Chuyển đổi số, người học sẽ được nghe thầy cô giỏi nhất dạy qua môi trường số

29/10/2021 06:18
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 là áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn tại các cơ sở giáo dục miền núi.

Sẵn sàng những điều kiện “cần”

Sự bùng nổ về công nghệ đã và đang tạo ra phương những thức giáo dục mới. Như một tất yếu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Nhận thức sâu sắc về quá trình chuyển đổi số trong giáo dục hiện đại gắn với thực tiễn đào tạo tại các địa phương là vấn đề đặc biệt quan trọng, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã có những định hướng, giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Chia sẻ trong hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” được tổ chức bằng hình thức trực tuyến vào ngày 22/10 vừa qua, Thạc sĩ Mai Đình Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho biết: “Là đơn vị sự nghiệp công lập, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã sớm nhận thức được vai trò và tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng.

Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 là áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, đó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới.

Cũng cần phải hiểu rằng, chuyển đổi số trong giáo dục không đơn giản chỉ là số hóa các nguồn tài liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi phần cứng, kéo theo việc quản trị các nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo cũng thay đổi. Thực hiện chuyển đổi số là người học sẽ nghe thầy giáo giỏi nhất dạy qua môi trường số. Chuyển đổi số tạo cơ hội và động lực để người dạy và người học thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến”.

Bài tham luận trong hội thảo của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. (Ảnh chụp màn hình)

Bài tham luận trong hội thảo của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. (Ảnh chụp màn hình)

Trong quá trình phát triển, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên nhận thức rõ quá trình phát triển giáo dục để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó các điều kiện “cần” để nhà trường thích ứng với sự chuyển đổi.

Về hoạt động đào tạo: Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và quản lý người học. Nhà trường đã thường xuyên đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, khảo sát mức độ hài lòng về phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học, nội dung môn học và các điều kiện phục vụ học tập được triển khai thường xuyên thông qua hệ thống công nghệ thông tin của trường.

Về đội ngũ: hiện nay, đội ngũ giảng viên luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ ứng dụng mới trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý.

Về người học: tính đến 31/3/2021 Nhà trường có 569 sinh viên, trong đó 495 sinh viên là người dân tộc thiểu số; dân tộc rất ít người là 01. Sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình học tập, tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp nhằm phát triển toàn diện. Việc tổ chức các hoạt động học và hoạt động xã hội được ứng dụng công nghệ thông tin một cách tối đa nhất để mang lại hiệu quả tốt đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số.

Về điều kiện công nghệ thông tin đáp ứng quá trình chuyển đổi số: Nhà trường có đầy đủ phòng máy tính được nối mạng đáp ứng nhu cầu học tập của người học; có biện pháp hỗ trợ người học tiếp cận với công nghệ thông tin.

Nhà trường đầu tư, sử dụng phần mềm quản lý có bản quyền, như: quản lý đào tạo, thi online, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý văn bản, quản lý thư viện, quản lý tài sản. Khu vực các nhà làm việc, hội trường, giảng đường, khu nội trú... được phủ sóng wifi để thuận tiện cho cán bộ giảng viên và sinh viên tra cứu và trao đổi thông tin.

Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng cho các đối tượng về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, hướng dẫn khai thác và sử dụng mạng. Hệ thống phòng máy đều có cán bộ phụ trách để hỗ trợ sinh viên học tập và tra cứu.

Ngoài ra, Thư viện trường hiện có 8.009 đầu sách với 118.533 cuốn.Danh mục sách, tài liệu tham khảo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trường (http://www.cdspdienbien.edu.vn) khi cần, cán bộ giảng viên và sinh viên có thể tự khai thác trên hệ thống điện tử hoặc điện thoại thông minh của cá nhân.

Cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của nhà trường, tình hình sinh viên tốt nghiệp, tình hình việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp cũng được tích hợp hàng năm.

Việc lưu trữ cơ sở dữ liệu của trường được tiến hành khoa học hợp lý, toàn bộ cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo được tập hợp dưới dạng phần mềm quản lý đào tạo Việc lập hồ sơ và quản lý được quy định rõ ràng trong văn bản Quy định chức năng, nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Biến thách thức thành cơ hội

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi như đã đề cập ở trên, Thạc sĩ Mai Đình Nam đề cập đến một số vấn đề thực tiễn đặt ra và xem như là điều kiện “đủ” để thực hiện chuyển đổi số ở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Một, vấn đề về phát triển hạ tầng kỹ thuật: Hiện tại, một số thiết bị công nghệ thông tin hiện đại còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cài đặt, vận hành các hệ thống thông tin an toàn. Một số thiết bị phục vụ công tác quản lý, dạy và học đã xuống cấp, lỗi kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, hiện có khoảng 1/3 máy tính quá niên hạn sử dụng theo quy định, cần thay thế mới.

