Phó giáo sư Lê Đức Ngọc đề xuất xây dựng một quỹ “bảo hiểm” về kiểm định

05/05/2021 08:27
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lâu nay, kiểm định chất lượng ở ta là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính tổng kết chứ không phải là hoạt động mang tính đánh giá quá trình.

Kiểm định chất lượng là công cụ quản lý chất lượng và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục hay chương trình đào tạo trong bối cảnh nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Đức Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nếu nhận thức đầy đủ như vậy thì cần có những biện pháp đảm bảo công cụ này thực hiện hiệu quả”.

Nhìn lại quá trình kiểm định chất lượng tại Việt Nam, Phó giáo sư Lê Đức Ngọc chỉ ra rằng, có thể nói lâu nay, kiểm định chất lượng ở ta là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính tổng kết (Summative Assessment), chứ không phải là hoạt động đo lường đánh giá chất lượng mang tính đánh giá quá trình (Formative Assessment).

Một khi kiểm định chất lượng mang tính tổng kết, sẽ mang bản chất là đánh giá thành tích, vậy thì vô tình đã biến các báo cáo tự đánh giá thành báo cáo thành tích…kết quả là không đánh giá được thực chất các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong đã triển khai của cơ sở giáo dục. Chỉ khi nào làm tốt các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong thì mới tạo nên chất lượng thật và bền vững.

Phó giáo sư Lê Đức Ngọc (Ảnh:NVCC)

Phó giáo sư Lê Đức Ngọc (Ảnh:NVCC)

Để đảm bảo thực hiện đánh giá quá trình trong kiểm định, Phó giáo sư Lê Đức Ngọc đề nghị cần khẩn trương triển khai 2 việc.

Thứ nhất là cần phải quy định có kiểm định chất lượng ít nhất 30% các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục mới được kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Vì chất lượng chương trình đào tạo là gốc, là thật của chất lượng cơ sở giáo dục. Vì bản chất Hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trước khi kiểm định cơ sở đào tạo là hoạt động đánh giá quá trình trong kiểm định chất lượng.

Thứ hai là cần có quy định trung tâm kiểm định chất lượng có trách nhiệm định kỳ giám sát các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong của cơ sở giáo dục đại học trước khi chấp nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đó. Có như vậy mới thực sự dùng kiểm định chất lượng để quản lý chất lượng.

Nhìn vào điều 39, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT nêu rõ: Hợp đồng thẩm định báo cáo tự đánh giá và đánh giá ngoài giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục nêu rõ: Các hợp đồng giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế thì Phó giáo sư Lê Đức Ngọc nhấn mạnh:

“Từ lâu, tôi đã đề xuất nên xây dựng một quỹ “bảo hiểm” về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, đó là niên liễm hàng năm của các trường đại học đóng góp theo qui mô ngành đào tạo, để cung cấp kinh phí cho các hoạt động đánh giá ngoài luân phiên, một cách độc lập, khách quan”.

Nếu chúng ta cứ thực hiện như bấy lâu nay, đơn vị nào đơn vị ấy, tự ký hợp đồng với Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, thì xem ra phải công nhận có lý khi có ý kiến cho rằng kết quả đánh giá ngoài chẳng khác nào là một loại hàng hóa, vì cũng có hợp đồng thương lượng, cũng có thanh toán.

Vấn đề đặt ra là quỹ này ai quản lý và hoạt động như thế nào thì Phó giáo sư Ngọc cho rằng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nên được giao và đứng ra tổ chức thực hiện và đảm nhiệm tạo lập và điều hành quỹ này. Bởi không tổ chức nào có thể đại diện cho các trường đại học và cao đẳng ngoài Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để thực hiện xây dựng, quản lý và điều hành quỹ này.

Được biết, ngày 16/03, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh và quyết định 969/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội.

Cả hai Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đều là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, hiện nay cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ngoài 2 trung tâm mới thành lập kể trên còn có 5 trung tâm đã hoạt động trong những năm qua, đó là: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Vinh.

Để có mặt bằng kinh phí kiểm định chất lượng cho một trường hay một ngành đào tạo, rõ ràng không thể không xây dựng “quỹ đảm bảo chất lượng” cho hệ thống giáo dục đại học trong thời gian tới, có thể nói đó không chỉ là mong muốn của các trường mà ngay cả của các trung tâm kiểm định hiện nay.

Thùy Linh