Phân loại cụm thi, trượt chân từ vạch xuất phát?

16/03/2015 07:10
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Từ ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có thể thấy một sự không nhất quán trong chủ trương của Bộ GD&ĐT khi phân biệt cụm thi tỉnh và liên tỉnh.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, [1] chiều 9/3 tại Trụ sở Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi năm nay cả nước sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh (ít nhất 2 tỉnh, thành phố) dành cho các thí sinh thi tốt nghiệp và có nguyện vọng xét tuuyển ĐH, CĐ. 

Số lượng cụm thi tỉnh dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp chưa được nêu trong báo cáo, từ cách gọi tên “Cụm thi tỉnh” có thể dự đoán số lượng cụm thi kiểu này bắt buộc sẽ là 63 (cả nước có 63 tỉnh thành phố trực thuộc TƯ), nếu số lượng cụm thi tỉnh ít hơn 63 thì có nghĩa là sẽ xuất hiện loại cụm thứ 3: “cụm thi tỉnh liên tỉnh”?

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sự bảo đảm công bằng cho thí sinh nghĩa là “dù ở cụm thi tỉnh hay liên tỉnh thì thời gian, đề thi, thanh tra... là như nhau”.

Thông tin nêu trên ngay lập tức được người dân, đặc biệt là truyền thông đón nhận với những suy luận không chính xác như “38 cụm thi đại học: Choáng ngợp trước quy mô kỳ thi” hay “sẽ có 38 cụm thi THPT quốc gia”… Sự không chính xác của một số phát biểu xuất phát từ chính cách thức phân loại của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, muốn được xét tuyển vào CĐ-ĐH thì phải thi tại cụm thi liên tỉnh vì thế các cụm thi này nghiễm nhiên trở thành “cụm thi đại học”. Cần phải thấy rằng  đây là một kỳ thi quốc gia duy nhất mà kết quả của nó dùng để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ-ĐH do vậy không thể nói là chỉ có “38 cụm thi quốc gia”,  lại càng không thể nói “có 38 cụm thi đại học”.

Vì sao lại khẳng định như vậy?

Bộ trưởng Phạm Vũ luận cho biết “ Đến nay đã có 125 trường ĐH-CĐ được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh”. [1]

Phân loại cụm thi khiến nhiều học sinh băn khoăn. Ảnh: Q.Anh
Phân loại cụm thi khiến nhiều học sinh băn khoăn. Ảnh: Q.Anh

Từ ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có thể thấy một sự không nhất quán trong chủ trương của Bộ GD&ĐT khi phân biệt cụm thi tỉnh và liên tỉnh,  có thể sự không nhất quán này là một thay đổi theo hướng tích cực xuất phát  từ yêu cầu của Thủ tướng, rằng “những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chúng ta cũng đều đáp ứng”.

Đến đây có lẽ nên đính chính là sẽ có 38+63=101 cụm thi đại học chứ không phải chỉ là 38.

Chính sự phân loại cụm thi như đã nêu, một cách tự nhiên sẽ kéo theo sự phân loại thí sinh và nhận thức về mức độ quan trọng của kỳ thi tại mỗi loại cụm.

Như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Từ nay cho đến trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tiếp thu, điều chỉnh các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội”.

Có hai vấn đề nêu lên bây giờ tuy đã muộn song sẽ cần thiết để Bộ GD&ĐT xem xét trong tương lai, tránh nảy sinh những vấn đề tiêu cực cả từ phía thí sinh lẫn phía nhà tổ chức.

Về phía cơ quan tổ chức kỳ thi, có mấy điều cần bàn luận.

Thứ nhất, dù phân loại cụm thi với mục đích rõ ràng là “có hoặc không có” nguyện vọng xét tuyển CĐ-ĐH nhưng Bộ GD&ĐT lại đồng ý cho 125 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh bằng cách sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả hai loại cụm nên ngay từ đầu tiêu chí phân loại đã không được tôn trọng. Có thể nói đây là bước trượt chân ngay tại vạch xuất phát, việc phân loại cụm thi trở nên không cần thiết.

