Ông lang Hiệu cao chọi với kho Truyện Kiều cổ nhất đất Kinh Bắc

01/01/2015 06:52
HIỆP HOÀ
(GDVN) - Đó là ông Nguyễn Khắc Bảo người nổi tiếng với biệt hiệu truyền nhân 5 đời của Hiệu Chính tông cao Chọi và được nhân dân đặt cho biệt hiệu “ông lang Chọi"

“Với tôi việc sưu tập truyện Kiều và sửa lại cho đúng với nguyên bản chính thống không phải để nổi tiếng, tôi đến với truyện Kiều cũng bởi một chữ “duyên”, mà đã có duyên thì tự nhiên lại có “phận”. 

Và cả đời tôi đến nay cũng chỉ theo đuổi vì chữ “duyên” này chứ không đòi hỏi danh phận hay thứ nào khác”, đó là những lời tâm sự của ông Nguyễn Khắc Bảo, khu phố Ngói, phường Tiền An, Thành Phố Bắc Ninh (Bắc Ninh).

Người nổi tiếng với biệt hiệu truyền nhân 5 đời của Hiệu Chính tông cao Chọi và được nhân dân nơi đây đặt cho biệt hiệu “chính tông cao Chọi với kho Truyện Kiều cổ nhất đất Kinh Bắc”. 

Hơn 20 năm trong nghề bốc thuốc của mình, ông đã sưu tập được 60 cuốn truyện Kiều cổ nhất trong cả nước, có những quyển có niên đại mấy trăm năm, được ông lưu giữ rất cẩn thận coi như là “báu vật” của cuộc đời mình.

Truyền nhân đời thứ 5

Ông Nguyễn Khắc Bảo sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống Nho học và chuyên nghề bốc thuốc cứu người, tại làng Chọi (TP. Bắc Ninh).

Ngay từ nhỏ ông Bảo đã biết tới các vị thuốc, cách sao tẩm, cắt thuốc chữa bệnh cũng như tiếp cận, học chữ Hán - Nôm từ cha và ông nội, mà như ông nói là “những kiến thức võ vẽ, sơ đẳng mà mình học được”. 

Nhưng sau khi trưởng thành ông lại theo con đường riêng của mình là theo học tiếng Nga và trở thành một giáo viên dạy toán. Cái “duyên” với nghề bốc thuốc và đến với truyện Kiều thực sự bắt đầu vào năm 1990, khi đó ông 43 tuổi do ông nội đã mất và cha lâm bệnh nặng ông phải “nối nghiệp” cắt thuốc chữa bệnh của gia đình, không thể để mai một được. 

Lúc này đang là một thầy giáo dạy Toán. Bỗng dưng ông Bảo bỏ dạy, cắt hết mọi chế độ để về duy trì sự nghiệp của gia đình, làm cho ai nấy đều thấy làm lạ và hiếu kì. Trước đây, khi còn là giáo viên ngoài việc lên lớp cho học sinh, cứ mỗi khi được nghỉ ông lại giúp cha và ông nội cắt và sao, chế biến thuốc nên cũng đã quen với công việc.

Ông tâm sự, “Bấy giờ nếu có chỗ nào quên thì lại mở thêm sách thuốc viết bằng chữ Nho mà tổ tiên truyền lại đọc nhiều, nghiền ngẫm thì sẽ thấm thêm”. Từ khi ông kế nghiệp bốc thuốc chữa bệnh của gia đình, đã có rất nhiều người đến khám và chữa bệnh tại hiệu thuốc của gia đình ông. 

Lật từng quyển sổ khám, chữa bệnh suốt hơn 20 năm qua đã có đến hàng ngàn bệnh nhân với đủ các bệnh, các bệnh mà gia đình ông chữa trị với nhiều loại bệnh như: yếu thận, đau lưng, viêm gan, viêm đại tràng đối với người lớn; sởi, quai bị, ho gà, suy dinh dưỡng đối với trẻ em… có nhiều trường hợp bệnh nặng, thậm chí vào loại “thập tử nhất sinh” như ung thư ông vẫn chữa và kéo dài sự sống thêm cho người bệnh được.

Chia sẻ về những trường hợp mắc bệnh nặng đến nhờ gia đình ông cứu chữa, ông kể về một trường hợp chị Thanh ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bị thối một ngón chân do nhiễm trùng sau khi đi làm đồng về, bị thương do không cứu chữa kịp đến bệnh viện các bác sĩ chuẩn đoàn bị nhiễm trùng nặng chuyển sang loét, không xử lý được phải tháo khớp bàn chân để tránh nhiễm trùng lan nhanh nhưng khi tìm đến hiệu thuốc của ông, theo phương thuốc “bí truyền” của gia đình ông chỉ sau một tuần chị Thanh đã vết loét đã nhanh chóng liền và khỏi hẳn nhiễm trùng, sau một tháng đã khỏi hẳn.

Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa nhưng do yêu cầu của người bệnh nên ông không tiện nêu tên. Những bài thuốc gia truyền ấy, được các đời tiền nhân đúc rút ghi chép bằng hai kiểu chữ một nửa đầu viết bằng chữ Hán, nửa cuối lại viết bằng chữ Nôm. Hồi ấy học sư phạm, làm giáo viên dạy toán, nhưng kế thừa nghề truyền thống nên bắt buộc ông Bảo phải tự học chữ Hán - Nôm để dịch những bài thuốc sang quốc ngữ cho đời sau.

Có duyên với “Kiều”…

Trong quá trình dịch sách thuốc của gia đình, tình cờ nhà lại có sẵn bản “Truyện Kiều” cổ của tổ tiên để lại, vậy là ông lại đem ra như là phương tiện tra từ điển và rảnh rỗi lại “đọc chơi” nghiên cứu. Lâu dần, trình độ Hán - Nôm của ông lang Bảo nâng dần lên. 

Tình cờ trong một lần đọc “Truyện Kiều” ông phát hiện quyển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh (xuất bản năm 1979) trong bản dịch truyện Kiều của tác giả thấy mấy chỗ “lạ” và “khác” với bản Kiều cổ của gia đình mình nên ông Bảo đem đối chiếu lại và phát hiện nhiều từ mà theo ông là “sai” và chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Khắc Bảo giới thiệu kho truyện Kiều cổ của mình
Ông Nguyễn Khắc Bảo giới thiệu kho truyện Kiều cổ của mình

Từ đó ông quyết định phải viết bài, phản biện và sửa lại 918 từ trong 701 câu thuộc bản dịch “Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, với đầy đủ lý lẽ chắc chắn, làm cho nhiều học giả và nhiều nhà nghiên cứu phải “chịu thua” trước một ông lang vườn với thú vui tao nhã “mê truyện Kiều”. 

Theo ông, nhiều vị mang danh là nhà ngôn ngữ, nhà nghiên cứu chức tước đầy mình, nhưng ngại mày mò, nghiên cứu nên họ tặc lưỡi “thôi có thế nào ta dùng thế ấy, chứ tìm tòi làm gì, có khi lại mất thời gian”.

Còn tôi, bản thân tôi vốn là một người mê “Kiều” đọc nhiều, thấy nhiều cái “lạ” và “khác” quá, thậm chí có bản dịch “sai cả nghĩa” nên trong tâm niệm của tôi chỉ muốn độc giả và các nhà nghiên cứu nên có suy nghĩ “chữ nào của cụ Nguyễn Du xin hãy trả lại nguyên bản cho cụ”. Tìm hiểu rộng thêm, ông phát hiện “Truyện Kiều” có quá nhiều dị bản, điều đó càng làm ông quyết tâm hơn trong việc thực hiện tâm niệm trên của mình.

Hành trình hơn 20 năm tìm “Kiều”…và kỷ lục lưu giữ 60 bản Kiều nôm cổ

Xuất phát từ việc phát hiện có nhiều “dị bản” so với bản Kiều nôm cổ của gia đình, ông Bảo quyết định phải đi sưu tập những bản Truyện Kiều cổ nhất Việt Nam. Để lấy đó làm bằng chứng đối chiếu. Bởi theo kinh nghiệm sư phạm khi còn dạy học của mình, “có thể kiến thức của giáo viên truyền đạt nội dung chính cho người học theo đúng chương trình của sách giáo khoa nhưng khi học trò tiếp cận thì mỗi người có một cách nghĩ, các hiểu, để tiếp cận và triển khai khác nhau”.

Từ đó ông làm phép suy luận, “chắc cụ Nguyễn Du trước kia viết truyện Kiều bản chính thống đến tầm “tuyệt tác” nhưng đến khi các dịch giả tiếp cận thì từng câu từng chữ của cụ lại được họ luận và dịch theo một nghĩa khác”. Vậy là để giải tỏa mối băn khoăn của mình, ông bắt đầu bằng việc sưu tầm thật nhiều bản Kiều và sau đó tìm điểm chung và đúng nhất, hay nhất giữa các bản “Kiều nôm” “để trả lại nguyên bản từng chữ cho cụ Nguyễn Du”.

