Ông lão ăn xin và cô bé có tuổi thơ “địa ngục trần gian”

10/11/2012 10:41
Đình Hường
(GDVN) - Với ông Nguyễn Văn Minh - ăn xin cũng là một “nghề”, là cần câu cơm để nuôi sống cả gia đình. Nhưng, cô bé suốt ngày lẽo đẽo đi xin ăn cùng ông thì thật tội nghiệp...

Nhiều người dân sống gần khu vực con đê sông Hồng thuộc xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) từ lâu không còn lạ lẫm với cảnh ông lão và một cô bé lếch thếch đi theo sau để cùng ăn xin. Ông lão đó tên Nguyễn Văn Minh.

Một người bán hoa quả ở chợ trong xã Xuân Quan, nói “ngoa” đầy chất vỉa hè rằng, đó là “nghề” của ông bởi dọc con đê này từ Xuân Quan cho đến Bát Tràng là chỗ kiếm cơm của lông, bởi nơi đây có rất nhiều khách thập phương đi qua, nên có nhiều người đã động lòng thương, cho tiền, thi thoảng còn cho cả đồ ăn nữa.

“Ông lão ăn xin ở đây đã được khoảng gần chục năm rồi, hôm nào tôi cũng thấy đi qua. Có hôm thì đi từ đằng Bát Tràng về đây, có hôm tôi thấy lão ngồi trên chiếc ghế lăn từ đây lên trên đấy, nghĩ thấy cũng hơi kì lạ. Có lúc, tôi cũng nghe mọi người nói với nhau rằng, có người quê ở thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ đi làm gốm ở Bát Tràng đi qua đây bảo lão ở cùng quê. Nhưng, nghĩ cũng đáng thương, suốt ngày lê la từng bước xin ăn, khổ nhất là cô bé đi theo, ngày mưa, cũng như ngày nắng, “đày ải” nó quá”, người thợ sửa xe ở điếm canh đê gần chợ Xuân Quan cho biết.

Cô bé lẽo đẽo theo "bố" xin ăn ở đê sông Hồng thuộc xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên.
Cô bé lẽo đẽo theo "bố" xin ăn ở đê sông Hồng thuộc xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên.  


Theo người dân ở chợ cho biết, nhà của ông lão cách đây hơn 10 cây số mà chân không thể đi được, phải ngồi trên chiếc ghế lăn bên dưới gắn bánh răng, "làm sao có thể về tới nhà được", rất nhiều người thắc mắc.

Chúng tôi theo chân ông lão và cô bé từ đê về nhà vào một buổi sáng muộn, gần trưa. Đoạn đường đê gần chợ Xuân Quan, dòng xe qua lại tấp nập, bụi bay mù mịt phủ một lớp trắng xóa trên lá cây bên đường, ông lão và cô bé vẫn ngước nhìn từng dòng người qua lại để chờ đợi để được rủ lòng thương. Mặt ông lão cháy đen sạm, tay thô kệch cố đẩy chiếc ghế lăn đi, từng bước một khó nhọc. Bên chân trái của ông được băng bó bằng vải, buộc chắc chắn với ghế ngồi của lão bằng dây thừng. Ông cho biết: Tôi bị bại chân, nhà ở Hải Phòng. Tôi ăn sáng rồi, ngày nào tôi cũng đi ăn xin như này, chú cứ đi làm việc của chú đi mặc kệ tôi”.

Đi ngay theo sau lão là một cô bé, mặt cũng đen sạm, quanh năm suốt tháng rong ruổi theo ông lão ăn xin, nắng mưa đã làm mái tóc cô bé xơ xác và đã chuyển màu vàng. Cô bé vừa ngậm chiếc kẹo mút vừa nói: "Em tên Hạnh, em đi thế này tùy từng hôm, hôm nay em đi từ lúc 5h sáng, em ăn rồi". Khoảng hơn 10h sáng, trong chiếc xô màu đỏ đựng tiền lão được các “nhà hảo tâm” cho, bên trong được khá nhiều, có rất nhiều tờ, 2 nghìn, 5 nghìn, 10 nghìn...    

Một lúc sau, trời nắng gắt, cô bé cởi chiếc áo khoác đỏ mặc bên ngoài, trùm vào đầu và xà vào lòng của ông lão để ngủ. Ông lão cứ ngước nhìn dòng người qua lại, bỗng dưng có người đi xe máy dừng lại cho tiền, rồi lại chen vào dòng xe qua lại. Thậm chí, có cả người đi xe ô tô biển số 29 đi đến chỗ ông lão, dừng lại và…

Ông Nguyễn Quang Nghiệp - Trưởng công an xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ cho biết: Hồi xưa, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh và bà Nhẫn cùng đi ăn xin và gặp nhau thì lấy nhau. Ông ở rể tại vùng này, người Hải Phòng. Cô bé ăn xin cùng ông Minh tên thật là Nguyễn Thị Thu (sinh năm 2001), không phải là con ruột, chỉ biết gia đình nhà bà Nhẫn xin về nuôi?! Suốt ngày đi theo bố từ sáng sớm, không biết chữ. Mưa nắng cũng khổ, chúng tôi cũng mong được tách cháu ra để đưa vào trại trẻ mồ côi cho bớt khổ!

Suốt ngày em Thu rong ruổi theo “bố” đi ăn xin, một chữ cắn đôi không biết, tuổi thơ của em không khác gì ở “địa ngục trần gian”. Rất mong cơ quan chức năng giúp em Thu có một tuổi thơ như bao đứa trẻ bình thường khác. 
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và các bài viết, clip xin gửi về báo Giáo dục Việt Nam theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Đình Hường