Thứ hai, như đã nêu số lượng cụm thi có thể sẽ là 101, nghĩa là sẽ có vài chục tỉnh thành có hai loại cụm thi, liệu có thể xảy ra chuyện các địa phương dành ưu tiên “đặc biệt” về cơ sở vật chất, nhân lực cho cụm tỉnh mà lơ là cụm liên tỉnh? Câu hỏi này cần được quan tâm thích đáng vì lẽ cụm tỉnh là dành riêng cho “con em trong nhà”, tỷ lệ đỗ cao phản ánh chất lượng giáo dục tại địa phương và cũng tạo điều kiện cho thí sinh được xét tuyển vào CĐ-ĐH nên khó có chuyện địa phương không “tất cả vì con em trong tỉnh”!

Phân loại cụm thi, trượt chân từ vạch xuất phát? ảnh 2Kỳ thi quốc gia: Đang có nhiều điểm gây ngờ vực cho xã hội

(GDVN) - Nhiều băn khoăn trước thềm một kỳ thi quốc gia chung, những băn khoăn này sẽ được tháo gỡ như thế nào?

Nói tới điều này bây giờ là hơi sớm, nhưng kinh nghiệm coi thi đại học tại địa phương mấy chục năm trước cho thấy, dù chính quyền địa phương tổ chức khá chu đáo. Tuy nhiên kết thúc kỳ thi, khi giám thị trở về trường, một số địa phương phải cho xe cảnh sát vũ trang hộ tống xe chở giám thị ra khỏi địa bàn tỉnh đề đề phòng “đá bay lạc”, đây là nói tới những nơi cán bộ coi thi nghiêm túc, kiên quyết ngăn chặn các hành vi tiêu cực từ phía phụ huynh, thí sinh và cả từ một số cán bộ cơ sở được cử tham gia tại các điểm thi. Thiết nghĩ năm nay bên cạch việc bảo đảm an toàn cho kỳ thi, giữ an toàn thân thể cho cán bộ tham gia tại các điểm thi cần phải được quan tâm đúng mức.

Thứ ba, giám thị làm nhiệm vụ coi thi tại cụm tỉnh do Sở GD&ĐT quản  dễ xuất hiện tâm lý  “nhẹ nhàng” cho qua “để các cháu còn đi xin việc làm” trong khi thực chất thí sinh thi tại cụm này vẫn được xét tuyển CĐ-ĐH. Tâm lý buông lỏng cho thí sinh làm được bài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trước hết là sự không công bằng đối với thí sinh dự thi, dễ tạo nên một lớp thí sinh “đỗ oan” theo cách nói của nhà giáo Văn Như Cương. Hệ quả mà lớp thí sinh “đỗ oan” này mang lại là sẽ có một lớp sinh viên “đỗ vét” và đương nhiên nó đến từ những trường “tát vét” chỉ với mục đích cho đủ chỉ tiêu đã đăng ký.

Thứ tư, dù Bộ GD&ĐT đã quy định các phương án tuyển sinh của các trường CĐ-ĐH phải có ngưỡng để đảm bảo chất lượng nhưng lấy gì đảm bảo “ngưỡng” nếu tại các cụm thi “nội tỉnh” lại hoàn toàn do địa phương chủ trì. Tỷ lệ đỗ gần 100% những năm qua chẳng lẽ không phản ảnh chất lượng kỳ thi do  các Sở GD&ĐT quản lý?

Điều có thể dự đoán là số thí sinh trượt kỳ thi quốc gia sẽ không nhiều như kỳ thi CĐ-ĐH trước đây, nghĩa là nguồn tuyển sinh sẽ “rộng mở” với các trường tốp dưới. Dù thí sinh cụm tỉnh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng 125 trường lại được phép tuyển nên có thể sẽ lặp lại tình trạng một thí sinh nhận được hàng chục “thư mời” nhập học, kèm theo đó là các “chiêu trò” lôi kéo thí sinh mà báo chí đã đề cập, trong bối cảnh đó tình trạng nhiễu thông tin và số liệu ảo là khó tránh khỏi.

