Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương bị tố "dính" nhiều sai phạm

27/09/2012 15:40
Bá Ước
(GDVN) - Sự việc ông Nguyễn Vinh Quang – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và có liên quan trong một vụ án đã được Công an quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng khởi tố, ông này lại được giao cho làm Trưởng ban quản lý Dự án hoạt động Phòng chống bệnh đái tháo đường đang gây bức xúc trong dư luận.
Đã từng “bao che” mà không được. Những chuyện tiêu cực của lãnh đạo Bệnh viện nội tiết bị tố cáo, đã được Thanh tra Bộ Y tế kết luận trong văn bản số 101/BC-TTrB ngày 10/10/2011. Nhưng trong nội dung được nêu tại bản kết luận thanh tra này chỉ hướng đến mục tiêu bao che cho ông Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Vinh Quang cùng một số đối tượng đồng lõa gây ra những vụ việc vi phạm pháp luật ở đây. Năm 2010, ông Nguyễn Vinh Quang khi đó là Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách dự án phòng bệnh (sau này kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc Trung tâm Đào tạo, chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Nội tiết) đã lập kế hoạch tập huấn để tạo dựng mạng lưới tuyên truyền viên phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt ở tỉnh Ninh Bình, TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.
Bệnh viện nội tiết Trung ương
Bệnh viện nội tiết Trung ương
Theo kế hoạch, tổng chi phí cho ba lớp tập huấn gần 270 triệu đồng. Năm 2011, dự án triển khai tiếp ba lớp tương tự như năm 2010 ở Quảng Bình, Hà Nam, Bến Tre với số tiền 157 triệu đồng và nhiều lớp khác về phòng chống bệnh đái tháo đường. Theo kết luận thanh tra thì ở Hải Phòng, nhóm tổ chức lớp tập huấn đã mời các cán bộ không hưởng lương của huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tập trung về Trung tâm Y tế quận Dương Kinh vào hai ngày 22 và 23/11/2010; TP Hồ Chí Minh tập huấn cho cán bộ huyện Củ Chi ở… Nhà hàng Ẩm thực Thanh Đa, quận Bình Thạnh vào ngày 30/11 và 1/12/2010. Đối tượng dự học mỗi tỉnh là 60 người, mỗi xã hai cán bộ Hội Phụ nữ, hai cán bộ Đoàn Thanh niên, một cán bộ Cựu chiến binh, một cán bộ Hội Nông dân… là có căn cứ. Theo các chứng từ thanh toán các lớp học được ông Nguyễn Vinh Quang phê duyệt thì 60 học viên lớp tập huấn Hải Phòng đều ký nhận vào phần nhận tiền với các khoản như tiền ăn, tiền ngủ… Tiền cho 60 học viên mỗi người là 700.000 đồng tiền ngủ, 300.000 đồng tiền ăn, tổng cộng 1 triệu đồng/học viên. Tổng chi cho lớp tập huấn Tiên Lãng là 75 triệu đồng, Củ Chi hết 86 triệu đồng. Tuy nhiên, tìm theo danh sách các học viên lớp tập huấn phòng bệnh tuyến giáp, có ký nhận tiền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, thì tất cả Trưởng Công an các xã có học viên trong danh sách đều ngạc nhiên và khẳng định không có những cán bộ các đoàn thể mang tên như thế. Các xã Tiên Cường, Kiến Thiết, Đại Thắng, Quyết Tiến, Tự Cường, Khởi Nghĩa, Tiên Tiến… đều xác nhận các học viên được ghi là cán bộ của xã đều “không đăng ký thường trú và không ăn ở tại địa phương” và các xã trên và huyện Tiên Lãng đều không hề biết về lớp tập huấn này. Xác minh tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh theo danh sách cũng đều có kết quả như Tiên Lãng, Hải Phòng, nghĩa là danh sách ảo. Ví dụ ở xã Bình Mỹ, ông Phạm Văn Tòng, Phó Chủ tịch UBND xã khi xem danh sách đã nói ngay là “xã Bình Mỹ không ai có tên như vậy”. Cán bộ y tế xã Bình Mỹ nói, nếu có chương trình tập huấn như thế này, thông thường đầu mối tổ chức cho các tuyên truyền viên tham gia lớp tập huấn là y tế xã, nhưng y tế của xã không hề nhận được thông báo nào về việc tập huấn bệnh lý tuyến giáp vào năm 2010. Ông Huỳnh Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho rằng, danh sách cán bộ xã, ấp “đếm trên đều ngón tay”, nên xác định được ngay là không ai có tên giống trong danh sách. Các cán bộ Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đều khẳng định những người trong danh sách mà Bệnh viện Nội tiết trung ương liệt kê ra để chi tiền đều không có ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Đức, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ ngạc nhiên: “Các tên cán bộ trong danh sách tập huấn thấy rất lạ. Không ai là cán bộ của xã cả”… Xác minh ở các xã Trung An, Phước Hiệp, An Nhơn Tây đều có chung kết quả như vậy. Còn ở tại 8 xã ở huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, danh sách lớp tập huấn truyền thông phòng, chống thiếu muối iốt, bướu cổ cho cán bộ không hưởng lương ngày 6 và 7/10/2011 có nhiều trường hợp xác nhận: Không tham gia lớp học, không nhận bất kỳ khoản tiền nào. Chữ ký trên bảng danh sách là giả...
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)
Cũng từ lý do nêu trên, riêng vụ việc mở lớp học ảo tại Hải Phòng đã bị Công an Quận Dương Kinh thành phố Hải Phòng ra quyết định khởi tố về tội danh tham ô tài sản. Các lớp học khác Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham những đang tiếp tục xác minh để chỉ đạo xử lý.Bao che cả chuyện “lem nhem” tiền ngân sách? Từ ngày 11/1/2010 đến ngày 25/1/2010, khoa Điều trị tự nguyện Bệnh viện Nội tiết Trung ương có hồ sơ theo dõi điều trị nội trú của bệnh nhân mang tên Nguyễn Vinh Quang, 52 tuổi. Nơi khám chữa bệnh ban đầu là Bênh viện Giao thông Vận tải I, với mã số vào viện là 10163214, chẩn đoán ban đầu là viêm khớp phản ứng. Trên phiếu theo dõi điều trị nội trú, các xét nghiệm cũng như thuốc điều trị đều xác định ông Quang mắc chứng bệnh viêm khớp phản ứng. Quá trình điều trị, ông Quang được bảo hiểm y tế thanh toán 1.601.561đồng. Nếu chỉ là bệnh nhân bị mắc chứng viêm khớp phản ứng, sau khi ra viện ông Quang phải quay trở về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để khám và điều trị, nếu có tái phát hoặc phát sinh bệnh mới. Nhưng với tư cách là Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông Quang đã có hồ sơ khám chữa bệnh ngoại trú với chẩn đoán “Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin” ở chính Bênh viện Nội tiết Trung ương. Với chẩn đoán này, hằng tháng ông Quang được hưởng số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tại chính bệnh viện mà ông Quang là người phụ trách. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ở mức nặng tại thời điểm đó được bảo hiểm y tế chi trả khoảng 800.000đ/tháng. Vậy mà liên tục trong các tờ đơn cấp thuốc cho ông Quang, bệnh nhân này được cấp loại thuốc đặc trị có giá trị mỗi đơn thuốc lên tới cả triệu đồng/đơn. Theo kết quả xét nghiệm và cách thức điều trị tại thời điểm ông Quang nằm viện thì ông Quang không hề bị bệnh đái tháo đường (tiêu chuẩn WHO, ADA) và thực tế ông này không hề mắc chứng bệnh này, vậy mà ông vẫn “đang tâm” lấy tiêu chuẩn thuốc của những người bệnh nghèo mà ông có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc. Được biết, trong quá trình thực hiện dự án Đái tháo đường quốc gia, với tư cách Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông Quang đã phê duyệt và chọn Công ty Cổ phần Đầu tư và truyền thông Sen Việt trúng thầu in ấn và treo 150 băng rôn tuyên truyền nhân Ngày Phòng chống đái tháo đường thế giới 14.11. Đúng ngày kỷ niệm, Giám đốc Bệnh viện đi kiểm tra thì phát hiện chỉ treo có 46 tấm băng rôn được treo, nên đã lập biên bản. Nếu vụ việc không được phát hiện, ngân sách dự án đã lại bị ông Quang và thuộc cấp làm thất thoát 46,8 triệu đồng. Trước đó, năm 2009, cũng tại dự án phòng, chống đái tháo đường - ngay khi dự án bắt đầu thực hiện, ông Quang đã làm thủ tục thanh toán hơn 58 triệu đồng tiền in cuốn sách “Hướng dẫn sàng lọc bệnh đái tháo đường”, do ông Quang làm chủ biên. Số tiền trên bị Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, phát hiện và yêu cầu xuất toán vì sách chưa viết mà đã thanh quyết toán xong. Bao biện cho hành vi nêu trên, Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế đã bao che rằng: “Dự án bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện và đề nghị xuất toán là không có cơ sở”. Nếu thanh tra chỉ cần sang kho bạc Đống Đa để xác định có vụ việc “có cơ sở” hay không thì mọi chuyện sẽ rõ, nhưng họ đã không làm. Với hàng loạt vụ việc điều tiếng liên quan đến ông Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nguyễn Vinh Quang nêu trên, mà bà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên vẫn ra quyết định 3382/QĐ-BYT để giao quyền cho ông ta làm Trưởng ban Quản lý Dự án hoạt động Phòng, chống bệnh đái tháo đường để được sử dụng nguồn kinh phí của dự án thì liệu những đồng tiền ngân sách nhà nước có bị thất thoát như đã từng xảy ra? Chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ việc này để rộng đường thông tin đến bạn đọc.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bá Ước