Truyền thông Đài Loan ngày 15/12 đưa tin, nhà lãnh đạo đảo này ông Mã Anh Cửu vừa chia sẻ trên Facebook hình ảnh hộp thức ăn trưa được chế biến từ các loại rau quả được cho là do thuộc cấp của ông mới mang về từ đảo Ba Bình, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Ba Bình bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp từ ngày 12/12/1946 đến nay).
Phần rau xào trong xuất cơm trưa mà ông Mã Anh Cửu nói rằng được đem về từ Ba Bình, Trường Sa, "căn cứ" để xác định thực thể này là một island theo Điều 121 UNCLOS. |
Ông Cửu nói rằng, Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa, và cũng là thực thể duy nhất ở đây có nước ngọt tự nhiên với 4 giếng nước có tỉ lệ nước ngọt lần lượt là 99,1%, 75,8%, 97,5% và 96,8%, bình quân đạt 92,3%.
Chất lượng nước ngọt tự nhiên ở Ba Bình khá tốt, không những cung cấp đủ nhu cầu nước uống cho lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) mà còn phục vụ việc nấu nướng, sinh hoạt của lính Đài Loan.
Ngoài ra đảo Ba Bình còn có hệ thực vật phong phú với tổng cộng 147 cây cổ thụ hàng trăm tuổi có độ cao trên 10 mét. Sau đó nhà lãnh đạo Đài Loan lập luận:
Bất kể xét theo luật pháp quốc tế, kinh tế hay địa lý thì đảo Ba Bình không những phù hợp với tiêu chí của đảo tự nhiên (island) quy định trong Điều 121 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), mà còn có thể "phù hợp với đời sống của con người và duy trì đời sống kinh tế riêng", do đó không phải đảo đá (rock)?!
Sở dĩ ông Mã Anh Cửu phải vội vã trưng ra hộp cơm trưa có mấy món rau xào mà ông cho là được lính của mình trồng trên đảo Ba Bình để chứng minh thực thể này là một đảo tự nhiên (island) chứ không phải đảo đá (rock) theo Điều 121 UNCLOS là vì vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines.
Vụ kiện này đang được Tòa Trọng tài Thường trực PCA thụ lý đến phần nội dung, trong đó có yêu cầu tòa xác định bản chất một số thực thể ở Trường Sa là gì, và ở Trường Sa không có thực thể nào là một đảo tự nhiên, do đó nó không có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.
Khoản 1 Điều 121 UNCLOS quy định: Một hòn đảo (island) là một vùng đất hình thành tự nhiên, được bao quanh bởi nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên;
Khoản 3 Điều 121 UNCLOS quy định: Đảo đá (rock) mà không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Cũng không phải vội vàng nhận định, phán xét gì về hộp cơm trưa của ông Mã Anh Cửu có mang lại cho đảo Ba Bình 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hay không.
Bởi lẽ, như thế nào là "có thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng"? Chỉ bằng chút nước ngọt và rau rừng hay còn cần gì khác? PCA sẽ có phán quyết sớm nhất vào giữa năm 2016, tức chỉ vài tháng nữa.
Đã có cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, trình độ và uy tín để xét xử về việc giải thích và vận dụng Công ước UNCLOS 1982 thì hãy vui vẻ chờ đợi phán quyết của tòa. Như thế sẽ hay hơn là việc tự chứng minh bằng...cơm hộp, hay tệ hơn nữa là bóp méo các phán quyết, lập luận của tòa bằng những khái niệm pháp lý tự chế - PV.