Thứ năm, vấn đề được nhiều người quan tâm là các điểm thành phần đưa vào công thức tính điểm tốt nghiệp, việc chỉ đưa vào điểm học tập lớp 12 có thể xem là một bước lùi mang hơi hướng của bệnh thành tích, cần lấy điểm bình quân của cả chương trình bậc THPT mới bắt buộc giáo viên dạy các lớp 10, 11 phải chú ý chất lượng giảng dạy cũng như học sinh phải chịu khó học tập, hay như việc chỉ chọn 3 môn bắt buộc còn lại là tự chọn sẽ kéo theo việc học lệch, học với mục đích thi hơn là tiếp thu kiến thức. Việc để môn Lịch sử là môn tự chọn sẽ dẫn tới hậu quả nhiều năm sau không thể khắc phục, tạo ra một lớp học sinh, sinh viên không hiểu lịch sử dân tộc cần phải xem là tội lỗi chứ không phải chỉ là những khiếm khuyết nhất thời.

Phân loại cụm thi, trượt chân từ vạch xuất phát? ảnh 3Kỷ niệm những kỳ thi "tiêu cực" và mong ước thầy cô ở kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Nhiều giáo viên bây giờ "sợ" đi coi thi tốt nghiệp THPT, vì không muốn chứng kiến cảnh bát nháo, tiêu cực. Các thầy cô giáo mong muốn thi cử diễn ra nghiêm túc

Nếu việc tuyển sinh năm nay gặp khó khăn với các trường tốp 300 (cụm thi liên tỉnh), liệu có chế tài nào nghiêm cấm họ không được tuyển sinh với thí sinh cụm tỉnh? Nếu có chế tài cấm thì việc đó có đảm bảo công bằng giữa các trường và quyền tự chủ của các trường?

Về “ngưỡng để đảm bảo chất lượng” như Bộ GD&ĐT khẳng định, có cơ sở để cho rằng một vài bộ phận chức năng của Bộ GD&ĐT chưa đủ “tâm lực” để có thể giám sát nghiêm túc việc tuyển sinh của các trường. Điều này có thể thấy qua việc Bộ GD&ĐT duyệt cho một số trường tự chủ tuyển sinh khi nhà trường hoàn toàn không đáp ứng những quy định tối thiểu. 

Bài viết có tựa đề “Không đảm bảo chất lượng, vẫn tự chủ tuyển sinh”  trên Thanhnien.com.vn ngày 19/4/2014 đã chỉ ra thực trạng này. [2] Một ví dụ khác có thể nêu để minh chứng cho nhận định trên là về Thanh tra Bộ GD&ĐT, cùng một đơn tố cáo, Thanh tra Bộ kết luận người tố cáo sai nhưng sau đó, trong khi kết luận “phúc tra”  do Thứ trưởng ký thì lại cho rằng người tố cáo là đúng? [3], [4]

Về phía thí sinh: ngoại trừ số học sinh năng lực khá giỏi có nguyện vọng vào các trường đầu bảng như Y, Dược, ĐH Quốc gia… liệu có tình trạng dồn về cụm thi tỉnh, vừa “dễ thở” lại vẫn có thể vào CĐ-ĐH? Là phụ huynh, người viết sẽ khuyên con cháu đăng ký thi ở cụm tỉnh, vừa tránh được chuyện (có thể) phải sang tỉnh khác vừa yên tâm vì ở gần “người nhà”, lại vẫn có quyền chọn 1 trong 125 trường CĐ-ĐH  đã được Bộ GD&ĐT cho phép.

