Ngành Điện đã trung thực với dân và Chính phủ chưa?

04/05/2019 06:55
Xuân Dương
(GDVN) - Vì sao giá điện chỉ giữ ổn định được 4 năm nay lại tăng và mức tăng ấy ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân?

Bộ Công Thương chính thức điều chỉnh giá điện bắt đầu từ ngày 20/3/2019, theo đó mỗi số điện (kwh) sẽ tăng gần 144 đồng, lên mức bình quân hơn 1.864 đồng.

Trước khi tăng giá, báo chí dẫn thông tin từ Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) cho biết: “Giá điện bình quân tăng 8,36%”, bằng một vài phép tính đơn giản với số liệu đã công bố, thấy rằng thực tế giá điện tăng 8,3695%.

Con số 0,0095% tưởng là vô cùng bé nhưng tính trên hàng trăm nghìn tỷ đồng thì lại không hề nhỏ.

Vậy vì sao giá điện chỉ giữ ổn định được 4 năm nay lại tăng và mức tăng ấy ảnh hưởng thế nào đến đời sống người dân?

Trước hết cần bàn về quyết định tăng giá điện mà ngành Điện kiến nghị và đã được Bộ Công thương phê duyệt áp dụng từ tháng 20/3/2019.

Thứ nhất, giá điện tăng vào số đông để thu lợi nhuận cao nhất

Người buôn bán dẫu có “dốt” tính toán đến mấy thì vẫn biết một nguyên tắc, càng bán được nhiều hàng với giá cao thì lợi nhuận càng nhiều.

Ngành Điện đã trung thực với dân và Chính phủ chưa? ảnh 1Sự hoài nghi về biểu giá điện của EVN bao giờ mới được giải tỏa?

Vậy trong nhóm tiêu dùng điện sinh hoạt, nhóm nào sử dụng nhiều điện nhất?

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng:

Hiện nay, hộ dùng ít điện chiếm số nhiều, hộ dùng nhiều không phải tỉ trọng lớn. Tôi nghĩ cơ chế bậc thang tiếp tục áp dụng đến khi ra thị trường bán lẻ cạnh tranh”. [1]

Điều mà ông Tri tiết lộ không phải là bí mật bởi từ tháng 11/2017, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo lần thứ 4 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo “Kịch bản 1A” mà Bộ Công thương dự kiến, nếu giảm số bậc thang từ 6 bậc còn 3 bậc thì nhóm cư dân sử dụng từ 51-300 kw chiếm 72,5% tổng số hộ sử dụng điện (14 triệu hộ).

Còn theo “Kịch bản 2A”, chia làm 04 bậc thì nhóm cư dân sử dụng từ 51-400 kw chiếm 77,6%. [2]

Lượng điện sử dụng (Kw)

Giá cũ (đồng)

Giá mới (đồng)

Số tiền tăng thêm (đồng)

Tỷ lệ tăng (%)

0-50

1549

1678

129

108,328

51-100

1600

1734

134

108,375

101-200

1858

2014

156

108,396

201-300

2340

2536

196

108,376

301-400

2615

2834

219

108,375

401 trở lên

2701

2927

226

108,367

    Bảng 1: Bảng giá điện lũy tiến 6 bậc các năm trước và năm 2019

Dù đề xuất mấy kịch bản song cuối cùng thì EVN vẫn kiến nghị và được chấp nhận biểu giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc – Bảng 1. 

Nhìn vào cột Tỷ lệ tăng (%) theo cách làm tròn số tự động đến 2 chữ số thập phân trong Bảng tính Excel thì nhóm cư dân sử dụng từ 51 kw trở lên đều sẽ bị tăng 8,40%.

Nếu tính chi ly thì nhóm hộ sử dụng từ 101 đến 300 kw chiếm từ 60 - 72,5% số hộ sử dụng điện và cũng là nhóm bị tăng nhiều nhất. Nhu cầu sử dụng điện của đa số các hộ gia đình hiện nay đều rơi vào nhóm này, cũng là nhóm có đời sống ổn định ở mức bình thường chứ không phải giàu có.

Vậy nên thật dễ hiểu họ đã bức xúc khi ngành điện thông báo chỉ tăng giá 8,36% mà tiền điện họ phải trả tăng vọt, cũng có thể làm xáo trộn phần nào sinh hoạt của gia đình.

Biểu đồ tỷ lệ tăng giá điện (tính theo %)
Biểu đồ tỷ lệ tăng giá điện (tính theo %)

Thứ hai, xem lại cách làm tròn số

EVN công bố giá điện tăng 8,36%, nếu đây là con số chính thức và không làm tròn thì có một vấn đề cần bàn luận. Như tính toán đã nêu, con số thực tế đã tăng là 8,3695%.

