Ông Ngô Văn Sửu: Phải phát hiện, loại được cán bộ cơ hội, chạy chức chạy quyền

09/01/2020 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - “Tôi mong muốn là đại hội tới đây, công tác cán bộ làm sao phải loại được những kẻ cơ hội, không để lọt vào bộ máy quản lý khóa tới", ông Ngô Văn Sửu nói.

Trong năm 2019, nhiều cán bộ cấp cao đã phải chịu hình thức kỷ luật, có người bị cách hết chức vụ trong Đảng, có người bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự.

Tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh

Điều đó cho thấy quyết tâm chống tham nhũng tiêu cực, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên được Đảng nói và làm rất quyết liệt.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng trong năm qua tiếp tục được đẩy mạnh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu toàn hệ thống chính trị cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi lo ngại rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển; làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn trong bộ phận công chức nào đó, nhất là cán bộ quản lý các cấp. 

Những thông điệp mạnh mẽ từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước phát đi và các vụ án lớn như vụ AVG, Vũ “nhôm”…được xét xử nghiêm mình mới đây, theo ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là những tín hiệu rất đáng mừng cho thấy quyết tâm xử lý tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, lấy lại niềm tin của người dân.

Theo ông Sửu, muốn có đội ngũ cán bộ tốt, đảm bảo tâm và tài thì công tác cán bộ phải là then chốt của then chốt. 

“Công tác cán bộ được chúng ta xác định là rất quan trọng nhưng việc kiểm tra công tác cán bộ làm thế nào, có làm không, làm có chặt chẽ, nghiêm không thì còn chưa tương xứng với nhu cầu đặt ra.

Đặc biệt là việc phát hiện sai phạm ngay trong công tác cán bộ là rất hạn chế. 

Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ", ông Sửu phân tích.

Ông Sửu chia sẻ, trước kia còn có tình trạng cán bộ sai phạm thì lại chuyển chỗ nọ, chỗ kia để lánh đi một thời gian chờ dư luận “quên” rồi đâu lại vào đấy.

Thậm chí, cán bộ sai phạm lại được chuyển lên một ví trí cao hơn. Đó là điều cực kỳ khó chấp nhận.

“Vì thế, thời gian qua, việc xử nghiêm một vài trường hợp có tác dụng răn đe, làm gương rất cao”, ông nhấn mạnh.

Theo vị nguyên Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương, một việc quan trọng trong công tác cán bộ là làm sao phát hiện xử lý được cán bộ cơ hội.

“Cán bộ cơ hội rất nguy hiểm. Cán bộ chạy chức, chạy quyền hay lạm quyền cũng là biểu hiện cụ thể của cán bộ cơ hội.

Cán bộ cơ hội thường ngụy biện rất giỏi. Về hành động, cán bộ cơ hội rất thực dụng. Cái gì có lợi cho bản thân họ, họ làm, cái gì không có lợi thì họ tránh.

Bây giờ sắp chuẩn bị đại hội Đảng, có hiện tượng không ít cán bộ đang “đi nhẹ, nói khẽ”, không quyết, không hành động gì cả. Im ắng và chờ, để tránh bị phê phán hay nhắc tới.

Kiên quyết chống biểu hiện ưu ái người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn
Kiên quyết chống biểu hiện ưu ái người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn

Những người này sau lọt vào cấp ủy, đợi yên vị trong khoảng thời gian nhất định rồi làm gì họ mới làm.

Không dám làm, không dám quyết bất cứ điều gì, chần chừ, ngồi chờ đợi cũng là một dạng của cán bộ cơ hội.

Cán bộ cơ hội cũng rất rành rẽ đường đi, lối lại, gặp ai, hối lộ ai để có lợi nhất cho mình”, ông phân tích.

Theo ông, muốn loại bỏ kiểu cán bộ cơ hội thì chỉ có công khai minh bạch tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ cho các vị trí.

Tốt nhất là công khai nhân sự quy hoạch vào các vị trí quan trọng tới đây để minh bạch, dân chủ trong lựa chọn cán bộ cùng là để người dân biết, thậm chí có ý kiến, phản ánh nếu cần thiết. Lúc đó, sẽ chọn được người tài, người có năng lực phù hợp nhất.

“Tôi mong muốn là đại hội tới đây, công tác cán bộ làm sao phải loại được những kẻ cơ hội, không để lọt vào bộ máy khóa tới.

Đặt biệt là nếu nhân sự được lựa chọn mà sau đó phát hiện có sai phạm trong giai đoạn trước thì những người làm công tác cán bộ phải chịu trách nhiệm rõ ràng, không thể "vô can” được", ông Sửu nêu quan điểm.

Nhật Minh