Tòa soạn Báo điện tử giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Phong, ở Đại học An Giang. Theo tác giả, ông đặc biệt ấn tượng với bài viết Thưa ông Bộ trưởng văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai trên chuyên mục Góc nhìn.
Từ đây, dưới góc độ của người đã từng giảng dạy Hán Nôm, tác giả Thanh Phong có mong muốn trao đổi thêm về vấn đề sử dụng chữ Hán ở nước ta.
Để rộng đường dư luận và tôn trọng chủ kiến của các nhà khoa học, Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải ý kiến này của tác giả Thanh Phong. Văn phong, học thuật và chủ ý là của tác giả, tòa soạn chỉ giữ quyền biên tập cơ bản.
Đọc bài viết Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai? của tác giả Xuân Dương, tôi rất tâm đắc với nhiều quan điểm và kiến nghị của tác giả; thế nhưng, ở góc độ của người ít nhiều từng nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm ở trường đại học, tôi xin được phân tích một số vấn đề thuộc lĩnh vực Hán Nôm và trình bày những điều còn băn khoăn của cá nhân tôi xung quanh bài viết để chia sẻ cùng quý độc giả.
Việt Nam ngay từ khoảng đầu Công nguyên bắt đầu tiếp nhận chữ Hán từ phương Bắc truyền sang. Mặc dù là công cụ để truyền bá văn hóa phục vụ đắc lực cho mưu đồ thống trị của phong kiến phương Bắc, thế nhưng trong bối cảnh nước ta chưa có một hệ thống chữ viết phục vụ cho nhu cầu ghi chép của người dân; thì chữ Hán, với những đặc điểm ưu việt của nó, đã dần dần được người Việt tích cực học tập.
(GDVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Người cảnh báo những nguy cơ có thể dẫn đến sự mất đoàn kết, chia rẽ trong Đảng
Từ chỗ e dè tiếp nhận, với phạm vi ảnh hưởng nhỏ hẹp là những người Việt phục vụ cho chính quyền người Hán; dần dần chữ Hán được giới tăng lữ Phật giáo và quý tộc đẳng cấp trên chủ động tiếp nhận, phục vụ đúng mực cho các nhu cầu giao tiếp trong xã hội.
Từ sau khi giành độc lập tự chủ, người Việt thực sự chiếm lĩnh trọn vẹn chữ Hán, sử dụng nhuần nhuyễn chúng để phục vụ cho mọi hoạt động triều chính lẫn dân sinh, tạo nên nhiều thành tựu văn hóa, lịch sử to lớn trong quá khứ của dân tộc.
Lịch sử du nhập chữ Hán vào Việt Nam cho ta thấy rằng, bản thân chữ Hán không có tội, nó chỉ là một loại công cụ của văn hóa, mà đã là công cụ thì hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người sử dụng. Bọn bành trướng phương Bắc thì sử dụng nó làm công cụ nô dịch tư tưởng dân tộc khác, đồng hóa để lấn át đi bản sắc văn hóa riêng của dân tộc khác; người Việt thì lại dùng nó để truyền tải văn hóa và tư tưởng dân tộc mình, làm công cụ để đấu tranh giành độc lập tự chủ, chống lại chủ nghĩa bá quyền phương Bắc, củng cố vị thế hiên ngang của dân tộc mình. Những áng văn thơ tuyệt tác bằng chữ Hán trong kho tàng văn học dân tộc, không thể chối cãi, đã thể hiện rõ điều đó.
Điều đáng nói là khi đối diện với chữ Hán, tổ tiên ta đã có thái độ ứng xử không giống như chúng ta ngày nay. Dẫu biết chữ Hán được du nhập từ phương Bắc, được sử dụng với những mưu đồ có lợi cho kẻ xâm lược, thế nhưng người xưa vẫn rất bản lĩnh khi tiếp nhận nó.
Ông cha ta nhận thức rõ ràng rằng, tiếp thu chữ Hán và phụ thuộc vào tư tưởng lập trường của người Hán hoàn toàn là hai chuyện khác nhau. Vì vậy mà trên thực tế, chữ Hán đã chuyển tải được ý chí và tâm hồn dân tộc, song hành cùng với nhận thức, tư duy, tình cảm của dân tộc suốt chiều dài chế độ phong kiến đến giữa thế kỷ XX. Sau 1945, người Việt không còn học tập chữ Hán nữa, nền giáo dục Việt đã có chữ quốc ngữ thay thế, dòng mạch truyền tải văn hóa truyền thống bị đứt gãy, không còn liên tục giống như các nước Đông Á khác (Nhật Bản, Hàn Quốc).
