Mục tiêu chung nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5 /2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam; nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.
Rác thải tồn đọng tại Hòn Sơn (xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: 1- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; 2- Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; 3- Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; 4- Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; 5- Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, các bộ ngành, địa phương liên quan sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, năng lượng biển, đặc biệt tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao thuộc 12 huyện đảo và các cấu trúc trên biển có người sinh sống; ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển.