Phát hiện hóa thạch tê giác có lông ở Tây Tạng

05/09/2011 08:36
Theo Huy Lê (Vietnam+)
Theo bài báo đăng trên tạp chí Khoa học ngày 2/9, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hóa thạch của một con tê giác có lông ở Cao nguyên Tây Tạng.

Đây được cho là mẫu vật cổ nhất thuộc loài này, chứng tỏ một số loài động vật có vú khổng lồ đã tiến hóa trước tiên ở Tây Tạng ngày nay trước khi bắt đầu Kỷ Băng hà.


Con vật nói trên sinh sống cách đây 3,6 triệu năm, rất lâu trước khi những con thú tương tự có mặt trên các lục địa Á Âu trong Kỷ Băng hà.

Loài thú đã tuyệt chủng này đã phát triển những kỹ năng thích nghi đặc biệt, cào tuyết để tìm rau bằng việc sử dụng chiếc sừng dẹt. Đây là một hành vi sinh tồn hữu ích trong khu vực Tây Tạng có khí hậu khắc nghiệt.

Những con tê giác này sinh sống vào thời điểm khí hậu Trái Đất ấm hơn nhiều và các lục địa phía Bắc không có những tảng băng khổng lồ như ở Kỷ Băng hà sau đó.

Khi bước vào Kỷ Băng hà khoảng 2,6 triệu năm trước, các con tê giác ưa lạnh này đã di chuyển xuống từ các ngọn núi cao và bắt đầu mở rộng địa bàn sinh sống ra khắp Bắc Á và châu Âu.

Ông Xiaoming Wang thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Los Angeles khẳng định: “Đây là mẫu vật cổ xưa nhất từng được phát hiện cho đến nay. Nó xuất hiện sớm hơn ít nhất 1 triệu năm so với bất cứ loài tê giác có lông nào mà chúng ta biết đến. Bộ hóa thạch này được bảo quản khá nguyên vẹn và chỉ bị dập đôi chút. Toàn bộ xương đầu và hàm dưới được giữ nguyên.”

Nhóm khảo cổ cho rằng phát hiện về hóa thạch con tê giác cổ đại nói trên ủng hộ giả thuyết cho rằng các vùng đồi thấp băng giá dưới chân dãy núi Himalaya thuộc Tây Tạng từng là cái nôi tiến hóa của những loài thú khổng lồ Kỷ Băng hà.
Theo Huy Lê (Vietnam+)