The Straits Times ngày 9/11 đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chúc mừng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, sau khi ông trùm bất động sản đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong một cuộc bầu cử đầy kịch tính.
Viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm thứ Tư, ông Lý Hiển Long cho hay:
"Xin chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump! Quá trình tranh cử của ông ấy gây ra rất nhiều bất ngờ. Ở mỗi giai đoạn ông đều thách thức mọi sự mong đợi, cuộc hành trình cuối cùng đã đưa ông vào Nhà Trắng.
Đây là một cuộc bầu cử tranh cãi gây chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Mỹ. Nhiều người sẽ ăn mừng kết quả này, trong khi những người khác vô cùng kinh ngạc và thất vọng.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ảnh: The Straits Times. |
Nhưng cũng giống như cuộc trưng cầu Brexit diễn ra trong tháng Sáu, chiến thắng của ông Donald Trump là một phần của mô hình rộng lớn hơn tại các quốc gia phát triển.
Nó phản ánh một sự thất vọng sâu sắc với hiện trạng và một mong muốn mạnh mẽ để tái khẳng định bản sắc, bằng cách nào đó để thay đổi hiện trạng.
Cử tri Mỹ đã bầu ra một Tổng thống mà họ cảm thấy tốt nhất để đại diện cho họ. Singapore hoàn toàn tôn trọng quyết định của người dân Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng với Mỹ để củng cố quan hệ song phương." [1]
Ngày 10/11, The Straits Times dẫn nguồn tin Reuters cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump và tuyên bố, ông sẽ ngừng tranh cãi với Mỹ như những gì đã xảy ra với chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama.
"Chúng tôi thề rằng, ngay cả với những vấn đề tầm thường chúng tôi nguyền rủa, tôi phải dừng lại nó vì Trump đã ở đây. Tôi không muốn tranh cãi nữa, vì Trump đã chiến thắng", Rodrigo Duterte nói.
Tháng trước, Donald Trump nói với Reuters rằng, Philippines có vị trí chiến lược rất quan trọng, phát biểu của ông Rodrigo Duterte muốn "nước ngoài rút quân khỏi lãnh thổ Philippines" cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với Hoa Kỳ.
Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc Teddy Locsin Jr bình luận, Donald Trump và Rodrigo Duterte có một vài điểm tương đồng:
"Tôi nhớ có lần Trump nói: Tôi sẽ không nói chuyện như thế này sau khi tôi trở thành Tổng thống. Tôi cũng nhớ là ai đó đã nói điều tương tự." [2]
Còn theo CNN ngày 10/11, ông Rodrigo Duterte nói về Donald Trump: "Cả hai chúng tôi hay chửi thề, dù là một điều nhỏ bé chúng tôi cũng nguyền rủa ngay lập tức. Chúng tôi giống nhau."
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay, ông Duterte đã đồng ý tiếp tục các hoạt động huấn luyện, tập trận chung hàng năm với quân đội Mỹ. [3]
Mặt Trời vẫn mọc vào buổi sáng |
Từ Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã nhanh chóng chúc mừng Donald Trump qua một thông báo đưa lên Facebook, theo The Cambodia Daily ngày 10/11:
"Trong thời điểm này các cử tri Mỹ đã cho thấy sự lựa chọn của mình để bầu ngài làm người đại diện cho họ, tương tự như sự ủng hộ của tôi đối với việc ngài ra tranh cử là không sai."
Trong lá thư chính thức gửi đến Donald Trump, Hun Sen cho biết ông hy vọng sẽ cùng nỗ lực để "củng cố sự nghiệp vĩ đại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của tất cả các dân tộc."
Mới tuần trước, lãnh đạo phe đối lập Campuchia đang sống lưu vong tại Paris, ông Sam Rainsy còn mỉa mai: Donald Trump và Hun Sen có thể là "anh em họ về chính trị":
"Trump dường như tin vào sức mạnh tuyệt đối của tiền bạc, còn Hun Sen dường như tin tưởng vào sức mạnh tuyệt đối của súng và tiền bạc. Trump và Hun Sen chắc chắn không phải là dân chủ."
Tuy nhiên hôm qua Same Rainsy đã thay đổi thái độ hoàn toàn, quay sang chúc mừng Donald Trump:
"Tôi tin rằng sẽ không có sự thay đổi trong lập trường và chính sách của Mỹ đối với Campuchia vốn đang tiếp tục thiếu tôn trọng nghiêm trọng đối với nhân quyền, dân chủ, công lý và luật pháp."
Người phát ngôn đảng CPP cầm quyền Sok Eysan được The Cambodia Daily dẫn lời nói rằng:
"Chúng tôi không chắc chắn về chính sách của Donald Trump sẽ như thế nào, nhưng ông được biết đến như một doanh nhân hơn là một chính trị gia.
Sam Rainsy đã nói Donald Trump là một kẻ độc tài, nhưng đảng đối lập CNRP vẫn phải dựa vào Mỹ. Không biết họ sẽ tiếp tục dựa Mỹ thế nào khi ông Rainsy gọi Tổng thống của họ là một kẻ độc tài?"
Ou Virak, một nhà bình luận Campuchia cho hay, đất nước Chùa Tháp không phải đối tượng quan trọng trong chiến lược của Washington, nên quan hệ hai nước ít có khả năng thay đổi trong nhiệm kỳ của Trump.
Tuy nhiên chính sách của Donald Trump đối với Đông Nam Á thì có thể thay đổi và khó dự đoán.
Một số nghị sĩ đối lập CNRP nói rằng, họ ủng hộ bà Hillary Clinton, nhưng chấp nhận sự lựa chọn của người dân Mỹ. Họ đang chờ đợi xem chính sách của ông Donald Trump với Campuchia và ASEAN sẽ như thế nào. [4]
Tài liệu tham khảo:
[3]http://edition.cnn.com/2016/11/10/asia/duterte-trump-military-exercises/
[4]https://www.cambodiadaily.com/news/trump-wins-mean-cambodia-120403/