Philippines tương kế tựu kế hóa giải áp lực “gác tranh chấp, cùng khai thác”

16/02/2018 07:00
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Trung Quốc ép "gác tranh chấp, cùng khai thác" thì Philippines cũng chiều bằng cách, cứ ngồi xuống với nhau cái đã, sau đó giở UNCLOS 1982 để xác định phạm vi.

Tiếp theo bài trước "Tính toán thực sự của Washington ở Biển Đông qua góc nhìn các tướng Mỹ".

Trái ngược với sự lúng túng và thiếu hụt đòn bẩy chiến lược của Mỹ ở Biển Đông, Trung Quốc có ý đồ lâu dài, kế hoạch cụ thể để tìm cách độc chiếm Biển Đông.

Kể từ 2009 khi Trung Quốc nộp yêu sách “đường lưỡi bò” lên Liên Hợp Quốc, họ bắt đầu triển khai chiến lược độc chiếm Biển Đông. Tháng 4/2012 chiếm Scarborough, từ đó đến nay họ không ngừng mở rộng kiểm soát và hiện diện quân sự trên Biển Đông.

Chính quyền Barack Obama đã không làm gì ngoài những phản đối bằng lời và một vài chuyến tuần tra dưới danh nghĩa thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông không ngăn được bước chân Trung Quốc. Ảnh minh họa: The National Interest.
Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông không ngăn được bước chân Trung Quốc. Ảnh minh họa: The National Interest.

Điều này đã dẫn đến việc Trung Quốc nhận định Mỹ sẽ không can thiệp vào Biển Đông, nên tăng tốc xây dựng và quân sự hóa các cấu trúc họ đang chiếm đóng trái phép.

Trạng thái “bình thường mới” thay đổi căn bản cục diện Biển Đông

Các pháo đài quân sự Trung Quốc dựng lên ở Trường Sa, Hoàng Sa đã làm thay đổi căn bản cục diện chiến lược ở Biển Đông. 

Ngoài những vị trí đồn trú và hậu cần cho lực lượng quân sự, hải cảnh, tàu cá Trung Quốc, các căn cứ mới ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi có thể gây rắc rối lớn cho Mỹ nếu Mỹ định hỗ trợ 1 đồng minh hay đối tác nào đó trong khu vực về mặt quân sự, khi xảy ra khủng hoảng. 

Những vũ khí tối tân cũng đã được Trung Quốc huy động xuống Biển Đông, từ Su-35 mới mua của Nga, J-20 mới chế tạo, cho đến tàu ngầm, tên lửa.

Ngoài ra, trong năm 2017 Trung Quốc cũng tập trung phát triển nhiều công nghệ quân - dân dụng tập trung vào Biển Đông: khai thác băng cháy, điện hạt nhân mini, vệ tinh do thám, tàu ngầm không người lái...

Với những hoạt động quân sự hóa nói trên, Trung Quốc có thể kiểm soát, khống chế được Biển Đông mà mục tiêu chủ yếu là khống chế được tuyến hàng hải huyết mạch rất trọng yếu, uy hiếp nhiều quốc gia và có thể thay đổi cục diện chiến lược toàn cầu.

Sau Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực thúc đẩy nhiều hoạt động thúc ép từng quốc gia ven Biển Đông, chia rẽ ASEAN và ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Các nước ASEAN đang đứng trước ngã rẽ, vừa muốn Mỹ tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng để cân bằng lại Trung Quốc, vừa chịu áp lực từ Trung Quốc trong việc "chọn bên". 

Xu hướng các tranh chấp pháp lý ở Biển Đông đang bị chính trị hóa, diễn biến thành cạnh tranh địa- chiến lược, buộc các nước nhỏ chọn bên, hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc, đang ngày một nổi bật.

Năm Mậu Tuất sẽ có nhiều màn quyến rũ lẫn gây sức ép “gác tranh chấp, cùng khai thác”

South China Morning Post ngày 14/2 đưa tin, ngày 13/2 Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp tham vấn song phương về Biển Đông cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 2 tại Manila.

Tuyên bố chung sau cuộc họp cho biết, cả hai nước khẳng định các tranh chấp biển ở Biển Đông không phải bao gồm tất cả mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.

Hai bên đã thảo luận sâu về việc triệu tập các nhóm công tác về dầu khí, thủy sản, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. 

Tuyên bố chung nói rằng, Trung Quốc và Philippines có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này mà không ảnh hưởng đến yêu sách tương ứng của mỗi bên về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Cuộc họp diễn ra chỉ 1 tuần sau khi báo Philippines Daily Inquirer công bố các bức ảnh mới nhất về các pháo đài quân sự Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam, quần đảo bị một số nước nhảy vào tranh chấp).

Tuyên bố không nhắc đến các đảo nhân tạo, các hoạt động quân sự ở Biển Đông, nhưng nhấn mạnh hai bên đã đồng ý tiếp tục thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Zhang Jie, một chuyên gia về Đông Nam Á, từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng nỗ lực thăm dò dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines sẽ vẫn dừng lại ở tính biểu tượng, ví dụ như lập một nhóm các nhà nghiên cứu chung đánh giá trữ lượng, vị trí các mỏ.

