Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lý giải hóa đơn tiền điện tăng

31/05/2019 06:09
Kiến Văn
(GDVN) - Cuối phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải trình thêm về giải pháp kiềm chế lạm phát và giá điện.

Theo Phó Thủ tướng, lộ trình điều chỉnh giá điện được Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN thực hiện theo đúng quy định Luật Điện lực, Quyết định 24 và các văn bản pháp luật khác. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết gửi Quốc hội về điều chỉnh tăng giá mặt hàng này.

Điện là mặt hàng vật tư chiến lược, góp phần vào ổn định, tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán để tăng 1% GDP thì điện phải tăng trưởng 1,5%. Kịch bản GDP năm 2019 là 6,8% thì điện phải tăng 11,35%.

"Điều hành điện phải đảm bảo mục tiêu kép kiểm soát lạm phát và giá hợp lý kêu gọi đầu tư vào ngành điện", Phó Thủ tướng cho biết. 

Về mức tăng giá, trên cơ sở các yếu tố đầu vào, chi phí... ngành điện đưa ra 3 kịch bản, song sau nhiều cân nhắc Thường trực Chính phủ đã lựa chọn mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36% từ ngày 20/3/2019.

Về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 - 30/3/2019) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê.

Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng.

"Lùi thời gian điều chỉnh giá điện sẽ phải tăng cao hơn", ông Huệ nói. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. ảnh: quochoi.vn

Về lạm phát, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kiểm soát ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế là "nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, Chính phủ". Ba năm qua, CPI đã được kiểm soát dưới 4% và được ghi nhận là điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Năm 2019 Quốc hội ra Nghị quyết là dưới 4%; Chính phủ phấn đấu mức dưới 4%, nhưng lựa chọn điều hành của Ban chỉ đạo giá là 3,3-3,9%.

Các biện pháp kiềm chế lạm phát được Phó thủ tướng nêu, gồm: Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, phối hợp chính sách; kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,8%. Cùng đó, theo dõi và điều tiết, kiểm soát một số mặt hàng thiết yéu như giá điện, xăng dầu, gas...

Tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của giá điện; tăng cường công tác dự báo các mặt hàng thiết yếu và điều chỉnh vào thởi điểm phù hợp và vì mục tiêu chung. Cuối cùng, công khai minh bạch chi phí đầu vào giá thiết yếu, trong đó có giá điện tạo niềm tin của doanh nghiệp

Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%. 

Phó Thủ tướng lý giải, nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với tháng liền kề.

Trước đó vào ngày 29/5, EVN cũng đã cung cấp thông tin chi tiết hơn tới báo chí về việc tăng giá điện và các hoạt động của tập đoàn.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết như vậy khi thông tin tới báo chí về việc điều chỉnh tăng giá điện mà dư luận đang quan tâm.

Cụ thể, ông Lâm cho biết: “Trong năm 2019, các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá thành điện đều tăng như giá than, giá khí, giá điện cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo, chênh lệch tỷ giá, tăng thuế môi trường... khiến chi phí dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng.

Toàn bộ nguồn doanh thu tăng thêm sau khi điều chỉnh giá điện ước tính cũng chỉ trên 18.000 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí đầu vào đã tăng này, thậm chí còn chưa đủ để bù đắp các chi phí sản xuất điện dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng.

Chúng tôi sẽ tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để phấn đấu bảo đảm cân bằng tài chính”.

Theo EVN, trong tháng 4/2019, trên số liệu thực tế của hoá đơn tiền điện của các khách hàng sinh hoạt cho thấy, có đến 68,15% số hộ gia đình sử dụng điện dưới 200kWh/tháng; 15,6% số hộ gia đình sử dụng điện từ 201-300kWh; 6,6% số hộ gia đình sử dụng điện từ 301-400kWh và chỉ có 9,6% số hộ gia đình sử dụng điện từ 401kWh trở lên.

Tính đến thời điểm ngày 27/5/2019, theo số liệu thực tế hóa đơn tiền điện của khách hàng sinh hoạt tháng 5/2019 thì số hộ gia đình sử dụng điện tương tự như tháng 4/2019, số hộ gia đình sử dụng điện từ 301-400kWh và từ 401 kWh trở lên có xu hướng tăng nhẹ do thời tiết bắt đầu vào mùa hè.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, EVN điều chỉnh tăng giá điện khi một loạt các yếu tố đầu vào tăng như:

Điều chỉnh giá than đợt 1, (tăng 2,61 - 7,67%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 3.182; Điều chỉnh giá than trộn gồm nội địa và nhập khẩu - Chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 1.920 tỷ đồng; Điều chỉnh giá than đợt 2 (tăng 3,77% đối với than của TKV và 5% đối với than của Đông Bắc) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 2.230 tỷ đồng;

Giá dầu thế giới (dầu HSFO) để tính giá khí thị trường (tăng 2,78%) - tăng hơn 946 tỷ đồng; Giá khí trong bao tiêu theo giá trị trường từ 20/3/2019 thực hiện theo Nghị quyết 57/2013/QH13 (tăng 44,03%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 5.852 tỷ đồng; Giá khí bao tiêu theo giá thị trường (tăng 0,23%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 589 tỷ đồng;

Giá điện cho các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng cho năm 2019 (tăng 1,83%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 267 tỷ đồng;

Tỷ giá đô la Mỹ (tăng 1,367%) - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 1.218 tỷ đồng; Chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện - chi phí mua điện dự kiến tăng hơn 3.824 tỷ đồng.

Tổng cộng các yếu tố đầu vào làm tăng giá điện là hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Kiến Văn