Nhận thức của thế hệ sau về văn hóa, lịch sử trong quá khứ ngày càng phôi phai, nhạt nhòa dần. Cuộc giao lưu giữa chữ Hán, chữ Tây, chữ quốc ngữ đã cho ra đời nhiều học giả uyên thâm cổ kim đông tây đầu thế kỷ XX trên nhiều lĩnh vực. Ở đó, không phải không có vai trò đóng góp của chữ Hán. Vì thế, trong quá khứ, ít khi nào ông cha ta đặt vấn đề chữ Hán là thứ chữ ngoại lai, là cái của người khác; mà hình như nó đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa, của đời sống, nó ngấm sâu vào máu thịt người Việt, là tài sản tinh thần to lớn của người Việt.
Chúng ta ngày nay, về mặt chữ viết hầu như đã thoát ly khỏi chữ Hán, hệ thống chữ quốc ngữ tiện lợi dễ học dễ nhớ có thể chuyển tải hầu hết mọi nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống. Chữ Hán trong mắt người hiện đại trở thành một thứ chữ viết ngoại lai, bởi lẽ đa phần chúng ta không còn đọc hiểu được nó, mặc dù chúng hầu như vẫn dùng để chuyển tải tinh thần dân tộc.
Sự xuất hiện của chữ Hán đâu đó lại ẩn chứa nhiều hiểm họa nếu nước khác tiếp tục lợi dụng chúng phục vụ cho những mưu đồ đen tối để chiếm đoạt chủ quyền. Bối cảnh này khiến chúng ta phải đặt một câu hỏi, làm sao để ứng xử đúng mực, phải lẽ với chữ Hán để một mặt vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vừa phải đấu tranh chống sự lai căng văn hóa, xâm thực văn hóa tinh vi, lúc ẩn lúc hiện từ bên ngoài.
Việc sử dụng chữ Hán cổ khá phổ biến ở nhiều cơ sở thờ tự hiện nay không hoàn toàn giống như việc sử dụng chữ Hán hiện đại trên các biển quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Chữ Hán cổ là sản phẩm lịch sử, có quá trình hình thành và phát triển tự thân trong đời sống xã hội, đã đi vào quá khứ với những giá trị chuẩn mực được cố định hóa, được bao thế hệ người Việt, từ người có học giỏi chữ nghĩa đến những người dân thường mù chữ, trân trọng và kính ngưỡng.
(GDVN) - Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ còn bắt buộc phải viết chữ nước ngoài bé hơn và phải đặt dưới chữ Việt, tại sao ở chốn tâm linh lại không bắt buộc như vậy?
Còn chữ Hán hiện đại trên các biển quảng cáo là sản phẩm của đời sống kinh tế hiện đại, không chứa đựng hàm lượng văn hóa dân tộc, chỉ thuần túy phục vụ nhu cầu giao dịch buôn bán của người sử dụng nó. Vì vậy, việc đánh đồng hai thứ này để xem xét hình như chưa thỏa đáng.
Việc sử dụng kinh Phật bằng chữ Hán cũng vậy. Phật giáo Việt Nam trong chiều dài lịch sử là Phật giáo Hán truyền, trong khi ảnh hưởng của Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ đến Việt Nam vẫn còn khá nhỏ lẻ, yếu ớt. Do đó, việc sử dụng kinh điển Phật giáo bằng chữ Hán cũng là điều dễ hiểu. Việc thiết lập chùa chiền, tạo dựng văn bia, liễn đối bằng chữ Hán là một sự tiếp nối truyền thống, điều đó chẳng có gì sai, chẳng có gì là nô dịch văn hóa ở đây cả.
Nhiều năm gần đây, giới tăng lữ Phật giáo Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu, dịch sang tiếng Việt nhiều kinh điển Phật giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá Phật pháp trong giới Phật tử Việt. Kinh điển chữ Hán còn sử dụng phổ biến ở nhiều chùa, được đọc bằng âm Hán Việt chứ không phải bằng âm Hán, đọc lâu dần những người không biết chữ Hán cũng có thể hiểu và chiếm lĩnh được nó.
