Phương pháp Blended Learning giúp tăng hứng thú cho học sinh học online

04/12/2021 07:20
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Blended Learning là hình thức đào tạo kết hợp học truyền thống trên lớp cùng đào tạo trực tuyến, sử dụng các nền tảng công nghệ.

Ngày 3/12, Làng Công nghệ Giáo dục (Edtech) tổ chức tiếp tục hội thảo trực tuyến Chuyển đổi số giáo dục: Thách thức và kỳ vọng. Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận về chủ đề “Công nghệ và phong cách dạy mới trong Blended Learning”.

Tham dự hội thảo về phía ban tổ chức có ông Đỗ Nguyên Hưng - Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest Vietnam 2021; Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội; ông Phạm Tuấn Hiệp - Đồng trưởng làng Công nghệ giáo dục Techfest Vietnam 2021; Giám đốc ươm tạo tại BK Holdings; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hà - Đồng trưởng làng Công nghệ giáo dục Techfest Vietnam 2021; Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Trường Đại học Ngoại thương; ông Nguyễn Trí Hiển - Đồng Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest Vietnam 2021; Giám đốc điều hành tại Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh.

Hội thảo tập chung thảo luận về những vấn đề về công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường), xây dựng giáo án cho Blended learning.

Hội thảo tập chung thảo luận về những vấn đề về công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường), xây dựng giáo án cho Blended learning.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận về chủ đề này, ông Đỗ Nguyên Hưng - Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Techfest Vietnam 2021 - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội nhận định:

“Nhiều đơn vị đào tạo còn hạn chế về ứng dụng công nghệ, cơ sở hạ tầng mạng, thiếu các giảng viên có năng lực số. Chưa kể đối với mỗi ngành nghề, lĩnh vực đào tạo sẽ có những đặc thù, yêu cầu riêng khi thực hiện chuyển đổi số, đây là vấn đề không dễ để các đơn vị đào tạo thích ứng nhanh trong thời gian ngắn.

Để quá trình chuyển đổi bền vững và hiệu quả thì giảng viên số cần được quan tâm nhiều nhất và chủ động tăng cường năng lực cũng như trang bị các công cụ, phương pháp, học liệu số… nhằm hỗ trợ cho quá trình dạy và học”.

Theo đó, Blended Learning là hình thức đào tạo kết hợp học truyền thống trên lớp cùng đào tạo trực tuyến, sử dụng các nền tảng công nghệ. Đây là phương pháp học tập được cập nhật theo xu hướng của rất nhiều quốc gia trên thế giới và được nghiên cứu bởi Đại học Cambridge.

Với các giờ học truyền thống, giáo viên thường sẽ yêu cầu học sinh của mình hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, tránh gây mất tập trung. Thực tế, việc dạy và học liên tục sẽ khiến nhiều học sinh trở nên chán nản, mệt mỏi và không tập trung.

Phương pháp Blended Learning mới mẻ hiện nay đem đến sự sinh động cho giáo viên thông qua việc áp dụng công nghệ, đổi mới hình thức giảng dạy với các trò chơi, video, âm thanh... làm tăng sự sống động của bài giảng. Nhờ vậy, học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng.

Cô Phạm Nữ Thanh Tú - giáo viên tiếng Anh - Founder Pompom English - chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi áp dụng mô hình Blended Learning vào giảng dạy

Cô Phạm Nữ Thanh Tú - giáo viên tiếng Anh - Founder Pompom English - chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi áp dụng mô hình Blended Learning vào giảng dạy

Chia sẻ tại hội thảo, cô Phạm Nữ Thanh Tú - giáo viên tiếng Anh - Founder Pompom English - cho biết: “Việc học trực tuyến rất khó đo lường hiệu quả dạy và học của cả cô và trò. Khi dạy các em trực tiếp, tôi quan sát biểu cảm trên khuôn mặt các em là biết khi nào học sinh mất tập trung hay chưa hiểu bài để kịp thời điều chỉnh. Dạy trực tuyến, học sinh thường tắt camera nên rất giáo viên rất khó khăn trong việc tương tác với học sinh”.

Cũng theo cô Tú, từ khi áp dụng mô hình Blended Learning, cô thường kết hợp đưa ra nhiều bài kiểm tra định kỳ so với học trực tiếp, thêm bài tập về nhà để đo mức độ hiểu bài của học sinh, và lồng ghép các hoạt động, trò chơi vận dụng công nghệ trong giờ học để tăng sự hứng thú cho học sinh.

“Với giáo án Blended Learning, tôi thường chia nhỏ bài giảng để học sinh không bị “ngợp” và qua mỗi trò chơi, tôi sẽ đưa ra nhận xét để các em tiến bộ hơn. Đối với bài tập về, dựa vào từng trình độ của các em học sinh, tôi cũng thường xuyên sử dụng những ứng dụng như: ClassIn, Azota… để thiết kế câu hỏi.

Hiện nay, Ở Việt Nam, các đơn vị dạy tiếng anh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy rất nhiều, điển hình là ứng dụng học phát âm tiếng Anh Elsa, nên tôi cũng khuyến khích học sinh của mình có thể học tại nhà trên ứng dụng này”, cô Tú cho hay.

Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Đào Thu Hiền, Founder & CEO Golden Path Academics bày tỏ: “Hiện tại, chúng ta đang tập chung rất nhiều công nghệ, ứng dụng vào việc dạy và học trên lớp. Tuy nhiên, việc các em học ở nhà cũng có thể sử dụng công nghệ để giúp học sinh tiến bộ và việc tự học trở nên hiệu quả hơn.

Việc sử dụng công nghệ phải ghi nhận được những khó khăn cũng như sự tiến bộ của các học sinh và được lưu lại bằng dữ liệu. Từ đó, các công ty cung cấp những phần mềm, ứng dụng đó sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ học sinh”.

Cũng tại hội thảo, những vấn đề về công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường), xây dựng giáo án cho Blended learning… cũng được các diễn giả là những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong đào tạo trực tuyến và giáo dục, bàn luận sôi nổi.

Ngọc Ánh