Petrovietnam về đích chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách cả năm 2024

16/10/2024 06:44
Vương Nghị
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt 736,5 nghìn tỷ đồng tổng doanh thu và 115,2 nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Dù bối cảnh sản xuất, kinh doanh có nhiều thách thức, song với nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản trị, 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt 736,5 nghìn tỷ đồng tổng doanh thu và 115,2 nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, vượt kế hoạch năm, đồng thời tiết giảm chi phí 2.117 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí 2.117 tỷ đồng

Trong tháng 9/2024, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của thế giới giảm 0,7 điểm so với tháng trước, dưới mức trung bình 3 tháng liên tiếp. Trong bức tranh chung này, chỉ số PMI tháng 9 của Việt Nam giảm 5,1 điểm so với tháng 8 do điều kiện sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Trên thị trường, giá dầu thô trung bình tháng 9 và 9 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Cùng xu hướng giá dầu, giá các loại sản phẩm xăng dầu tháng 9 cũng giảm từ 3-8% so với trung bình tháng trước. Ngược lại, giá khí, phân bón, thép có xu hướng tăng.

1.jpg
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn

Trong bối cảnh đó, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản trị, các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 9,6-25,2% trong tháng 9.

Tập đoàn nghiêm túc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 76-KL/TW; Nghị quyết số 38/NQ-CP; dự thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; dự thảo chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngày 01/10, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký kết hợp đồng tín dụng 521,5 triệu USD với tổ hợp hai ngân hàng Citi và ING cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Đồng thời, ngày 04/10, PV Power và EVNEPTC ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) đối với hai nhà máy này. Cũng trong ngày 04/10, Petrovietnam và EVN đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc cấp khí LNG từ kho LNG Vũng Áng cho Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II.

2.jpg
PV Power và EVNEPTC đã ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 mở ra bước tiến mới cho các dự án điện sử dụng LNG.

Về các chỉ tiêu sản xuất, trong tháng 9, sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn đạt 786 nghìn tấn, vượt 25,2% kế hoạch tháng, lũy kế 9 tháng đạt 7,43 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch 9 tháng; sản lượng điện tháng 9 đạt 1,65 tỷ kWh, lũy kế 9 tháng đạt 20,88 tỷ kWh, tăng 18,4% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng sản xuất Urê, xăng dầu (không bao gồm NSRP) tháng 9 lần lượt đạt 141 nghìn tấn và 626,8 nghìn tấn; tính chung 9 tháng vươn lên mốc 1,39 triệu tấn và 4,9 triệu tấn. Hai lĩnh vực này được dự kiến khả năng sẽ về đích vượt mức kế hoạch đề ra cả năm.

Đáng chú ý, Petrovietnam đã tiết kiệm chống lãng phí được 2.117 tỷ đồng trong 9 tháng qua, đạt 94% kế hoạch tiết giảm năm 2024. Trong đó, tiết kiệm từ nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý, bán hàng, tài chính... đạt 1.782 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch cả năm; tiết kiệm từ quản lý đầu tư, tối ưu vận hành khai thác, mua sắm trang thiết bị đạt 334,8 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm.

Cán đích trong bối cảnh đầy thách thức

Với mục tiêu đặt ra năm sau cao hơn năm trước, nhờ những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong 9 tháng đầu năm ước đạt 736,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, về đích trước 3 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 115,2 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm, về đích trước 4 tháng, tăng 9% so với cùng kỳ 2023.

Nhìn lại kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng qua, Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Hội đồng Thành viên giao, về đích trước từ 3-5 tháng. Trong đó, 5/6 chỉ tiêu tăng trưởng từ 9-31%: doanh thu toàn Tập đoàn tăng 12%; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tăng 9%; doanh thu hợp nhất tăng 14%.

Bên cạnh công tác sản xuất kinh doanh, Petrovietnam cũng dành nhiều nguồn lực cho hoạt động an sinh xã hội với tổng giá trị 480 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, Tập đoàn đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai triển khai Dự án Tái thiết thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và sẽ hoàn thành trong năm 2024 để bà con thôn Kho Vàng sớm có nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

3.jpg
Trạm LNG đầu tiên của miền Bắc được đưa vào sử dụng tại Bắc Ninh.

Nỗ lực tìm giải pháp về đích

Dù 2 chỉ tiêu lớn đã hoàn thành, nhưng Petrovietnam nhận định bối cảnh thị trường đang có nhiều thách thức và có chiều hướng gia tăng, tác động tiêu cực đến sản lượng sản xuất, chỉ tiêu kinh doanh với tất cả các lĩnh vực trong toàn Tập đoàn, do vậy, cần tìm giải pháp vượt khó và chuẩn bị cho đà tăng trưởng 2025.

Với tinh thần đó, nhiều giải pháp nhằm thích ứng với những diễn biến khó khăn thị trường đã được các đơn vị thành viên của Petrovietnam triển khai, như: Liên doanh Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) lên kế hoạch chủ động, tối ưu năng suất, bảo đảm chỉ tiêu về sản lượng, tài chính đề ra; Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), PV Power, Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) tập trung đảm bảo các nhà máy khả dụng tốt, tối ưu chi phí, đẩy mạnh công tác sản xuất đáp ứng tối đa nhu cầu của quốc gia; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tính toán đẩy mạnh chuyển đổi sang sản xuất phân hữu cơ để tránh phụ thuộc vào giá nguyên liệu tăng cao...

4.jpg
Hoạt động trùng tu tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 được đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nhìn nhận, trong 9 tháng năm 2024, mặc dù đã thực hiện tốt các chỉ tiêu pháp lệnh của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng Thành viên giao, với nhiều chỉ tiêu tài chính tăng so với cùng kỳ, nhưng trước bối cảnh đầy thách thức, các khó khăn nổi cộm đã xuất hiện, đòi hỏi sự quyết tâm toàn Tập đoàn để hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 và chuẩn bị đà phát triển cho năm 2025.

Các đơn vị tập trung cao độ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, cắt giảm tối đa các hoạt động không trọng yếu. Đồng thời, các đơn vị chuẩn bị sớm cho kế hoạch 2025 với các kịch bản dự kiến thực hiện, đảm bảo có đủ động lực và khát vọng cho năm tới.

Từ định hướng đó, Tập đoàn cần tiếp tục duy trì công tác quản trị, kiểm soát, giữ vững kế hoạch đã đề ra, kiên định không bàn lùi; tập trung rà soát kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư; tăng cường phân cấp, phân quyền để hỗ trợ, tăng tính chủ động cho các đơn vị; kiểm soát chi phí hiệu quả, đặc biệt các khâu có chi phí lớn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do tác động của thị trường và linh hoạt cân đối tồn kho. Các đơn vị đảm bảo an toàn môi trường, không để xảy ra sự cố dù chỉ nhỏ nhất.

Công tác dự báo cần được làm tốt hơn để tận dụng, nắm bắt cơ hội, nhận diện sớm khó khăn. Về động lực tăng trưởng, các đơn vị tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và đầu tư, chuẩn bị đà cho các năm tiếp theo.

Về lĩnh vực năng lượng mới, Tập đoàn cần hình thành các bộ máy liên quan, chuẩn bị nhân lực, nguồn lực phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, đáp ứng xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Liên quan đến công tác sửa đổi một loạt các bộ luật, các đơn vị chủ động bám sát, rà soát, đóng góp ý kiến vào các dự thảo và xác định đây là cơ sở, là tiền đề để hoàn thành tốt kế hoạch 2025 và tầm nhìn dài hạn.

Vương Nghị