Việc sử dụng cùng lúc bản kinh chữ Hán, chữ quốc ngữ phiên âm Hán Việt hoặc bản dịch sang tiếng Việt đều có giá trị và ý nghĩa riêng của nó, vừa đáp ứng nhu cầu truyền thừa từ thầy tổ, vừa có ý nghĩa để hoằng dương chánh pháp. Quan trọng là các nhà chùa biết linh hoạt sử dụng chúng nơi nào và khi nào.
Tôi không nghĩ việc bài trừ một sản phẩm ngoại lai vốn đã quá quen thuộc với người Việt là chữ Hán để tiếp nhận một thứ ngoại lai khác vốn còn xa lạ như chữ Phạn là một thái độ ứng xử đúng đắn. Vấn đề hiện nay là tác động giáo dục của tư liệu chữ Hán đến đa số người hiện đại không biết chữ Hán ngày càng hạn chế.
Tôi rất đồng ý với quan điểm của Xuân Dương là cần có sự quy định rõ, đối với những công trình đã có trước đây (có thể lấy năm 1975 làm mốc) thì cần giữ nguyên trạng khi trùng tu, tái lập, việc làm đó thể hiện sự tôn trọng của chúng ta với tiền nhân và quá khứ; còn đối với những công trình được xây dựng mới sau này, cần có sự chuyển đổi dần sang sử dụng chữ quốc ngữ để đa số người dân dễ dàng đón nhận.
Nếu vì không đọc được mà phá bỏ tất cả, thì có lẽ ngay cả những hoành phi, liễn đối bằng chữ Nôm, một sản phẩm thể hiện ý chí tự chủ cao độ của người Việt, cũng cùng chung số phận với chữ Hán.
Trong vấn đề học tập và nghiên cứu khoa học, người Việt chúng ta đang gặp một trở ngại lớn là khó có thể tiếp xúc được với các văn bản nguyên tác chữ Hán trong lịch sử dân tộc. Trong khi các nước vẫn đang hoặc còn sử dụng chữ Hán khác ở Đông Á dễ dàng tiếp cận với văn bản chữ Hán của Việt Nam hơn, vì vậy mà chất lượng nghiên cứu về Việt Nam của họ có chiều sâu hơn cả người Việt mình.
Học giả Việt Nam thiệt thòi nhiều hơn khi phải dành khá nhiều thời gian học tốt chữ Hán trước khi bắt tay vào nghiên cứu sâu văn bản chữ Hán từ các góc độ khác nhau. Vì vậy, việc dạy học chữ Hán cần được triển khai sâu rộng hơn ở những nơi đào tạo các ngành chuyên sâu về xã hội nhân văn như cổ sử, khảo cổ, văn học cổ, triết học phương Đông, ngôn ngữ học… Có như vậy, chất lượng nghiên cứu khoa học liên quan chữ Hán về lâu dài không thua sút so với bạn bè trong khu vực.
Ứng xử với chữ Hán như thế nào cho phải lẽ quả không đơn giản. Chúng ta không thể loại trừ chữ Hán ra khỏi đời sống văn hóa hiện đại, càng không thể đánh đồng chữ Hán với tư cách là một sản phẩm văn hóa với chính sách bành trướng của thiểu số những người lãnh đạo quốc gia sáng tạo ra nó.
Vì vậy, cần có một cái nhìn khách quan, lịch sử, tỉnh táo và đa diện để tránh rơi vào những cực đoan. Do có nhiều điểm tương đồng trong quá khứ, Việt Nam khi ứng xử với chữ Hán cần tham khảo nhiều hơn thái độ và cách làm của người Nhật Bản và Hàn Quốc, cần học hỏi các nước này trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc và bài trừ biểu hiện lai căng khi tiếp thu văn hóa ngoại lai, mà sư tử đá Trung Quốc là một ví dụ tiêu biểu.
Điều quan trọng là chúng ta cần có bản lĩnh tự thân, không hèn yếu, đứng vững trên lập trường dân tộc để tiếp thu văn hóa nhân loại nói chung, chữ Hán nói riêng.