Ông Vũ Quốc Hùng: “Những người hám lợi danh phải tự xấu hổ, không nên ứng cử”

12/05/2021 07:39
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Những con người hám danh, hám lợi nên tự thấy xấu hổ không nên ứng cử trong bộ máy nhà nước, càng không nên ứng cử làm đại biểu của dân”, ông Hùng nói.

Lựa chọn ứng viên công khai, minh bạch

Ngày 23/5 sắp tới là ngày toàn dân bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Mỗi lá phiếu của cử tri thể hiện quyền, trách nhiệm, bổn phận của mình đối với đất nước.

Việc bầu những nhân sự có tâm, có tầm, có trình độ hay không đều do nhân dân quyết định. Điều này có nghĩa rằng tương lai của của đất nước đều nằm trong lá phiếu quyết định của cử tri với mong muốn tạo ra một đất nước dân chủ, văn minh, bình đẳng và hạnh phúc.

Vậy làm thế nào chọn được những cán bộ, nhân sự, xứng đáng thay mặt, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân?

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ: “Vấn đề cán bộ nói chung, Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định rất rõ, các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh là bộ máy nhà nước rất coi trọng công tác cán bộ, đào tạo con người.

Mọi thắng lợi của chúng ta đều do con người quyết định. Nhưng phải là những con người tận trung với nước, tận hiếu với dân. Những con người hám lợi danh phải tự thấy xấu hổ, không nên ứng cử trong bộ máy nhà nước, càng không nên ứng cử làm đại biểu của dân”.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Cao Kim Anh.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Cao Kim Anh.

Để chọn được những người ưu tú và loại ngay những kẻ cơ hội, theo ông Vũ Quốc Hùng, Đảng phải có trách nhiệm lựa chọn nhân sự với những tiêu chí đã đặt ra, cấp trên phải có trách nhiệm tuyển chọn cấp dưới. Nhưng điều quan trọng nhất là phải để nhân dân tham gia tuyển chọn, làm thế nào để quá trình tuyển chọn cán bộ phải thật sự dân chủ.

“Tôi thấy những bảo bối, những nguyên tắc vàng, quan trọng nhất là dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Bộ máy nhà nước cần có những cán bộ đủ trình độ và uy tín, thực sự vì nước, vì dân. Lực lượng cách mạng là nhân dân nhưng nhân dân phải có lãnh đạo xứng tầm.

Bài học lịch sử đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu, nếu không có lãnh đạo thì nhân dân phải tổn thất hi sinh mà không thắng lợi được. Lực lượng cách mạng là nhân dân nhưng nòng cốt phải là người cán bộ. Cán bộ giỏi và trong sạch thì nhân dân sẽ ủng hộ, nhưng cán bộ mà năng lực kém lại thêm tư cách đạo đức có vấn đề thì chẳng ai nghe”, ông Hùng nhận định.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, bây giờ là thời bình, tuy không có chiến tranh nhưng vẫn đang có những cuộc chiến đấu không tiếng súng, gọi là chống nội xâm. Với nghĩa hẹp là chống tham nhũng, nhưng với nghĩa rộng là tất cả kẻ thù trong con người về những thói ích kỷ, vô trách nhiệm, nịnh bợ, xấu xa.

Cuộc chiến đấu chống nội xâm cam go không khác gì chống ngoại xâm. Đây là cuộc đấu lâu dài, không bộc lộ sự nguy hiểm bằng súng, bằng đạn nhưng ăn mòn, mục ruỗng bộ máy nhà nước, trở thành nguy cơ sụp đổ cơ đồ đất nước. Và chung quy lại, chúng ta lại trở về với bài toán nhân sự, con người.

“Trong điều kiện hiện nay khác với trong chiến tranh. Trong chiến tranh, cán bộ, nhân dân đều ở chung nhà tranh vách đất, tất cả chỉ có vài bộ quần áo, một cái ba lô là xong. Cuộc sống bây giờ hiện đại, có nhà cao, cửa rộng, xe cộ và có rất nhiều nhu cầu, hưởng thụ khác…

Tuy nhiên đã là cán bộ nhà nước phải thấm nhuần cốt cách của con người Việt Nam, phải là con người trong sạch, thẳng thắn, trung thực. Muốn như vậy, quy trình tổ chức cán bộ phải dân chủ, công khai, minh bạch, dựa vào dân và thực hiện một cách khách quan thì mới chọn được cán bộ vì dân, vì nước”, ông Hùng khẳng định.

