Ngày 4/6, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 6/2022 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5, kế hoạch tháng 6, đồng thời cập nhật tình hình thị trường, triển khai các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo của năm 2022.
Các điểm cầu trực tuyến |
Tham dự buổi giao ban có các Phó Tổng giám đốc và Trưởng các ban chuyên môn/văn phòng Tập đoàn, cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận |
Đến nay, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã vượt quá 100 ngày, trở thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm quy mô lớn, làm phân mảnh địa kinh tế - chính trị, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng mạnh, giá năng lượng, lương thực lên cao.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tiến hành đợt tăng lãi suất rộng nhất trong 2 thập kỷ qua, phản ánh xu thế thắt chặt tiền tệ.
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với dự báo.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra hệ thống băng chuyền tại kho than số 1 |
Trong nước, mặc dù GDP tăng trưởng tích cực nhưng huy động điện, khí vẫn ở mức thấp. Cuộc xung đột Nga – Ukraine tác động khiến giá cước vật tải, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận hành tăng cao; rủi ro cấm vận, nguy cơ gián đoạn nguồn cung vật tư, thiết bị; các khách hàng, đối tác quốc tế bị ảnh hưởng phải dừng, giãn hoạt động cũng đã và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Petrovietnam.
Trong bối cảnh đó, với việc theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, thường xuyên cập nhật, đánh giá các xu hướng của thế giới đến hoạt động và sự cố gắng, nỗ lực, chủ động trong toàn Tập đoàn, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, Petrovietnam vẫn duy trì nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn, đạt hiệu quả và tăng trưởng cao.
Với sản lượng dầu, xăng dầu, điện, khí,… cung cấp cho nền kinh tế, Petrovietnam góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Giàn khai thác Mỏ Sư Tử Đen |
Đáng chú ý, trước sự suy giảm sản lượng khai thác ở tất cả các mỏ dầu khí do đã khai thác quá lâu, trong khi hệ số bù trữ lượng không đảm bảo do thời gian qua việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế; các mỏ mới đưa vào khai thác chủ yếu là mỏ nhỏ, cận biên... Petrovietnam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì sản lượng khai thác, một mặt góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng cho quốc gia, một mặt tận dụng cơ hội giá dầu tích cực để tăng cường đóng góp cho ngân sách.
Khai thác dầu thô tháng 5 đạt 0,92 triệu tấn, vượt 18% kế hoạch tháng 5, tính chung 5 tháng đạt 4,55 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 5 tháng và bằng 52% kế hoạch năm 2022.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thành công hòa lưới điện đồng bộ Tổ máy số 1 trước sự chứng kiến của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, tỉnh Thái Bình và Petrovietnam |
Sản lượng khai thác dầu 5 tháng vượt cao so với kế hoạch do đa phần các mỏ khai thác chủ lực đạt hệ số uptime cao; tăng cường công tác quản trị sản lượng khai thác tại các lô/ mỏ chủ lực của toàn Tập đoàn, áp dụng tối đa các giải pháp/biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng.
Sản xuất, cung ứng các sản phẩm khác như khí, điện, đạm, xăng dầu,… tiếp tục ở mức cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong đó, sản xuất xăng dầu (không gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) tháng 5 đạt 578,9 nghìn tấn, vượt 8% kế hoạch tháng, tính chung 5 tháng đạt 2,79 triệu tấn, vượt 6% kế hoạch 5 tháng và bằng 45% kế hoạch năm.
Sản xuất đạm tháng 5 đạt 150,2 nghìn tấn, vượt 1% kế hoạch tháng, tính chung 5 tháng đạt 776,4 nghìn tấn, vượt 8% kế hoạch 5 tháng và bằng 46% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Đoàn công tác Petrovietnam làm việc và thăm trụ sở của Exxon Mobil tại Houston |
Nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì ổn định, Petrovietnam tiếp tục đạt được các chỉ tiêu tài chính rất tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.
5 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 372,2 nghìn tỷ đồng, vượt 63% KH 5 tháng, đạt 67% kế hoạch cả năm 2022 và tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 52,8 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch 5 tháng, đạt 82% kế hoạch cả năm 2022 và tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 5/2022, các dự án điện trọng điểm tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ngày 4/5 tại Hà Nội, Petrovietnam và EVN đã tổ chức ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 giai đoạn vận hành thương mại.
Ngày 12/5, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã tiến hành hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1 thành công - vượt 7 ngày so với tiến độ đề ra.
Trong tháng 5, Petrovietnam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quốc tế thông qua công tác thúc đẩy hợp tác với các Tập đoàn lớn trên thế giới tại Mỹ, Hàn Quốc trong các lĩnh vực hoạt động đầu tư dầu khí, chuyển dịch năng lượng cũng như chuyển đổi số và áp dụng công nghệ trong hoạt động dầu khí,...
Kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống để đạt được những kết quả khả quan trong 5 tháng đầu năm.
Nhằm tiếp tục kiểm soát, quản trị tốt, duy trì hiệu quả hoạt động trong những tháng tiếp theo, Tổng giám đốc Petrovietnam chỉ đạo tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị trong toàn Tập đoàn đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, đặc biệt là nâng cao sản lượng khai thác dầu, mặc dù sẽ hết sức khó khăn.
Nhà máy lọc dầu Dung Quốc tiếp tục vận hành an toàn, ổn định, với công suất cao, cung cấp khoảng hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia |
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo chú trọng đánh giá thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, như là chiến tranh ủy nhiệm, phân mảnh thế giới, lạm phát, giá năng lượng, lương thực,… từ đó có dự báo, đánh giá, cập nhật vào mục tiêu kế hoạch, điều hành sản xuất kinh doanh trong tháng 6 và những tháng còn lại; nỗ lực gia tăng thị phần, phát triển thị trường khí ngoài điện, phục vụ cho mục tiêu trước mắt cũng như chiến lược lâu dài; đánh giá thị trường hoạt động dịch vụ trong và ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực điện gió ngoài khơi để có chính sách hỗ trợ các đơn vị trong Tập đoàn xây dựng các chuỗi liên kết, thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực này; rà soát thúc đẩy công tác đầu tư để tận dụng cơ hội; quản trị tốt đầu tư và tài chính; tăng cường công tác quản trị, kiểm soát rủi ro đặc biệt là rủi ro tuân thủ pháp luật;…
Xác định một trong những động lực quan trọng để Petrovietnam có thể tăng cường đóng góp cho ngân sách là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế để có thể gia tăng sản lượng khai thác và thúc đẩy các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh khác, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo toàn hệ thống tập trung thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật Dầu khí và hệ thống pháp luật liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển ngành Dầu khí trong tình hình mới, đóng góp tích cực cho kinh tế đất nước.