Ông Thanh từng dính líu vụ “rút ruột” hàng tỷ đồng công trình SeaGame

10/04/2014 16:00
Hải Ninh
(GDVN) - Không những bị tố đứng sau “bảo kê” cho dự án Cánh buồm xanh, ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm trước đó còn "dính" nhiều sai phạm tiền tỷ.

Vào những năm 2003 – 2004, khi ông Lý Duy Thanh đang giữ chức Giám đốc Nhà thi đấu Gia Lâm đã xảy ra vụ “bê bối” tham nhũng nhiều tỷ đồng khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội cũng vào cuộc và kết luận những sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư.

Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) được xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước với 7 gói thầu, tổng số vốn đầu tư là hơn 37,6 tỷ đồng. Đây là công trình phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao của nhân dân trong huyện và đặc biệt là SEA Games 22. Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, công trình đã có biểu hiện xuống cấp. Theo Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội, công trình này đã bị thất thoát hơn 2,2 tỷ đồng (một con số "khủng" vào thời kỳ này).

Nhà thi đấu Gia Lâm được đầu tư hơn 37,6 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước nhưng đã bị "rút ruột" tới 2,2 tỷ đồng.
Nhà thi đấu Gia Lâm được đầu tư hơn 37,6 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước nhưng đã bị "rút ruột" tới 2,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trong 7 gói thầu, chỉ duy nhất có gói thầu lắp đặt hệ thống PCCC là không có sai phạm.

Sai phạm nhiều nhất ở công trình này là ở gói thầu số 2. Đơn vị được phép thi công là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) với giá trúng thầu là 15,57 tỷ đồng, bao gồm: Thiết kế kỹ thuật, thi công nhà thi đấu, xây dựng tường rào, hạ tầng kỹ thuật, san nền... Ngay sau khi trúng thầu, Handico đã giao cho Công ty Xây dựng số 9 đảm nhiệm thi công và Công ty lại giao cho Xí nghiệp II (thuộc Công ty) trực tiếp thi công.

Trách nhiệm của ông Lý Duy Thanh trong vụ "rút ruột" Nhà thi đấu Gia Lâm chưa được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.
Trách nhiệm của ông Lý Duy Thanh trong vụ "rút ruột" Nhà thi đấu Gia Lâm chưa được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.

Theo quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, Handico phải hoàn thành gói thầu trong thời gian 305 ngày, chậm nhất đến tháng 7/2002 phải hoàn thành. Song, do sự lòng vòng chuyển giao các đơn vị thi công và có nhiều thay đổi, bổ sung trong quá trình thi công nên đến ngày 18/11/2003, gói thầu mới được nghiệm thu, bàn giao. Theo Thanh tra Nhà nước thành phố,  trong số 17 hạng mục thanh toán (gói thầu số 2) thì hầu hết đã bị khai tăng số lượng, vật liệu thi công không đúng chủng loại, gây thất thoát lên đến 522 triệu đồng.

Về phía Ban quản lý dự án, hồ sơ mời thầu còn quá nhiều kẽ hở để các bên thi công lợi dụng “rút ruột” công trình. Cụ thể, một số nội dung chi tiết như khối lượng bê tông, khối lượng san nền đã không được tính toán cụ thể, thậm chí còn sót, chưa đưa vào dự toán như khối lượng xây thu hồi, khối lượng lan can, trần thép, thạch cao... và không nêu rõ quy cách, phẩm cấp vật tư thi công.

Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng, bên thi công không hề làm mà vẫn được thanh toán 4.280m3 cát san nền với số tiền là 129 triệu đồng. Đối với xi măng xây dựng, theo hợp đồng thì đơn vị thi công phải bảo đảm sử dụng xi măng Bỉm Sơn, nhưng trong thực tế, đã có một lượng lớn các loại xi măng có phẩm cấp thấp hơn, giá rẻ hơn được đưa vào sử dụng tại công trình. Thế nhưng, toàn bộ các hạng mục trên đều được nghiệm thu, thanh toán.

Ở gói thầu số 3, gói thầu về dàn mái không gian, đơn vị trúng thầu vẫn là Handico, giá trúng thầu là hơn 4,2 tỉ đồng. Sau khi trúng thầu, đơn vị này cũng không trực tiếp thi công mà giao lại cho Công ty Xây dựng số 9. Công ty Xây dựng số 9 đã “liên danh” với Công ty cổ phần kết cấu không gian TADITS để thực hiện. Khi phát hiện TADITS không đủ năng lực thi công, Công ty Xây dựng số 9 lại quay sang ký lại hợp đồng với Công ty Cơ khí Đông Anh.

Có được bản hợp đồng, Công ty Cơ khí Đông Anh tiếp tục chuyển cho Xí nghiệp giao thông 8 thực hiện phần chế tạo, lắp dựng mái. Mặc dù các bản hợp đồng được chuyển qua nhiều “tay” nhưng theo kết luận thanh tra thì đơn vị nào cũng có “lãi”, chỉ có Nhà nước là “lỗ” trên 415 triệu đồng ở gói thầu này.

Chính vì những thất thoát trong mọi khâu, tuy chưa sử dụng được bao lâu nhưng công trình Nhà thi đấu thể thao Gia Lâm đã xuống cấp trầm trọng. Thời điểm năm 2004, sàn sảnh tầng 2-3 của khán đài B đã bị thấm dột, nước mưa không chảy vào phễu mà lại chảy ngược vào phía trong sàn thi đấu. Hệ thống van phao bể nước tầng trên cũng gần như bị “tê liệt”, không tự động đóng khi nước đầy; các vách kính tấm lớn yếu. Nguy hiểm hơn là hệ thống điện tầng áp mái được lắp đặt phức tạp, các ổ cắm điện không bảo đảm chất lượng và đã bị hư hỏng nhiều, có nhiều nguy cơ cháy, chập...

Như vậy, với một công trình có vốn đầu tư trên 37 tỉ đồng đã thất thoát tới 8% tổng giá trị. Đây là một trong những công trình có tỉ lệ thất thoát cao ở Hà Nội và có những sai phạm nghiêm trọng ở nhiều khâu mà trước hết thuộc về chủ đầu tư. 

Thanh tra Nhà nước kết luận, chủ đầu tư đã không giám sát chặt chẽ, buông lỏng quản lý trong thực hiện dự án, vi phạm các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản của  Nhà nước.

Tuy vậy, những người có “dính líu” đến vụ “rút ruột” hàng tỷ đồng ở công trình Nhà thi đấu Gia Lâm lại không “hề hấn” gì, ngược lại còn “thăng quan, tiến chức”. Như, trường hợp Giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Minh Anh lại được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Phòng xây dựng - đô thị huyện; còn ông Lý Duy Thanh lại được “leo” lên vị trí Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Ninh