Bộ máy tinh giản, hiệu quả, nhân sự có trình độ

Để nhân dân, cử tri có thể bầu chọn được những cán bộ xứng đáng thì ngay ở khâu đầu tiên tuyển chọn cán bộ đã phải nghiêm túc, những người có quyền đánh giá lựa chọn phải thật sự công tâm, trong sạch, trung thực và phải có trình độ.

Ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh: “Đánh giá một con người không hề đơn giản, không phải chỉ thông qua biểu hiện bên ngoài mà phải tính cách, năng lực phải thể hiện một thời gian dài, thực tế những gì cán bộ đã thực hiện được ở cơ sở và đánh giá cũng phải khách quan, trung thực. Chúng ta đang chuẩn bị cho một sự kiện dân chủ sắp tới và điều này vô cùng cần thiết trong sự kiện như thế.

Tôi luôn nhắc tới hai điều kiện cần thiết đi cùng nhau: Thứ nhất là đạo đức tốt, liêm chính. Thứ hai là phải có trình độ, có năng lực.

Thiếu một trong hai điều kiện này đều không được. Có những người hiền lành, trong sáng, nhưng năng lực yếu thì không thể theo kịp được sự phát triển, gây ra sự trì trệ. Người có năng lực mà đạo đức tồi thì chỉ tìm cách vơ vét cho đầy túi, bè phái, gây mục ruỗng cơ quan nhà nước, làm suy giảm uy tín với nhân dân".

Lần bầu cử này có một điều đặc biệt hơn là bỏ Hội đồng nhân dân Phường với tinh thần chọn các cán bộ có đức có tài, tinh gọn bộ máy, hiệu quả, hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào vừa tinh gọn bộ máy nhân sự, nhưng vẫn phải đạt hiệu quả cao?

Theo ông Vũ Quốc Hùng, chúng ta phải tìm được những người có tâm sáng, có đạo đức tốt, thương dân và phải có năng lực. Ngay cả những người tiến cử, giới thiệu cũng phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nếu hời hợt, nể nang sẽ gián tiếp gây ra những hệ lụy sau này.

“Hiện nay, tôi đang tham gia công tác tổ dân phố nơi tôi sống và nhận thấy rằng, cán bộ cấp cơ sở cũng rất vất vả, rất nhiều sự vụ, vấn đề khúc mắc trong nhân dân cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ tốt vẫn còn nhiều cán bộ làm việc hình thức, cứng nhắc, chưa thật sự vì dân. Tôi mong rằng tới đây tiếp tục đổi mới, để bộ máy hành chính nhất là cấp cơ sở phải lắng nghe nhân dân thực sự chứ không phải hình thức.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp nhân dân không được cán bộ lắng nghe. Nhiều trường hợp tố cáo, khiếu nại của nhân dân không được ai trả lời. Giải quyết thì bắt buộc phải theo trình tự nhưng đơn thư không được trả lời nên đơn cứ gửi hết chỗ này đến chỗ khác.

Tố cáo, khiếu nại, phản ánh đúng pháp luật nên chúng ta có luật. Nhưng thực tế hiện nay có vấn đề tồn tại đó chính là người dân không biết kêu ai khi vướng mắc.

Hướng dẫn cho người dân thì phải chỉ đúng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm trả lời đúng, sai với nhân dân. Và đến các cơ quan nhà nước thì cán bộ phải có trình độ mới giải quyết được các vấn đề khúc mắc của người dân”, ông Hùng nêu thực trạng.

Ngoài trình độ, đủ tâm, đủ tầm thì phải là những dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, cử tri, đất nước sau khi được bầu chọn vào đội ngũ đại biểu, nhân sự của đất nước.

“Để có những lá phiếu đúng đắn, bầu chọn đúng người, những đơn vị cung cấp thông tin phải làm như thế nào để nhân dân, cử tri có đủ thông tin, tài liệu về ứng viên đại biểu.

Tất cả quá trình tuyển mộ, lựa chọn, bầu cử phải khách quan, trung thực thì mới tìm đúng nhân sự có tầm, có tâm, có trình độ phục vụ nhân dân, đất nước, đưa đất nước phát triển với tương lai tốt đẹp hơn”, ông Hùng bày tỏ.

Cao Kim Anh