Vấn đề cuối liên quan đến khía cạnh kỹ thuật, như tin đã đưa, [5] VNPT cùng một số đối tác (Nguyễn Kim, Sơn Ca, Questek Việt Nam…) đã lên kế hoạch lắp đặt miễn phí 20.000 camera cho các trường mầm non, mẫu giáo trên phạm vi cả nước. Phụ huynh có thể theo dõi con em tại trường qua smatphone,  smart Tivi, máy tính bảng…

Từ số liệu thống kê năm 2014, giả thiết năm 2015 có 1.200.000 thí sinh dự thi, theo quy định mỗi phòng thi tối đa là 40 thí sinh, lấy bình quân là 35 người thì có gần 40.000 phòng thi. Việc lắp camerra theo dõi tại mỗi phòng thi ngay từ năm nay là không thể nhưng Bộ GD&ĐT có cần dự kiến kế hoạch cho các năm tiếp theo? Không thể chỉ dựa vào sự tự giác của thí sinh và giám thị, muốn tránh những sự cố không mong muốn, việc sử dụng công cụ kỹ thuật hỗ trợ là rất cần thiết.

Năm đầu tiên thực hiện kỳ thi quốc gia không thể tránh khỏi những điều bất cập, lường trước để có biện pháp xử lý tại chỗ và khắc phục trong tương lai là điều một mình ngành Giáo dục không thể làm hết. Điều quan trọng là động viên nguồn lực xã hội hóa và biết lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời thay đổi các chủ trương không phù hợp.

Một trong các quy định cần bỏ là cách chia hai loại cụm thi như hiện nay, thi ở cụm nào cũng được xét tuyển vào CĐ-ĐH mà vẫn cứ chia cụm là việc làm không logic. Trong khi cả nước có tới 425 trường CĐ-ĐH, nếu giao cho các trường này chủ trì thì bình quân mỗi tỉnh có 7 trường, đội ngũ cán bộ giảng viên các trường này thừa sức bảo đảm nguồn nhân lực cho kỳ thi,  không nhất thiết phải dành phần lớn (63 cụm) cho địa phương chủ trì.

Việc tạo ra 38 cụm thi liên tỉnh thực ra vẫn là hình thức bao cấp cho các trường vốn không thích tự chủ, vốn quen với cách thức dựa dẫm. Thay đổi tư duy của một bộ phận không nhỏ quan chức các trường CĐ-ĐH và ngành Giáo dục là nên được xem là nhiệm vụ hàng đầu.

Với quyết tâm của Đảng, Chính phủ, của toàn ngành Giáo dục, hy vọng bước đột phá về thi cử trong tiến trình đổi mới toàn diện giáo dục sẽ đạt được kết quả mong đợi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-hop-ve-to-chuc-ky-thi-chung-tot-nghiep-PTTH-va-tuyen-sinh-DH-CD-2015/20153/15435.vgp

[2]http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-dam-bao-chat-luong-van-tu-chu-tuyen-sinh-82543.html

[3] http://www.giaoducvietnam.vn/Goc-nhin/Thoi-cong-quyen-post156055.gd

[4] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/158767/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao--chui--.html

[5] http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=942&id=509799

Đến nay đã có 125 trường đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh.

Việc thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển các trường đại học, cao đẳng giúp các em có nhiều cơ hội hơn, và chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình. 

Các phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đều có ngưỡng để đảm bảo chất lượng. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật công bố công khai trên mạng.

Đến nay đã có 125 trường đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh (vốn dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp) và cụm thi liên tỉnh; 300 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh.

Việc thí sinh sau khi biết kết quả mới đăng ký xét tuyển các trường đại học, cao đẳng giúp các em có nhiều cơ hội hơn, và chủ động lựa chọn những khoa, ngành phù hợp với năng lực, sở thích của mình. 

Các phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đều có ngưỡng để đảm bảo chất lượng. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật công bố công khai trên mạng.

XUÂN DƯƠNG