Hai, cơ sở hạ tầng về mạng: trong đó có hệ thống mạng, mạng LAN, mạng Internet đôi lúc còn gặp sự cố do ảnh hưởng của thời tiết; mạng 4G, 5G có lúc chưa kết nối liên tục, ổn định do địa thế vùng miền... Điều này đặt ra vấn đề chưa đảm bảo tính sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh.

Ba, việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại của một số giảng viên phục vụ dạy học trực tuyến, dạy học STEM, STEAM, STREAM... còn chưa được khai thác sử dụng thường xuyên. Chủ yếu được dùng trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19.

Bốn, các hoạt động nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế ứng yêu cầu phát triển giáo dục còn hạn chế. Việc chủ động nghiên cứu khoa học công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số cá nhân trong quá trình tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của việc chuyển giao kết quả nghiên cứu tới địa phương; tỉ lệ giảng viên tham gia hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học còn ít.

Năm, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của ngành về kỹ thuật và chính sách tham gia vào quá trình chuyển đổi số còn mới chỉ dừng ở việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyên môn về ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và nâng cao, đặc biệt là về chuyển đổi số phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trong tỉnh còn chưa thường xuyên.

Sáu, trong bối cảnh chung các trường cao đẳng sư phạm hiện nay, nhà trường còn gặp khó khăn về kinh phí để hoàn hoàn thiện hạ tầng mạng mới, đầu tư lớn về tài chính và nhân lực, hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn trong tuyển sinh đầu vào cũng đặt ra những yêu cầu thực tiễn không nhỏ đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ quá trình chuyển đổi số…

Bảy, sinh viên của trường chiếm 92% là người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Điều kiện để trang bị các thiết bị như: máy tính cá nhân, điện thoại thông minh.... để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là vấn đề cần quan tâm

“Để khắc phục những khó khăn, chúng tôi đã có những giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn áp dụng trong giai đoạn tới từ năm 2021-2025.

Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục với những thay đổi tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho ngành giáo dục đào tạo là sự vận hành tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có những nhận thức đúng về điều kiện ‘cần’ và ‘đủ’ để triển khai đồng bộ trong cán bộ, giảng viên, sinh viên. Việc đáp ứng các yêu cầu đó được nhà trường quan tâm và ưu tiên thực hiện”, ông Nam chia sẻ.

Theo Thạc sỹ Mai Đình Nam, nhà trường tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng thực hiện việc nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng kỹ năng số cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, xây dựng nhà trường trở thành cơ sở tiên phong trong tỉnh.

Một số giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn sẽ được áp dụng trong giai đoạn tới từ năm 2021-2025. (Ảnh chụp màn hình)

Một số giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn sẽ được áp dụng trong giai đoạn tới từ năm 2021-2025. (Ảnh chụp màn hình)

Xây dựng có cơ chế khuyến khích, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với mục đích yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục. Đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong trường với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động các nghiên cứu trực tuyến hỗ trợ giảng viên dạy học đối với việc bồi dưỡng thường xuyên cho người học ở các huyện, xã khó khăn trong tỉnh. Đặc biệt là trong quá trình bồi dưỡng các lớp chuẩn chức danh nghề nghiệp, các lớp liên kết đại học...

Yêu cầu giảng viên sử dụng thành thạo các công nghệ Big data, AI, Blockchain… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo về người học trong quá trình đánh giá, theo dõi. Sử dụng thành thạo các phần mềm như Kahoot, Wheel of Names để tăng sự tương tác, kết nối giáo dục.

Thạc sỹ Mai Đình Nam nhận định: “Trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số, tăng cường thúc đẩy truyền thông tới sinh viên đặc biệt là sinh viên người dân tộc thiếu số về chuyển đổi số là một trong những điều quan trọng. Nhằm hướng các em tiếp cận được với công nghệ một cách thường xuyên, sử dụng thành thạo hơn các ứng dụng trên các thiết bị di động, máy tính cá nhân... tạo tiền đề chuyển đổi tư duy của sinh viên là người dân tộc thiểu số”.

Cao Kim Anh