Vậy là, biết ở đâu có bản truyện Kiều cổ là tìm đến mua bằng được. Trong suốt hành trình 20 năm tìm “Kiều” của mình, ông đã đi khắp các tỉnh thành thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Có những lần tìm đến tận các tỉnh như Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Thành Phố Hồ Chí Minh… 

Thậm chí có cuốn ông Bảo phải nhờ bạn bè phôtô lại ở thư viện bên các nước Pháp, bên Mỹ, Canada gửi về cho mình. Ông còn nhớ như in, có lần vào quê hương của cụ Tố Như hỏi mua lại cuốn Kiều cổ, nhưng dứt khoát chủ nhân của quyển sách là một cụ ông (năm đó đã bước sang tuổi 80) kiên quyết không bán và cũng không cho mượn. “Thích lắm rồi! nhưng người ta không bán thì biết làm sao?”.

Sau một hồi suy nghĩ, ông Bảo quyết định “trao đổi” với cụ ông đó để mượn lại phô tô lại, bằng cách “cho cụ mượn lại những quyển của mình”, và cuối cùng ông cũng mượn được. Hiện nay, trong bộ sưu tầm của ông đang lưu giữ 60 bản Truyện Kiều cổ, có những quyển có niên đại hàng trăm năm, trong khi các thư viện trong cả nước (như Thư viện Hán Nôm, Thư viện Quốc gia…) cũng chỉ có tất cả 18 cuốn.

Trong tổng số 3254 câu trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được các dịch giả dịch lại, ông đã sửa lại 918 từ trong 701 câu có thể lấy ví dụ như câu 1951 với nhiều bản dịch là: “Quản chi lên thác xuống ghềnh”, sau nhiều lần đối chiếu với hơn 20 bản Kiều nôm của mình, ông đã sửa thành “Quản chi trên các dưới duềnh” cho đúng với nguyên tác của Nguyễn Du. 

Bởi khi cụ Nguyễn Du viết câu thơ này đã dựa vào điển tích  “Dương Hùng đầu các nhi tử. Khuất Nguyên tự trầm Mịch La”, nên phải dùng chữ “duềnh” mới đúng với điển tích chứ không phải nhiều bản quốc ngữ  đã lưu hành dịch là “ghềnh”, theo ông “dịch như vậy nghe thì hay nhưng chưa đúng với ý đồ của tác giả. 

Dương Hùng là một nhà nho đời Hán do xấu hổ vì sự phản bội của mình mà đâm đầu từ trên gác xuống, còn vị quan thanh liêm Khuất Nguyên do sự oan khuất mà phải gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Ở đây, Thúc Sinh ngụ ý nói với Kiều là mình không quản ngại việc “nhảy lầu” hay “trầm mình” song vì chưa có con nối dõi (Tông đường chút chửa cam lòng/ cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai) nên chưa thể chết. 

Ý kiến đó đã được nhiều nhà dịch giả và đông đảo công chúng độc giả công nhận và được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ đời sống vào năm 2004.

Năm 2012, ông đã được Quỹ khuyến học – khuyến tài tỉnh Bắc Ninh, tặng bằng tuyên dương khen thưởng và tặng thưởng số tiền 10 triệu đồng
Năm 2012, ông đã được Quỹ khuyến học – khuyến tài tỉnh Bắc Ninh, tặng bằng tuyên dương khen thưởng và tặng thưởng số tiền 10 triệu đồng

Cũng trong năm 2004, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu Truyện Kiều. Và chính thức trở thành một nhà “Kiều học”. Năm 2012, ông đã được Quỹ khuyến học – khuyến tài tỉnh Bắc Ninh, tặng bằng tuyên dương khen thưởng và tặng thưởng số tiền 10 triệu đồng cho những đóng góp của ông. 

Đến nay, ông đã được in và công nhận 5 đầu sách viết về “Truyện Kiều” và 100 bài báo khác nhau viết về chuyện “chữ nghĩa” và bình luận của mình về “Truyện Kiều” cũng như các bài viết về phương pháp chữa bệnh bằng các cây thuốc từ dân gian.Hiện nay, ông đang nghiên cứu và thẩm định giúp một cán bộ về hưu ở Thái Bình cũng có thú mê “Truyện Kiều” bản Kiều nôm có niên đại (Đồng Khánh – 1887).

Chia tay ông, chúng tôi ra về khi trời đã bước vào xế chiều, cũng là lúc ông gác lại công việc bốc thuốc chữa bệnh để tiếp tục công quen thuộc, đã theo mình suốt hơn 20 năm qua, đó là “đọc Kiều”. Đúng như những gì ông tâm sự “Đọc Kiều, sưu tầm Truyện Kiều có lẽ là duyên và phận của cuộc đời ông”.

HIỆP HOÀ