Đây là do EVN làm tròn số một cách cơ học hay ngầm chứa những toan tính khác?

Nếu biết rằng 0,0095% của một tỷ đồng là chín triệu rưỡi đồng (9.500.000 đồng).

Tổng doanh thu của EVN năm 2017 ước đạt 293.200 tỷ đồng, năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng. Vậy năm 2019 này, 0,0095% của mấy trăm nghìn tỷ sẽ là bao nhiêu?

Tại sao mức tăng không phải là đồng đều cho tất cả các nhóm hộ sử dụng điện mà lại tập trung vào nhóm hộ đông nhất?

Đây là chi tiết rất quan trọng cần phải truy xét, bởi vì những người có kiến thức kinh tế đều nhìn thấy, chẳng lẽ các nhà quản lý cỡ lãnh đạo EVN hay Bộ Công thương lại không nhìn ra?

Thứ ba, tại sao EVN gửi 42.000 tỷ với lãi suất không kỳ hạn và 20.000 tỷ đầu tư ngắn hạn?

Không khó để tìm thấy bảng công bố lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Tại thời điểm ngày 02/05/2019 lãi suất không kỳ hạn thấp nhất là 0,1% (BIDV, Vietinbank, Vietcombank), cao nhất là 1% (SCB, Bắc Á, Nam Á bank) trong khi lãi suất gửi có kỳ hạn thấp nhất (1 tháng) là 4,5% và cao nhất là 8%, bình quân vào khoảng 7,5%. 

EVN lý giải cho việc gửi không kỳ hạn là do phải “phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất”. [2]

Ngành Điện đã trung thực với dân và Chính phủ chưa? ảnh 3Giá điện chưa minh bạch, Bộ Công thương chịu trách nhiệm ra sao?

Đây được cho là lý do “chính đáng” và hy vọng những gì xảy ra phía sau không có gì khuất tất? Nhưng để người dân hết băn khoăn thì các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu và đưa ra câu trả lời hoàn toàn minh bạch.

Luật Cạnh tranh ban hành ngày 12/6/2018, tại điều 17Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm” liệt kê một số hành vi bị cấm trong đó có:

“Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng”;…

Suy cho cùng EVN là một tập đoàn độc quyền từ khâu sản xuất đến truyền tải và bán điện nhưng khó ai dám nói thẳng, rằng hành vi nâng giá điện của EVN là vi phạm một số điều khoản của Luật Cạnh tranh 2018.

Tuy nhiên nói vòng vo, nói kiểu “Bão bên Tây chết cây nhà nó” thì không thiếu, xin điểm một vài tít báo lý giải nguyên nhân tăng giá điện sinh hoạt:

“Bộ xin đóng dấu mật giá xăng, giá điện: Đã độc quyền lại còn muốn mật? [3]

“Tái cơ cấu EVN: Xóa độc quyền, tạo thị trường cạnh tranh?” [4]

“Còn độc quyền, giá điện chỉ có tăng”. [5] 

Sau mỗi kỳ tăng lương thì giá hàng hóa dịch vụ đều rục rịch tăng, tuy nhiên ít ai để ý trước thời hạn tăng lương vài tháng cũng từng xuất hiện biến động giá điện, xăng dầu. 

Tăng giá điện EVN thu thêm khoảng 20.000 tỷ đồng, với nhóm cư dân thu nhập thấp và trung bình, họ có biết rằng đó là số tiền chắt bóp trừ vào khẩu phần ăn hàng ngày mỗi gia đình?

Khi các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên thì cách tốt nhất là cổ phần hóa, cho phép tư nhân cạnh tranh lành mạnh với nhà nước. Đó cũng là giải pháp cần thiết để minh bạch tại EVN.

Tuy nhiên nói EVN chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự độc quyền là không chính xác bởi trên EVN là Bộ Công thương.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/pho-tong-evn-gia-dien-se-tang-gap-doi-neu-giai-tan-evn-20190503074245329.htm

[2]https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tinh-toan-gia-dien-sinh-hoat-hay-nho-dung-tren-400-so-gia-dien-dat-gap-doi-460025.html

[3]http://www.congdoan.vn/tin-tuc/thoi-su-487/bo-xin-dong-dau-mat-gia-xang-gia-dien-da-doc-quyen-lai-con-muon-mat-378235.tld

[4]https://tuoitre.vn/tai-co-cau-evn-xoa-doc-quyen-tao-thi-truong-canh-tranh-1333905.htm

[5]http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=458

Xuân Dương