB Quốc thì Việt Nam “đang phải cạnh tranh, và cạnh tranh ngày càng ở thế bất lợi” đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, hoặc của nước ngoài.

“Mọi người đều nhất trí là chúng ta phải sớm vạch một lộ trình hội nhập với thế giới và trong đó có một việc là xóa bỏ phí này, nhưng không ai bàn đến con số 15% đưa ra ở đây. Đúng là 15% có nhích lên hơn trước 5% nhưng thực ra ngay ở luật hiện hành thì 15% cũng dành cho những doanh nghiệp tạm gọi là sơ sinh tức là 3 năm đầu. Như thế chúng ta chỉ có một sự thay đổi là biến tiêu chuẩn của sơ sinh thành người trưởng thành. Trên thực tế chúng ta thấy con số này cần phải bàn tới, nếu như làm một hệ tính số học đơn giản sau 4 năm chúng ta nhích lên được 5%, vậy thì phải 68 năm nữa chúng ta mới lên được 100%, lúc đó mới hoàn thiện lộ trình chúng ta đưa ra”, ông Quốc nói.

Ông quan niệm, ngay cả chi phí cho quảng cáo cũng là một khoản đầu tư chứ không vứt đi đâu. Đầu tư cho dịch vụ quảng cáo, các doanh nghiệp quảng cáo ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhà nước vẫn thu được thuế qua các hoạt động đó chứ nó không chạy đi đâu.

Với cách nhìn như vậy, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng điều đó phù hợp hơn, thoát ra khỏi một cách nhìn và những bước đi dè dặt.

“Ban soạn thảo nên quan tâm đến lộ trình một cách mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là lợi ích của nhà nước gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp. Nguồn thu bền vững của nhà nước chính là làm sao tạo ra những hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của chính doanh nghiệp” – ĐB Dương Trung Quốc đề nghị.

"Chúng ta tự mâu thuẫn"

Cũng tại buổi góp ý cho dự luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ĐB Quốc hội Trần Du Lịch nói về sự bất cập của thuế doanh nghiệp lại đề cập tới nhiều khia cạnh khác.

ĐB Trần Du Lịch
ĐB Trần Du Lịch

Theo ĐB Trần Du Lịch nói: “Mấy kỳ họp trước khi thông qua Luật Hợp tác xã thì ta nhất quyết hợp tác xã không phải là doanh nghiệp, nhưng khi thông qua luật Thuế thì phải là doanh nghiệp. Nói vậy thì chúng ta tự mâu thuẫn. Tôi nghĩ phải xem xét cái này”.

Liên quan đến ưu đãi ở khu công nghiệp (KCN), ĐB Trần Du Lịch cho rằng, phải thống nhất quan điểm là ưu đãi trong khu công nghiệp với mục đích gì? “Mục đích của chúng ta là trong lâu dài sẽ không còn xí nghiệp nào sản xuất nằm ngoài KCN, vì chính KCN mới giải quyết môi trường, giải quyết hạ tầng đồng bộ, giải quyết một cách bền vững phát triển.

Khuyến khích vào KCN ở đây chúng ta lại gắn với chuyện vùng sâu, vùng xa khó khăn, hai lĩnh vực không liên quan với nhau. Hà Nội, TPHCM cần khuyến khích hơn bởi vì giải quyết ngoài các khu dân cư, đây là động lực, tư tưởng chung. Mục tiêu của luật thuế này là để trong một thời gian nào đó góp phần vào vấn đề về lâu dài không có sản xuất nằm ngoài KCN, đó là phát triển bền vững”, ông Lịch nói.

Cuối cùng, ông Trần Du Lịch nêu một vấn đề liên quan đến việc đầu tư mở rộng doanh nghiệp đã đề cập tại Quốc hội khóa XII, đó là miễn thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà xã hội, kèm theo đó là vấn đề dự án đầu tư mở rộng được hưởng nhưng ra Quốc hội bác thuế đó và bác luôn gói này, kéo dài 3 - 4 năm nay những doanh nghiệp đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi mở rộng.

“Lần này đưa vào là đúng nhưng chúng ta lại đưa ra điều kiện 300 triệu đô la, doanh số 10.000 tỷ; 300 triệu đô la và 3000 lao động. Rõ ràng với một quy mô như vậy ta lập pháp nhân mới chứ không ai gọi là mở rộng. Việc mở rộng thành ra chúng ta đưa điều kiện như vậy thì không xử lý được vấn đề, tôi nghĩ cần cân nhắc lại về điều kiện để thực đúng đó là mở rộng. Còn doanh nghiệp nói với tôi 300 triệu đô la đầu tư thì lập một công ty mới để hưởng theo doanh nghiệp mới, chứ không ai đưa vào mở rộng”, ông Lịch bày tỏ.



Mai Nguyễn - Ngọc Quang (ghi)