UAV thường được sử dụng để thực hiện hai nhiệm vụ chính: Trinh sát, phát hiện mục tiêu của đối phương và tác chiến trực tiếp tiêu diệt các mục tiêu đã định. Trong các cuộc chiến tranh và xung đột trên thế giới gần đây, UAV đã tỏ rõ là một loại vũ khí lợi hại trên chiến trường.
Hiện các cường quốc quân sự đều cho rằng, UAV là một bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ cấu lực lượng quân sự, do vậy đang đầu tư đáng kể để nghiên cứu, phát triển loại vũ khí này.
Để trinh sát, thu thập thông tin, UAV được trang bị các thiết bị cảnh giới lắp trên khoang (ca-mê-ra hồng ngoại, ra-đa tổng hợp…). Với mục đích này, UAV được sử dụng để trinh sát, thu thập thông tin ở cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Để hoàn thiện khả năng này, các nhà thiết kế đang nghiên cứu lắp thêm thiết bị phát hiện, dò mục tiêu bằng la-de cho UAV.
Máy bay trực thăng không người lái Shadowhawk có thể bắn súng ngắn và phóng lựu đạn. Ảnh: Internet. |
Hiện nay, UAV giữ vai trò là phương tiện quan sát phía trước đối với hầu hết các lực lượng vũ trang. Các quốc gia trên thế giới đang phát triển công nghệ theo hướng để có được loại UAV thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Các loại UAV ở giai đoạn đầu thường chỉ mang theo ca-mê-ra mà người nhận thông tin chỉ có thể tiếp cận được dữ liệu cần thiết khi UAV quay trở về. Tuy nhiên, các lớp UAV kế tiếp đã có khả năng truyền dữ liệu, thông tin về mục tiêu cho người dùng tin qua đường truyền dữ liệu (qua hệ thống vô tuyến hoặc GPS).
Nhìn chung, UAV được sử dụng với mục đích chiến thuật thường có ít thiết bị, thiết bị trinh sát được kết nối tới hệ thống chỉ huy. Mặc dù vậy, các UAV này cũng có thể được sử dụng ở cấp chiến dịch như việc nước Anh sử dụng UAV Phoenix để kiểm soát đường biên giới trong cuộc chiến Cô-xô-vô.
Quân đội các nước đang tìm cách phát triển các UAV tương thích hơn. Theo hướng này, họ hy vọng khai thác đầy đủ khả năng của các phương tiện trinh sát và thu thập thông tin ở các cấp độ khác nhau.
Ở cấp chiến thuật và cấp chiến dịch, UAV được sử dụng để hình thành một bức tranh toàn diện hơn về không gian chiến đấu. Với cấp chiến lược, nhiệm vụ trinh sát được thực hiện bởi các UAV có tầm bay xa, thời gian lâu và được trang bị các thiết bị trinh sát hiện đại như ra-đa tổng hợp, ra-đa la-de, thiết bị truyền số liệu qua GPS…
Với nhiệm vụ tác chiến trực tiếp tiêu diệt mục tiêu đã định, nhiều phân tích của các chuyên gia quân sự cho thấy: Quân đội các nước đang cố gắng trong tương lai gần, UAV sẽ được trang bị tên lửa có điều khiển không đối đất và không đối không, bom có điều khiển, bom mẹ-con có điều khiển và các loại vũ khí có điều khiển khác.
Về lâu dài, chúng có thể được trang bị các hệ thống vũ khí mới với cơ chế hoạt động theo nguyên lý hoàn toàn mới. Ví như nhiều hãng chế tạo UAV đang lựa chọn trang bị các vũ khí gồm: Tên lửa có điều khiển không đối không tầm gần, tầm trung, tên lửa không đối đất có điều khiển khối lượng nhỏ và tên lửa chống tăng Hellfire cũng như bom có điều khiển GBU-39, GBU-38, GBU-12 và các loại bom mẹ-con CBU-103, 104 và 105.
Hãng BAE Systems vừa trình diễn loại vũ khí có tên Hydra-70. Đây là loại vũ khí sử dụng hệ thống điều khiển la-de bán chủ động cho phép tăng đáng kể độ chính xác tiêu diệt mục tiêu. Hiện tại, Hydra-70 đang được sử dụng để tiêu diệt mục tiêu diện, sau đó sẽ được nâng cấp để có khả năng tiêu diệt mục tiêu điểm. Với kích thước và khối lượng nhỏ, Hydra-70 có thể trở thành hệ vũ khí trang bị chính cho UAV có thể tiêu diệt các mục tiêu kích thước nhỏ trên mặt đất.
Còn UAV MQ-9 Reaper đang được đề xuất trang bị bom có điều khiển GBU-38 cỡ 500 bảng Anh (khoảng 225 kg), trong tương lai sẽ xét đến khả năng trang bị bom GBU-39 và 40 cỡ 250 bảng Anh (khoảng 113 kg) cũng như tên lửa có điều khiển không đối đất Maverick, tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, thậm chí cả đạn tấn công tự hoạt giá thành thấp LOCAAS, đạn tự dẫn chống tăng thông minh BAT và đạn Viper Strike. Ngoài ra, có thể thử nghiệm trang bị tên lửa có điều khiển không đối không tầm gần, tầm trung.
Hãng Northrop Grumman đã tiến hành một loạt thử nghiệm bay đối với UAV Protector được trang bị giá treo với hệ thống cắt bom bằng khí nén. Kế hoạch tiếp theo là thử nghiệm với bom có điều khiển GBU-38, GBU-39/B và bom mẹ-con WCMD.
GBU-39/B là bom có cánh, kích thước và khối lượng nhỏ, độ chính xác cao sẽ được trang bị cho UAV để diệt các mục tiêu cố định và cơ động trên mặt đất ở độ cao đến 10km. GBU-39/B được điều khiển bằng hệ thống quán tính, hiệu chỉnh bằng hệ định vị vệ tinh NAVSTAR.
Mặc dù được coi là một trong những loại vũ khí đáp ứng được nhiều nhiệm vụ của chiến tranh công nghệ cao, song UAV không phải không có những mặt hạn chế. UAV rất dễ bị đối phương gây nhiễu nếu không được trang bị các thiết bị chống nhiễu tốt; do không có phi công điều khiển trực tiếp, nên khả năng cơ động linh hoạt không như máy bay chiến đấu, nên dễ bị đối phương phát hiện và bắn hạ. Ngoài ra, còn phải kể đến nguồn kinh phí để đầu tư nghiên cứu, thiết kế chế tạo đối với UAV là không hề nhỏ bởi UAV được tích hợp nhiều công nghệ cao.