Hai bên đã từng thảo luận về thăm dò khai thác chung trong nhiều năm nhưng rất ít tiến triển vì có quá nhiều khó khăn, như tỉ lệ góp vốn, cách thành lập công ty chung và làm sao để phân chia lợi nhuận…

Thực tế luật pháp Philippines cấm bất kỳ nước nào khai thác năng lượng trong vùng biển họ yêu sách.

Clarita Carlos, một giáo sư chính trị học Đại học Philippines cho biết, bây giờ Manila rất quan tâm đến ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch và Philippines không có động lực mạnh mẽ để khai thác dầu ở các vùng biển tranh chấp. [1]

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, ảnh: Philippines Daily Inquirer.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, ảnh: Philippines Daily Inquirer.

Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm thứ Tư 14/2 cam kết, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không lay chuyển trong việc bảo vệ các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình, trong khi tiếp tục các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông.

Cơ chế tham vấn song phương Philippines - Trung Quốc về Biển Đông là nơi giải quyết những bất đồng một cách thân thiện, phía Philippines đưa ra các tuyên bố chủ quyền, các vấn đề về quyền chủ quyền, và thảo luận cách quản lý, ngăn ngừa sự cố trên biển.

"Chúng ta đang không ở trong một trận đấu với Trung Quốc, hoặc tranh luận công khai, nhưng điều đó không có nghĩa là các vấn đề không được giải quyết dứt khoát. Ngược lại, chúng tôi không chỉ nỗ lực đâu, mà còn làm mọi việc có thể", Ngoại trưởng Philippines nói.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines được truyền thông dẫn lời cho hay, Chính phủ Philippines bác bỏ các tên gọi Trung Quốc đặt cho các cấu trúc địa lý dưới đáy biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không tranh cãi của Philippines ở bờ biển phía Đông nước này.

Ông Harry Roque nói rằng, Manila đã bày tỏ mối quan ngại với Bắc Kinh về việc Trung Quốc đặt tên cho các cấu trúc địa lý dưới đáy biển ở rãnh Benham qua thông báo chính thức cho cơ quan thủy văn quốc tế.

Philippines tương kế tựu kế hóa giải áp lực “gác tranh chấp, cùng khai thác”  ảnh 4

Mỹ "chấm" Indonesia - Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc lộ bài ứng phó

Trung Quốc đề xuất tên gọi cho các cấu trúc địa lý chìm này trong năm 2015 và 2017.

Thông tin liên quan đến nội dung trong và ngoài cuộc họp tham vấn cấp Thứ trưởng Ngoại giao song phương Philippines - Trung Quốc đã phản ánh sụ khác biệt về lập trường nguyên tắc của mỗi bên đối với các yêu sách có liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. 

Philippines kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo quy định của UNCLOS1982, đặc biệt là các thực thể địa lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, như bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang chiếm đóng và thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa là bộ phận “lãnh thổ” của Trung Quốc. 

Trong khi đó Trung Quốc luôn luôn áp dụng mọi thủ đoạn để hợp thức hóa tham vọng biến các bãi cạn thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines thanh “lãnh thổ” thuộc “chủ quyền” của mình. 

Các thỏa thuận hợp tác được nêu ra trong các cuộc họp tham vấn song phương nói trên cũng không nằm ngoài những tính toán của họ. 

Tất nhiên, Philippines thừa hiểu âm mưu của Trung Quốc. Vì vậy, không bao giờ mắc bẫy do Trung Quốc giăng ra;

Manila không thể đồng ý “hợp tác khai thác chung” trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Philippines mà Trung Quốc muốn “biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp”…

Ngồi xuống với nhau thì cứ ngồi, nhưng sẽ không đi đến đâu. Phải chăng đây là cách Philippines tương kế tựu kế để vô hiệu hóa sức ép từ Bắc Kinh? Bởi Philippines không từ chối đàm phán, nhưng mọi vấn đề đàm phán phải đặt trong khuôn khổ pháp lý là quy định UNCLOS 1982.

Nếu không, phán quyết Trọng tài sẽ bị thủ tiêu. Nếu giữ vững lập trường này, phán quyết trọng tài sẽ được thực thi trong thực tế.

Và như vậy thì yêu sách “lưỡi bò”, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì, thì sẽ lả một rào cản khó lòng vượt qua được đối với các cuộc thương thảo ngoại giao, cho dù được tô điểm bởi những ngôn từ mỹ miều nhất và được bôi trơn bằng những dự án kinh tế, kỹ thuật béo bở nhất…

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2133327/china-philippines-talks-silent-militarisation-south

[2]https://globalnation.inquirer.net/164185/cayetano-administration-unwavering-duty-protect-ph-sea-claims

[3]https://www.sunherald.com/news/business/article199996769.html

Tiến sĩ Trần Công Trục