Ông Nguyễn Ngọc Bảo: "Tôi từng có nhiều phát biểu đụng chạm tới tư lệnh ngành"

13/05/2021 07:50
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Bức xúc mình nêu ra là kiến nghị của cử tri mong muốn để giải quyết vấn đề chung, không mang tính cá nhân hay cục bộ địa phương", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Luôn phải ghi nhớ trách nhiệm với nhân dân

Ngày hội toàn dân bầu cử sắp được diễn ra trên toàn quốc. Những người được cử tri bỏ phiếu lựa chọn trở thành Đại biểu Quốc hội là những người uy tín, đại diện tiếng nói, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại Quốc hội, từ đó ban hành các điều luật đi vào đời sống, đưa đất nước phát triển.

Muốn làm được điều đó, quan trọng nhất là nhân dân, cử tri phải bầu chọn, trao gửi niềm tin đúng người, có tâm, có tầm, có năng lực, trình độ để đứng vào đội ngũ đại biểu.

Là Đại biểu Quốc hội khóa XIII, luôn thẳng thắn trên nghị trường khi đề cập tới những vấn đề nóng về kinh tế - xã hội của đất nước,Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam: “Qua một nhiệm kỳ khóa XIII được tham dự tại các diễn đàn của Quốc hội, tôi nghĩ rằng, trên nghị trường, khi tiếp xúc cử tri cũng như hoạt động cuộc sống, đã là Đại biểu Quốc hội sẽ có rất nhiều áp lực.

Đây không phải áp lực về phía chính quyền, không phải áp lực do một thế lực nào tạo ra mà là áp lực về trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội đối với cử tri.

Nhân dân bầu ra Đại biểu Quốc hội và cũng là những người giám sát đại biểu, đánh giá đại biểu có hoàn thành trách nhiệm với cử tri không? Trước những kiến nghị của cử tri, đại biểu làm được gì, có quyết liệt không, có theo tới cùng sự việc không?”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Áp lực lớn nhất của Đại biểu Quốc hội là trách nhiệm với nhân dân. Ảnh: CKA.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Áp lực lớn nhất của Đại biểu Quốc hội là trách nhiệm với nhân dân. Ảnh: CKA.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, dù là ở cấp nào thì đại biểu cũng là người được nhân dân gửi gắm, tin tưởng. Nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm thì đại biểu phải hết lòng vì dân, bám vào công việc của dân, trăn trở về những vấn đề mang đến cuộc sống phát triển hơn, tốt đẹp hơn cho người dân.

Đối với nhân dân, ông Nguyễn Ngọc Bảo đã thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội trong khoá XIII, tuy nhiên đối với bản thân ông vẫn luôn trăn trở vì chưa làm được hết những gì mong muốn.

“Tôi nghĩ rằng là Đại biểu Quốc hội thì phải luôn trăn trở đã làm được hết những trách nhiệm mà người dân bầu mình chưa? Nhiệm vụ cử tri giao phó, mình đã làm như thế nào? Nhân dân bỏ phiếu đặt niềm tin như vậy thì mình đã làm được những gì cho người dân, cho đất nước? Tôi luôn trăn trở về điều ấy và có lẽ nhiều đại biểu khác cũng vậy.

Đối với tôi, qua một khóa là Đại biểu Quốc hội mặc dù đã cố gắng hết sức và luôn băn khoăn, trăn trở trong nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, nhưng rõ ràng mình chưa thể làm hết được những gì bản thân mong muốn phục vụ cuộc sống nhân dân tốt hơn nhiều lần nữa.

Nếu như trở thành đại biểu rồi mà thờ ơ, không lo lắng cho những việc bức xúc trong đời sống nhân dân thì không xứng đáng với niềm tin, với lá phiếu bầu của cử tri. Như vậy cũng có nghĩa là không trung thực, khi cần phiếu thì nói rất hay, kế hoạch hoành tráng, nhưng khi đạt được rồi thì im lặng”, ông Bảo cho biết.

Phía sau những phiên chất vấn

Quốc hội đã có những chuyển biến rất lớn về cách thức hoạt động nghị trường. Đại biểu Quốc hội được thẳng thắn hơn, trao đổi chính kiến một cách rộng rãi, tranh luận ngay tại nghị trường.

Thực tế, trong quá trong quá trình chất vấn cởi mở ấy cũng tồn tại những áp lực mà theo ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết đó là những áp lực vô hình.

“Phải hiểu rằng người ta sẽ không gây áp lực trực tiếp, hiện hữu rõ ràng đối với các Đại biểu Quốc hội, những áp lực đó có thể là những áp lực vô hình trước và sau quá trình chất vấn.

Thậm chí có một tồn tại như lúc tôi là đại biểu đại diện cho địa phương. Trong khi tôi phát biểu những bức xúc của địa phương thì động chạm đến tư lệnh ngành.

