Oh Young-jin, một nhà bình luận kỳ cựu trên Korea Times ngày 26/1 nhận định, rõ ràng luôn có cách giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và cách này không mới, nhưng người ta đang cố né tránh nó.
Sau vụ Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1, Tổng thống Park Geun-hye đã rất thất vọng và đề nghị tổ chức đàm phán 5 bên, loại Triều Tiên khỏi cuộc chơi.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên Trung Quốc và Nga không hưởng ứng ý tưởng này của bà Park Geun-hye. Trong khi đó Tổng thống Barack Obama đang bận rộn với thỏa thuận hạt nhân Iran, còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại đang tính toán, nhân cơ hội Triều Tiên thử bom nhiệt hạch để theo đuổi chương trình hạt nhân riêng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì rõ ràng đã rất hài lòng với Triều Tiên trong vai trò bước đệm, bình phong giúp Bắc Kinh chống lại Hoa Kỳ. Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn muốn duy trì ảnh hưởng toàn cầu và cạnh tranh với Mỹ.
Còn bản thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chắc sẽ cảm thấy hạnh phúc vì có thể khẳng định vai trò cá nhân bằng cách phát triển chương trình hạt nhân, như ông nội và cha mình đã làm.
Trong ngắn hạn, tất cả các bên đều mong muốn có sự thay đổi mạnh mẽ đối với hiện trạng. Với Hàn Quốc, mong muốn này càng lớn, nhưng hành động của Seoul chưa đủ "táo bạo" để phá vỡ bế tắc giữa hai miền.
2 giải pháp "không lạ" mà Oh Young-jin đề xuất là, hoặc Hoa Kỳ rút quân khỏi Hàn Quốc để mở đường đàm phán 2 miền Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên, hoặc liên minh Mỹ - Hàn tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào miền Bắc.
Cả hai khả năng này đều bị xem như đi quá xa trong các gói giải pháp cho vấn đề Bắc Triều Tiên. Thời điểm này mà nói chuyện yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc có thể là một điều không thể tưởng tượng nổi.
Từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đến nay, Hoa Kỳ hiện đang duy trì 28 ngàn quân cùng nhiều vũ khí hiện đại tại Hàn Quốc. Ở miền Nam bán đảo Triều Tiên, "Mỹ rút quân" là đề tài cấm kỵ. Nhưng đã đến lúc xuất hiện những lý do để xem lại điều này một cách nghiêm túc.
28 ngàn quân và nhiều vũ khí hiện đại của Mỹ đang hiện diện tại Hàn Quốc được coi như chiếc ô an ninh của Seoul, "Mỹ rút quân" là đề tài cấm kỵ ở Hàn Quốc. Ảnh: toptenz.net. |
Nhà báo Oh Young-jin cho rằng, đầu tiên việc Mỹ rút quân là điều kiện tiên quyết mà Bình Nhưỡng đặt ra để có thể đàm phán trực tiếp với Seoul mà có thể giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Sau khi thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên cũng đã nhắc lại yêu cầu này. Bình Nhưỡng muốn trực tiếp ký hiệp ước hòa bình với Mỹ, sau đó bắt đầu đàm phán quá trình từng bước phi hạt nhân hóa trên bán đảo.
Triều Tiên có lẽ có thể mở cửa cơ sở hạt nhân của mình cho các cơ quan quốc tế vào thanh sát, hoặc để lực lượng quân sự Hoa Kỳ đóng tại Hàn Quốc tháo dỡ các thiết bị hạt nhân này.
Lý do thứ 2, Hàn Quốc ngày nay không còn yếu đuối như thời kỳ trước Chiến tranh Triều Tiên. Lý do thứ 3 để xem xét nghiêm túc lựa chọn Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc là việc đã đến lúc Seoul phải tự bảo vệ mình.
Donald Trump, một ứng viên Tổng thống Mỹ đang phàn nàn rằng, Hàn Quốc đã quá dựa dẫm vào người Mỹ, ỷ lại Hoa Kỳ quá lâu. Lý do thứ 4, một chiến lược rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc có lộ trình sẽ không gây ra khoảng trống quyền lực đột ngột và có thể sẽ diễn ra thuận lợi.
Nếu không chọn giải pháp Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, lựa chọn khả thi duy nhất còn lại để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên theo tác giả Oh Young-jin là giải pháp quân sự.
Nghe có vẻ khủng khiếp khi nghĩ đến việc hai miền Triều Tiên lại nổ ra chiến tranh, nhưng đó không phải ý tưởng xa lại mà đều là nguy cơ được Tổng thống George W. Bush, Tổng thống Bill Clinton từng đặt lên bàn để xem xét nghiêm túc.
Lựa chọn tưởng chừng "xấu nhất" này cũng đã từng có tiền lệ, khi Israel đã thành công trong việc đánh đòn phủ đầu ngăn chặn Iraq và Syria phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Oh Young-jin, giải pháp luôn luôn có, vấn đề là các nhà lãnh đạo có đủ dũng cảm để đưa ra quyết định như trong tình huống không còn lựa chọn nào khác hay không.