Petrolimex lỗ gần 1.150 tỷ đồng: Bất hợp lý, đáng quan ngại?

27/02/2015 14:08
QUÁCH HOÀNG
(GDVN) - Đại diện Petrolimex đưa ra ba nguyên nhân khách quan để lý giải cho việc lỗ 1.145 tỷ đồng. Tuy nhiên, xung quanh con số lỗ "khủng" này vẫn còn nhiều tranh cãi

Người được ủy quyền công bố thông tin Petrolimex Lưu Văn Tuyển chính thức công bố Báo cáo số 0180/PLX-TCKT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; trong đó nêu rõ: Báo cáo hợp nhất toàn Tập đoàn trong Quý IV/2014 lỗ 1.145 tỷ đồng.

3 nguyên nhân khách quan?

Lý giải điều này, ngày 26/2, ông Nguyễn Xuân Chài - Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Petrolimex đã đưa ra 3 lý do về con số lỗ hơn 1.145 tỉ đồng. Đại diện tập đoàn khẳng định con số lỗ trên do tác động đồng thời của 3 nguyên nhân khách quan.

Thứ nhất, Quý IV/2014 giá xăng dầu thế giới giảm liên tục với biên độ lớn. Sự biến động này nằm ngoài các dự báo của Chính phủ cũng như các chuyên gia kinh tế.

Thứ hai, công thức tính giá cơ sở để xác định giá bán tại Việt Nam chỉ được tính bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho bắt buộc 30 ngày.

Thứ ba, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và việc trích lập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh liên kết theo các quy định hiện hành.

"1.145 tỷ đồng là số lỗ của riêng Quý IV/2014. Do vậy, khi hợp nhất số liệu cả năm 2014 vì thế mà hiệu quả sản xuất - kinh doanh của năm 2014 cũng bị giảm đi tương ứng" - ông Nguyễn Xuân Chài phân trần.

Petrolimex cũng thông tin thêm, việc tồn kho 30 ngày là để bảo đảm an ninh năng lượng theo quy định - tất cả các doanh nghiệp đầu mối (19 doanh nghiệp được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu hiện nay) bắt buộc phải thực hiện.

Thêm vào đó, để xăng dầu tại Việt Nam tiệm cận với diễn biến giá xăng dầu của thị trường thế giới, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 xác lập công thức tính theo bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho 30 ngày; chính vì vậy, khi xăng dầu thế giới giảm sâu như quý IV/2014 vừa qua chênh lệch lớn giữa giá cơ sở và giá bán dẫn tới doanh nghiệp bị lỗ.

Ví dụ cụ thể cho thấy: Nếu lấy giá cơ sở theo bình quân 30 ngày để xác định giá bán theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì doanh nghiệp có lãi định mức 300 đồng/lít (không bị lỗ). Tuy nhiên, khi lấy giá cơ sở theo bình quân 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho 30 ngày quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP để xác định giá bán tối đa thì thiếu 750 đồng/lít.

Trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã công bố bị lỗ cả ngàn tỉ đồng trong quí 4/2014 do giá xăng dầu liên tục giảm mạnh. Kết quả này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận cả năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất quí 4/2014 (chưa soát xét) của Petrolimex công bố mới đây cho thấy, riêng trong quí báo cáo, đơn vị này chịu lỗ hơn 1.145 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2013 lãi gần 360 tỉ đồng.

Giải trình về kết quả này, Tổng giám đốc Trần Văn Thịnh trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Petrolimex với trục chính là kinh doanh xăng dầu nên kết quả hợp nhất bị ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu giảm liên tục với biên độ lớn trong quí 4-2014. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP là dự trữ lưu thông 30 ngày trong khi giá cơ sở được tính theo giá bình quân 15 ngày. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận quí 4/2014 biến động lỗ với con số kể trên.

Riêng công ty mẹ, báo cáo tài chính quí 4/2014 (chưa soát xét) công bố số lỗ hơn 782 tỉ đồng, tăng rất nhiều so với con số lỗ 93,5 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2014.

Kết quả này đã kéo lợi nhuận cả năm của Petrolimex xuống còn hơn 4,8 tỉ đồng, giảm rất mạnh so với năm 2013. Năm 2013, đơn vị này báo lãi 1.578,9 tỉ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Riêng công ty mẹ, lợi nhuận cả năm 2014 đạt hơn 67 tỉ đồng, chỉ bằng gần 1/10 so với con số 710 tỉ đồng của năm 2013.

Kết quả cụ thể này không bất ngờ bởi trước đó, lãnh đạo Petrolimex trong các dịp như tổng kết ngành Công Thương... cũng từng thông báo tương tự. Theo đó, quí 4/2014 đơn vị này lỗ nặng vì giá xăng dầu liên tục giảm, làm triệt tiêu toàn bộ thành quả có được của 3 quí trước đó.

Bất hợp lý, đáng quan ngại?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên tờ Đất Việt cũng bày tỏ quan điểm, việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex không thể bằng các năm trước là điều hoàn toàn có thể hiểu được bởi giá xăng dầu thế giới giảm chắc chắn ảnh hưởng rất nặng nề tới tập đoàn này, những doanh nghiệp không kinh doanh sành sỏi sẽ khó lòng chịu nổi.

"Tuy nhiên, đo lường ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới làm Petrolimex thua lỗ đến mức nào thì phải có các thông số, kết quả phân tích sâu vào báo cáo tài chính của họ", bà Phạm Chi Lan nói.

Theo bà, điều đáng tiếc là các chuyên gia kinh tế như bà không được tiếp cận các thông tin đó để có thể phân tích điều Petrolimex đưa ra xác đáng đến đâu.

"Chắc chắn là hiệu quả kinh doanh của Petrolimex sẽ thấp đi nhưng có đến mức thua lỗ hay không, bao nhiêu phần trăm lỗ của tập đoàn do giá xăng dầu thế giới giảm hay do biên độ 30 ngày dự trữ và 15 ngày điều chỉnh giá một lần... thì cần phải phân tích kỹ các thông số mới biết được", bà Lan nhấn mạnh.

Có một điều khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn là, Nghị định 83 quy định thời gian như vậy và Petrolimex được quyền điều chỉnh tăng giá theo biên độ nhất định tại sao trước đây họ không kêu? Giờ đến khi giá thế giới giảm, ảnh hưởng đến tập đoàn thì họ mới kêu?

"Đó là điều không hợp lý! Những chính sách nào có lợi cho Petrolimex thì họ không nói gì, nhưng đến lúc nào đó có một chút có thể gây thiệt hại cho tập đoàn thì họ kêu rằng cơ chế đó là không hợp lý", bà Phạm Chi Lan nhận xét.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc Petrolimex, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất báo lỗ là một điều đáng quan ngại.

"Petrolimex với vị thế thống lĩnh thị trường còn bị lỗ thế, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp xăng dầu khác hoạt động theo điều kiện tương tự của Petrolimex có bị lỗ hay không, mức độ lỗ có tương đương với quy mô thị trường của họ hay không".

Điều gây ngạc nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, đó là Petrolimex được chủ động điều chỉnh giá ở một biên độ nhất định mà giờ tập đoàn này kêu lỗ. Do đó, cần hỏi lại lý do Petrolimex lỗ và nên có kiểm toán độc lập xem xét việc báo lỗ của Petrolimex.

Đặt giả thiết phải chăng Petrolimex báo lỗ lớn để được "mở van" Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang rất "khủng", TS Lê Đăng Doanh nói đó là điều đương nhiên, hệ quả dễ hiểu. Còn chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể.

QUÁCH HOÀNG