Nhiều ý kiến địa phương cũng cho rằng, Đại biểu Quốc hội phát biểu như vậy trong khi người ta đang cùng tỉnh làm việc này, việc kia, như vậy thì có ảnh hưởng đến đầu tư của tỉnh không? Vô hình trung đó là một loại áp lực.

Thế nhưng, nếu đã là Đại biểu Quốc hội thì vẫn luôn phải lên tiếng trước những vấn đề đang nóng bỏng trong đời sống của nhân dân, trao đổi thẳng thắn với tư lệnh ngành, trình Quốc hội để tạo ra các điều luật áp dụng vào cuộc sống.

Bức xúc mình nêu ra là kiến nghị của cử tri mong muốn để giải quyết vấn đề chung, không mang tính cá nhân, không mang tính địa phương, không mang tính cục bộ.

Cương vị Đại biểu Quốc hội buộc mình phải phản ánh chân thực, đóng góp xây dựng và phải hoạch định được những cái đúng, cái sai, những cái làm được và những cái còn tồn tại để đưa ra các giải pháp hướng đến sự phát triển cho người dân, đất nước”, ông Bảo nhận định.

Khi đặt một vấn đề, Đại biểu Quốc hội cần có kiến thức tổng hợp và phải có phân tích ngắn hạn, dài hạn, phải giải quyết những vấn đề mang tính phát triển, đóng góp. Thậm chí Đại biểu Quốc hội cũng sẵn sàng phê bình tư lệnh ngành trước Quốc hội.

“Nhiều người thường nghĩ chất vấn trên nghị trường là sự động chạm đến ngành này, ngành kia, đến các tư lệnh ngành nhưng tôi nghĩ điều đấy không đáng quan tâm nhiều.

Nếu một bộ trưởng làm tốt, mình ghi nhận và đánh giá cao thì họ cũng cảm thấy vui, được động viên. Nhưng khi không tốt, buộc phải phê bình thì họ cũng chấp nhận thôi. Đại biểu Quốc hội thì không được né tránh điều đó”, ông Bảo khẳng định.

Quốc hội là nơi trao đổi, thảo luận các vấn đề của xã hội, của nền kinh tế vĩ mô, an ninh quốc phòng... theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, nếu phát biểu mà chỉ nhìn sự việc trên một địa bàn hẹp, trên một địa phương, trong một giai đoạn nào đó thì đôi khi ý kiến đó không phù hợp trong sự phát triển kinh tế vĩ mô trong những giai đoạn tiếp theo.

Đây cũng là một loại áp lực, áp lực về trí tuệ, áp lực về trình độ, áp lực về kiến thức, áp lực về việc các đại biểu nhìn nhận và đưa ra vấn đề thì liệu có giải quyết được không.

Lấy một ví dụ điển hình, năm 2011-2012, ông Nguyễn Ngọc Bảo đưa ra ý kiến trong bài phát biểu của mình, mong muốn đất nước phải phát triển những đặc khu để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nếu giải pháp phát triển kinh tế giai đoạn hiện nay, ông cho rằng quan điểm của mình sẽ hoàn toàn khác.

Việt Nam trong thời kỳ kinh tế số, đất nước nên rộng mở, thông thoáng thị trường, gỡ bỏ những rào cản về mặt pháp lý để chắp cánh cho các doanh nghiệp trong nước được tạo cơ hội cạnh tranh và phát triển. Đó chính là sự phát triển nội lực, lâu bền và phù hợp với giai đoạn kinh tế Việt Nam thời đại mới.

Trong giai đoạn tham gia Quốc hội khoá XIII và sau đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo là người đã phát biểu rất thẳng thắn về dự án đường BOT như “Có những doanh nghiệp đầu tư dự án BOT theo kiểu tay không bắt giặc” hay “Ai nói thu phí BOT không tác động tới người nghèo là vô cảm”... những phát biểu ấy đã đụng chạm tới nhiều người.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, triển khai dự án BOT là chủ trương đúng, nhưng những người thực hiện trực tiếp chưa làm tròn bổn phận chức trách nên mới dẫn tới những bức xúc trong dư luận xã hội một thời gian dài. Sau đó, Chính phủ từng bước làm rõ và siết chặt kiểm soát, đảm bảo lợi ích của nhân dân, đất nước và nhà đầu tư.

Ông Bảo bày tỏ: “Đại biểu Quốc hội thì lúc nào cũng có áp lực, đến tận bây giờ khi đã hết nhiệm kỳ 4 năm rồi mà tôi vẫn cảm thấy áp lực bởi mỗi lần trăn trở nhớ lại. Đáng lẽ, bản thân mình phải làm được nhiều hơn nữa, ý kiến của mình phải sâu rộng hơn nữa và phải làm được nhiều việc tốt hơn nữa. Đến giờ phút này tôi vẫn cảm thấy mình làm chưa đầy đủ như bản thân mong muốn”.

Cao Kim Anh